DNQTĐ: Thái tổ Lý Công Uẩn

Lý Thái Tổ - 李太祖; (08/03/974 - 31/03/1028), tên thật là Lý Công Uẩn (李公蘊), là vị hoàng đế sáng lập nhà Lý trong lịch sử Việt Nam

Cuộc đời

Lý Công Uẩn người ở Cổ Pháp, Bắc Giang (nay thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh), mẹ họ Phạm. Lúc 3 tuổi, bà mẹ Lý Công Uẩn ẵm ông đến nhà Lý Khánh Văn, Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi, từ nhỏ đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lý Công Uẩn lớn lên thời Lê Hoàn, ông theo giúp hoàng tử Lê Long Việt. 

Năm 1005, Lê Hoàn mất, các con tranh giành ngôi vua. Năm 1006, Lê Long Việt giành được ngôi vua, trở thành vua Lê Trung Tông. Nhưng chỉ được 3 ngày Trung Tông bị em là Lê Long Đĩnh giết hại giành ngôi. Lúc đó các quan đều sợ hãi bỏ chạy, chỉ có Lý Công Uẩn đến ôm xác Trung Tông khóc. Lê Long Đĩnh không những không trị tội mà khen Lý Công Uẩn là người trung nghĩa, tiếp tục trọng dụng ông vào chức cho làm Tứ sương quân phó chỉ huy sứ, rồi sau đó thăng đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.

Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế tháng 11 năm Kỷ Dậu (tức 21 tháng 11 năm 1009), đặt niên hiệu là Thuận Thiên, nghĩa là "theo ý trời". Ông phong cha là Hiển Khánh Vương, mẹ là Minh Đức Thái hậu, chú là Vũ Đạo Vương, anh ruột là Vũ Uy Vương, em ruột là Dực Thánh Vương. Ông lập sáu vương hậu, con trưởng ông là Lý Phật Mã được phong Khai Thiên Vương, lập làm Thái tử. Các con trai khác của ông cũng được phong vương. Đồng thời, con gái lớn của ông là An Quốc công chúa Lý Thiềm Hoa được gả cho Đào Cam Mộc, Đào Cam Mộc cũng được phong Nghĩa Tín Hầu, còn những người khác vẫn giữ chức cũ. Một người con gái khác là Lĩnh Nam công chúa là Lý Bảo Hòa cho động chủ Giáp Thừa Quý.

Tháng 7 năm 1010, vua khởi sự dời đô từ Hoa lư về Đại La. Khi thuyền mới đến đậu ở dưới thành, thấy có con rồng vàng hiện ra, nhân thế đổi tên thành Thăng Long. Tháng 12 năm Canh Tuất (năm 1010), Lý Thái Tổ sai sứ sang nước Tống để thỉnh kinh điển Phật giáo. Tống Thái Tông chấp thuận, trao cho vua Lý kinh Địa Tạng cùng với chữ ngự bút do chính tay vua Tống viết và gia phong làm Giao Chỉ quận vương lĩnh Tĩnh Hải quân tiết độ sứ. Cùng năm, sau khi củng cố xây dựng Hoàng thành, ông lại chùa ngự Hưng Thiên và tinh lâu Ngũ Phượng. Ngoài thành về phía nam dựng chùa Thắng Nghiêm. Vua Lý Thái Tổ đổi phép cũ của nhà Tiền Lê; chia nước ra làm 24 lộ, chia nước làm hai phần là kinh và trại, gọi Hoan Châu và Ái Châu là trại; xứ từ Thanh Hóa trở ra là kinh.

Tháng 2 năm 1011, vua Lý Thái Tổ mang sáu quân đi phạt quân Cử Long ở Ái Châu, bắt người cầm đầu giải về. Năm 1013, triều đình định ra 6 hạng thuế là: thuế ruộng, đầm, ao; thuế đất trồng dâu và bãi phù sa; thuế sản vật ở núi; thuế mắm muối đi quan Ải quan; thuế sừng tê giác, ngà voi và hương ở trên mạn núi xuống; thuế tre gỗ hoa quả. Tháng 10 năm 1013 châu Vị Long làm phản, hùa theo người Đại Lý. Vua Lý Thái Tổ mang quân đánh, thủ lĩnh là Hà Án Tuấn sợ, đem đồ đảng trốn vào rừng núi. Năm 1014, vua Đại Lý sai hai tướng Dương Trường Huệ, Đoàn Kính Chí đem 20 vạn quân đánh nước Việt. Quân Đại Lý tiến lên đóng ở bến Kim Hoa, dũng trại Ngũ Hoa. Sau khi châu mục châu Bình Lâm là Hoàng Ân Vinh thông báo, Lý Thái Tổ sai Dực Thánh Vương đánh bến Kim Hoa. Quân Việt đánh tan quân Đại Lý.

Năm 1017, nhà Tống gia phong ông làm Nam Bình vương. Tháng 6 năm Mậu Ngọ (1018), Lý Thái Tổ lại sai viên ngoại lang Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Đại Tống thỉnh Tam tạng kinh đem về để vào kho Đại Hưng. Tháng 12 năm Canh Thân (1020), Lý Thái Tổ sai Khai Thiên Vương Lý Phật Mã và Đào Thạc Phụ đem quân đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính, thẳng đến núi Long Tỵ (nay thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chém được tướng Chiêm là Bố Linh tại trận, người Chiêm chết đến quá nửa. Năm 1022, thổ dân Đại Nguyên Lịch sang đánh phá biên ải Việt-Tống. Lý Thái Tổ ra lệnh cho Dực Thánh Vương đánh dẹp Đại Nguyên Lịch, quân đánh đến châu Như Hồng trong đất Tống, đốt kho tàng, bắt nhiều dân và gia súc rồi kéo về.

Năm 1024, Lý Thái Tổ sai Thái tử Phật Mã ra quân đánh châu Phong Luân, còn Khai Quốc Vương thì đánh Châu Đô Kim. Cùng năm đó, nhà vua tu sửa thành Thăng Long. Tháng 9 cùng năm, Thái Tổ sai dựng chùa Chân Giáo trong nội đô Thăng Long, để hoàng đế lui tới nghe kinh pháp. Năm 1028, Thái tử Lý Phật Mã lại được lệnh đánh châu Thất Nguyên, Đông Chinh Vương cũng đi đánh Châu Văn.

Năm 1028, sức khỏe Lý Thái Tổ đã không được tốt, thường xuyên đau yếu. Ngày 31 tháng 3 năm ấy, Thái Tổ qua đời ở điện Long An, ở ngôi 19 năm, hưởng thọ 54 tuổi. Lý Thái Tông kế vị, táng Lý Công Uẩn ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức, truy tôn miếu hiệu là Thái Tổ, thụy hiệu là Thần Vũ hoàng đế.

Con đường

Tại Hà Nội: nối đường Lò Sủ với quảng trường Cách Mạng Tháng Tám - q. Hoàn Kiếm 

Tại Tp.HCM: nối Ngã sáu Cộng Hoà với đường 3/2- quận 3, 10

Tại Long Xuyên: nối đường Trần Hưng Đạo với phà An Hoà - p. Mỹ Long; từ chợ Sao Mai Bình Khánh 5 đến hết đường - p. Bình Khánh 

Tại Đà Nẵng: nối đường Hàm Nghi với Lê Duẩn - Q. Thanh Khê

Tại Hải Phòng: nối đường Vạn Hoa với Nguyễn Hữu Cầu - Q. Đồ Sơn


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.