DNQTĐ: Mai Hắc Đế

Mai Hắc Đế - 梅黑帝 (? – 722), tên thật là Mai Thúc Loan (梅叔鸞), là vị vua người Việt thời Bắc thuộc, anh hùng dân tộc, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự chiếm đóng của nhà Đường ở Việt Nam vào đầu thế kỉ thứ 8.

Cuộc đời

Mai Thúc Loan sinh vào khoảng cuối thế kỷ 7, thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An ngày nay. Theo Việt điện u linh, cha của Mai Thúc Loan là Mai Hoàn, mẹ là Mai An Hòa nguyên gốc Thạch Hà - Hà Tĩnh, lưu lạc sang vùng Nam Đàn - Nghệ An. 

Năm Mai Thúc Loan 10 tuổi, mẹ đi lấy củi bị hổ vồ, ít lâu sau bố cũng mất. Ông được người bạn của bố là Đinh Thế đem nuôi, sau gả con gái là Ngọc Tô cho. Sinh thời Mai Thúc Loan vốn rất khỏe mạnh, giỏi đô vật, học rất giỏi và có chí lớn. Ông mở lò vật, lập phường săn, chiêu mộ trai tráng trong vùng mưu việc lớn. Vợ ông giỏi việc nông trang, nhờ đó "gia sản ngày một nhiều, môn hạ ngày một đông". Nhờ chí du ngoạn lại được vợ hết lòng ủng hộ, Mai Thúc Loan kết thân với nhiều hào kiệt, sau này trở thành những tướng tài tụ nghĩa dưới lá cờ của ông như Phòng Hậu, Thôi Thặng, Đàn Vân Du, Mao Hoành, Tùng Thụ, Tiết Anh, Hoắc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sỹ Lâm, Bộ Tân,...

Năm 605, tướng nhà Tùy là Lưu Phương đánh bại các cuộc chống đối của người Việt, thiết lập sự đô hộ của nhà Tùy. Nhà Tùy mất, nhà Đường lên thay, đặt nước Việt làm An Nam Đô hộ phủ, đóng ở Giao Châu. Khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo nổ ra vào năm Khai Nguyên thứ nhất đời vua Đường Huyền Tông ở Trung Hoa, tức năm Quý Sửu (713). Khởi nghĩa nổ ra tại Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn (Nghệ An). Sưu cao, thuế nặng là nguyên nhân khiến nhân dân nổi dậy chống lại ách đô hộ nhà Đường, nổi bật là khởi nghĩa Hoan Châu. Đây là cuộc khởi nghĩa có sự chuẩn bị, biết chọn thời cơ, không phải một cuộc bạo động. 

Tháng 4 năm 713, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, sử gọi ông là Mai Hắc Đế. Theo Việt điện u linh, Mai Hắc Đế mang mệnh thủy tức là nước, mà nước được tượng trưng là màu đen. Vì vậy, ông lấy hiệu là Hắc Đế để hợp với mệnh của mình. Ông cho xây thành lũy, lập kinh đô Vạn An (thuộc xã Vân Diên và thị trấn Nam Đàn hiện nay), tích cực rèn tập tướng sỹ. Cuộc nổi dậy của ông được hưởng ứng rộng rãi ở trong nước và có cả sự liên kết với Lâm Ấp và Chân Lạp.

Năm Giáp Dần (714), Mai Hắc Đế tiến binh đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Thái thú nhà Đường là Quang Sở Khách cùng đám thuộc hạ không chống cự lại được, phải bỏ thành chạy về nước. Lực lượng Mai Hắc Đế lúc đó lên tới chục vạn quân. Nhà Đường bèn huy động 10 vạn quân do tướng Dương Tư Húc và Quang Sở Khách sang đàn áp. Quân quan nhà Đường tiến theo đường bờ biển Đông Bắc và tấn công thành Tống Bình. Sau nhiều trận đánh khốc liệt, từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, cuối cùng Mai Hắc Đế thất trận, thành Vạn An thất thủ, nghĩa quân tan vỡ. Không đương nổi đội quân xâm lược, Mai Hắc Đế phải rút vào rừng, sau bị ốm rồi mất.

Tương truyền, con trai thứ ba của ông là Mai Thúc Huy lên ngôi vua tức Mai Thiếu Đế, tiếp tục chống trả các cuộc tấn công của nhà Đường tới năm 723. Theo truyền thuyết, từ sau cuộc khởi nghĩa này, nhà Đường không bắt dân An Nam đô hộ phủ nộp cống vải quả hằng năm nữa

Con đường

Tại Hà Nội: nối đường Trần Nhân Tông với Lê Đại Hành - quận Hai Bà Trưng

Tại Đà Nẵng: nối đường Nguyễn Thông với Võ Văn Kiệt - Q. Sơn Trà

Tại TP. HCM: nối đường Bến Mễ Cốc với Lưu Hữu Phước - quận 8

Tại Long Xuyên - An Giang: nối đường Ỷ Lan với Lạc Long Quân - phường Bình Khánh


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.