DNQTĐ: Đinh Tiên Hoàng

Đinh Tiên Hoàng - 丁先皇 (22/03/924 - 10/979), tên húy là Đinh Bộ Lĩnh (丁部領) hoặc có sách gọi Đinh Hoàn (丁桓), là vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam.

Cuộc đời

Sinh năm Giáp Thân (924), Đinh Bộ Lĩnh quê ở thôn Kim Lự (nay là thôn Văn Bồng, xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Ông sớm mồ côi cha (cha là Đinh Công Trứ, từng giữ nhiều chức vụ trong triều đình) nên phải theo mẹ vào ở động bên cạnh đền thờ sơn thần.

Năm 944, khi Đinh Bộ Lĩnh tròn 20 tuổi thì vua Ngô Quyền mất. Một năm sau, Dương Tam Kha chiếm khôi và xưng là Bình Vương. Con trai Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập chạy về Nam Sách (Hải Dương) tạo nên cuộc tranh chấp ngôi báu giữa nhà Ngô và ngoại tộc. Kết quả, Dương Tam Kha bại trận, Ngô Xương Ngập cùng em là Ngô Xương Văn nắm lại quyền lực. Bởi cả hai anh em cùng nắm quyền, triều đình nhà Ngô trở nên rối ren hơn bao giờ hết, các sứ quân cát cứ hình thành và nổi dậy. Biết được tình hình đó, Đinh Bộ Lĩnh với vị thế là "con viên quan" triều đình nhà Ngô, danh thế gia tộc, lại là người có tài năng và ý chí, đã sớm tập hợp lực lượng để trở thành người đứng đầu sách Đào Úc, làm thủ lĩnh châu Đại Hoàng, lấy động Hoa Lư làm căn cứ ban đầu, thực hiện sự nghiệp thống nhất đất nước. Thấy Đinh Bộ Lĩnh tích cực xây dựng lực lượng tại căn cứ Hoa Lư, triều đình nhà Ngô, lúc ấy đang rệu rã, đã cho quân đến đánh dẹp. Đinh Bộ Lĩnh liền cho con mình là Đinh Liễn đến triều đình Cổ Loa làm con tin để hòa hoãn.

Biết được ý định tạm hòa hoãn để xây dựng lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh, hai vương Xương Văn và Xương Ngập đã cho quân tiến đánh động Hoa Lư, nhưng bị chống trả quyết liệt, liền treo Đinh Liễn lên cây dọa giết. Lúc này, Đinh Bộ Lĩnh đanh thép nói "Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao" rồi sai hơn chục người cầm cung nỏ nhằm bắn vào Đinh Liễn khiến hai vương nhà Ngô phải cho quân rút lui. Đinh Liễn cũng thoát chết. Từ đó, thế lực của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng lớn mạnh với nhiều tướng lĩnh tài ba và các tráng đinh từ vùng Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa ngày nay.

Năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh và chết. Hơn 10 năm sau, Ngô Xương Văn đem quân đi đánh các thế lực chống đối và chết trận. Không còn chính quyền trung ương, đất nước càng thêm rối loạn rồi bị chia rẽ sâu sắc bởi sự nổi lên của 12 sứ quân. Cùng lúc đó, triều đình phương Bắc nhăm nhe khôi phục ách đô hộ. Trước tình hình này, Đinh Bộ Lĩnh đã đứng lên dẹp loạn. Suốt hai năm, Đinh Bộ Lĩnh thuyết phục, vận động, liên kết, hàng phục và dùng sức mạnh quân sự để đánh dẹp các thế lực cát cứ. Đối với cánh quân Trần Lãm, Phạm Bạch Hổ, Ngô Nhật Khánh, Ngô Xương Xí, ông dùng phương pháp liên kết và hàng phục; đối với cánh quân Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu, Kiều Công Hãn, Nguyễn Thủ Tiệp, Kiều Thuận, Lý Khuê thì đánh dẹp. Còn lại Lã Đường và Nguyễn Khoa không đánh cũng tự thua. Cuối cùng, Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt thu phục các sứ quân, chấm dứt tình trạng phân chia cát cứ, thống nhất đất nước, được gọi là Vạn Thắng Vương.

Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, tức Đinh Tiên Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt và cho định đô ở Hoa Lư. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ngay khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã "đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung diện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn là Đại Thắng Minh Hoàng Đế". Hai năm sau (năm 970), vua đổi niên hiệu là Thái Bình. Việc đổi xưng là hoàng đế, đổi tên nước thành Đại Cồ Việt và đặt niên hiệu được cho là ba việc làm khẳng định sự độc lập của nước Việt Nam thời bấy giờ mà trước đó không có hoặc hiếm có vị vua nào làm được.

Năm 970, Đinh Tiên Hoàng lấy niên hiệu Thái Bình. Trước đó, các vị vua Việt Nam đều lấu niên hiệu theo hoàng đế Trung Quốc. Cùng với niên hiệu Thái Bình, nhà Đinh còn đúc đồng tiền "Thái Bình hưng bảo", góp phần khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam không chỉ ở lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa mà còn cả kinh tế. Đinh Tiên Hoàng có ba người con trai là Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép đầu năm Mậu Dần (978), Đinh Tiên Hoàng lập con nhỏ Hạng Lang làm Hoàng thái tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ vương. Việc này gây mâu thuẫn trong nội tộc khi Đinh Liễn, con trai trưởng của vua, từng trải qua nhiều gian khổ với vua lại không được lập làm Hoàng thái tử.

Mùa xuân năm 979, Đinh Liễn giết Hạng Lang. Nhân cơ hội đó, các thế lực muốn chiếm đoạt ngai vàng tìm cách lật đổ vương triều Đinh. Mùa đông, tháng 10, Đỗ Thích - cháu của Đỗ Cảnh Thạc, người đứng đầu một sứ quân từng bị Đinh Tiên Hoàng tiêu giệt, đã giết vua Đinh Tiên Hoàng ở sân cung đình và giết luôn cả Đinh Liễn. (Cái chết của vua Đinh có tranh cãi khi một số nhà sử học đưa ra giả thuyết Đỗ Thích không phải thủ phạm giết vua). Như vậy, Đinh Tiên Hoàng chỉ ở ngôi được 12 năm, hưởng thọ 56 tuổi. Ông được táng ở Sơn Lăng trên núi Mã Yên thuộc Trường Yên, Hoa Lư. Ngày nay, rất nhiều tỉnh, thành của Việt Nam có đường, trường học mang tên Đinh Tiên Hoàng. Nhiều đền thờ, tượng đài vua Đinh cũng được dựng nhằm tôn vinh, tưởng nhớ hoàng đế đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt.

Con đường

Tại Hà Nội: từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đi vòng bờ hồ Hoàn Kiếm và kết thúc tại ngã tư Hàng Khay - quận Hoàn Kiếm

Tại Đà Nẵng: nối hẻm 112 Trần Cao Vân với Ông Ích Khiêm - Q. Thanh Khê & Hải Châu

Tại Hải Phòng: từ đường Trần Phú đi đến hết đường - Q. Hồng Bàng

Tại Cần Thơ: nối đường Nguyễn Trãi với Hùng Vương - Q. Ninh Kiều

Tại TP.HCM: nối cầu Bông với  Lê Duẩn - quận 1

Tại Long Xuyên - An Giang: nối đường Nguyễn Du với Trần Hưng Đạo - phường Mỹ Bình


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.