DNQTĐ: Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không
Tiểu sử
Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không tên húy là Nguyễn Chí Thành (阮志誠) sinh tại làng Điền Xá, Gia Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình. Cha của thánh Nguyễn là ông Nguyễn Sùng, quê ở làng Điềm Xá, phủ Tràng An. Mẹ ông là bà Dương Thị Mỹ, quê ở Phả Lại, phủ Từ Sơn nay làng Phả Lại, xã Đức Long, Quế Võ, Bắc Ninh. Vợ chồng ông Nguyễn Sùng tuy nghèo nhưng luôn chăm lo làm việc thiện. Hai ông bà sinh hạ được một người con trai khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Nguyễn Chí Thành. Cha mẹ mất sớm, Chí Thành làm ngư dân đánh bắt cá, sinh sống trên sông Hoàng Long. Chí Thành nuôi chí lớn, đi chu du thiên hạ, lúc thì đăng sơn kích thỏ, khi thì phóng thuỷ cầu ngư.

Tháng 3 năm 1136, vua Lý Thần Tông bệnh nặng, lông lá mọc khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày, các danh y tài giỏi được triệu đến chữa bệnh nhưng không thuyên giảm. Tức thì trong dân gian, xuất hiện bài đồng dao của trẻ con rằng:
"Bắc nam có tây đông
Đáy bể ẩn có rồng
Vua mắc bệnh khó chữa
Hãy đón Nguyễn Minh Không."
Vua bèn sai sứ tìm gặp Sư. Khi Sư đến, Tôn túc thạc đức các phương đang ở trên điện làm phép, thấy Sư mộc mạc giản dị, có người khinh khí không đáp lễ. Sư đến, đem theo một cái đinh lớn, dài hơn 5 tấc, đóng vào cột, lên tiếng nói: "Ai có thể nhổ cái đinh đó ra thì trước đáng được tôn trọng, sau chữa được bệnh cho vua". Nói thế ba lần, chẳng ai dám làm. Sư lại lấy hai ngón tay trái, cầm vào thì đinh theo chúng mà ra. Mọi người đều khiếp phục. Khi gặp vua, Sư lớn tiếng nói: "Ðấng đại trượng phu, giàu sang bốn bể, há lại làm ra những điều cuồng loạn đấy ư?" Vua rất run sợ, Sư sai lấy một vạc lớn đựng nước nấu sôi tới cả trăm lần, dùng tay quậy lên khoảng bốn lần, rồi thò tay vào trong vạc dầu đang sôi sùng sục lấy ra đủ 100 cái kim châm cứu cho vua. Bệnh liền bớt ngay. Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng, Vua Lý Thần Tông phong ông là Quốc sư, tha thuế dịch cho vài trăm hộ.
Nguyễn Minh Không được các làng nghề đúc đồng suy tôn là ông tổ của nghề đúc đồng mặc dù từ thế kỷ X, Vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc tiền bằng đồng đầu tiên trong lịch sử và trước đó người Việt cổ đã đúc trống đồng. Với vai trò là quốc sư triều Lý, ông tham gia gây dựng nhiều công trình phật giáo. Lý Quốc Sư là người đúc tượng phật chùa Quỳnh Lâm; đúc đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên góp phần tạo nên An Nam tứ đại khí là những báu vật nổi tiếng của nước Đại Việt thời Lý - Trần. Ông là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng – tinh hoa của văn minh Đông Sơn – văn minh người Việt cổ mà trở thành tổ sư nghề đúc đồng.

Ngày 01/08/1141, Tân Dậu, thiền sư Minh Không hóa thọ 76 tuổi, môn đồ dựng tháp và tô tượng ở chùa Diên Phúc. Năm 1167, vua Lý Anh Tông ban chiếu sửa chùa Diên Phúc đổi thành Viên Quang (Xuân Ninh-Nam Định), đổi làng Giao Thủy thành Hộ Xá, Nghiêm Quang thành Thần Quang (chùa Keo), ban cho mỗi chùa 5 mẫu ruộng hương đăng. Ngày nay ở thôn Tống Xá có đền thờ ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam Nguyễn Minh Không.
Con đường
Tại Hà Nội: nối đường Hàng Bông với Ấu Triệu - Q. Hoàn Kiếm
Tại Đà Nẵng: nối đường Hoà Nam 12 với Đồng Xoài - Q. Liên Chiểu
Tại Khánh Hoà: nối đường 2/4 với Bến Chợ - tph. Nha Trang
Thiên Linh
Không có nhận xét nào: