ĐNQTĐ: Nam Việt vương Đinh Liễn và Trần Lãm

Nam Việt vương Đinh Liễn - 丁璉 (? - 11/979) hay Đinh Khuông Liễn (丁匡璉), là một vị hoàng tử nhà Đinh, con trai của Đinh Bộ Lĩnh, vị hoàng đế khai sáng ra triều đại nhà Đinh trong lịch sử Việt Nam.

Cuộc đời

Đinh Liễn người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), là con trai cả của vua Đinh và là người con trai duy nhất sinh ra, trưởng thành trước khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi. 

Từ năm 951 tới năm 965, Đinh Liễn làm con tin ở Cổ Loa. Năm 965, Nam Tấn vương Ngô Xương Văn tử trận, triều đình Cổ Loa rối ren chia bè phái, Đinh Liễn trở về Hoa Lư. Trong nước đại loạn, 12 sứ quân nổi dậy chiếm giữ các nơi tự xưng danh hiệu, không có ai làm chủ. Theo lệnh cha, Đinh Liễn vào Ái châu để mộ quân lo việc đánh dẹp và ông mộ được 3000 tráng sĩ, trong đó có Lê Hoàn. Từ đó Đinh Liễn cùng cha ra tay đánh dẹp, chiêu hàng các sứ quân.

Năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư, Đinh Liễn được phong làm Nam Việt Vương. Năm 972, Đinh Liễn phụng mệnh cha đi sứ nhà Tống. Năm sau ông trở về. Nhà Tống sai sứ sang phong cho vua Đinh làm Giao Chỉ quận vương và phong Đinh Liễn làm Kiểm hiệu thái sư, Tĩnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Năm 975, nhà Tống sai Cao Bảo Tự cùng Vương Ngạn Phù đem chế sách sang gia phong cho Nam Việt vương Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ quận vương. Năm 978, Đinh Bộ Lĩnh lúc đó đã có thêm 2 người con trai bé là Đinh Hạng Lang và Đinh Toàn. Vua Đinh yêu con thứ nên lập Hạng Lang làm Thái tử.

Đầu năm 979, Đinh Liễn quá giận dữ nên đã sai người ngầm giết Hạng Lang. Sau đó, để làm nguôi lòng cha mẹ, ông đã sai dựng những cột kinh khắc bài Phật-đỉnh Tôn-thắng Đà-la-ni để cầu siêu cho người em. Cuối năm 979, mùa đông tháng 10, cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại trong cung. Lúc đó ông khoảng gần 40 tuổi. Người con trai còn lại của Đinh Tiên Hoàng là Vệ vương Đinh Toàn được đưa lên ngôi, tức là Đinh Phế Đế.

Con đường

Tại Đắk Lắk: từ đường Hùng Vương đi đến hết đường - TX. Buôn Hồ



Minh công Trần Lãm - 陳覧 (?-967) là một nhân vật lịch sử vốn là hào trưởng, gốc Hán, ở vùng Bố Hải Khẩu (Kỳ Bố Hải Khẩu) nay là phường Kỳ Bá thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. 

Ông là người lãnh đạo một trong mười hai sứ quân cát cứ ở Việt Nam giữa thế kỷ 10 (xem 12 sứ quân). Theo các tài liệu ghi lại, ông là sứ quân trấn giữ vùng cửa biển, có tiềm lực mạnh về kinh tế dựa vào lợi thế của nghề đánh cá biển.

Trần Lãm là người gốc Quảng Đông (Trung Quốc), cha là Trần Công Đức sang Việt Nam chiếm giữ, lập nghiệp ở vùng ven biển Bố Hải Khẩu (thành phố Thái Bình ngày nay). Ông tự xưng Trần Minh Công khi chiếm giữ và cát cứ vùng đất này. Lực lượng của ông có sự liên kết, phối hợp với Đinh Bộ Lĩnh, theo sử sách thì Đinh Bộ Lĩnh chính là con nuôi của Trần Lãm. Sau khi ông mất, Đinh Bộ Lĩnh nắm binh quyền, chuyển về Hoa Lư đánh dẹp các sứ quân, lập ra nhà Đinh (968 - 980)

Con đường

Tại Thái Bình: nối đường Trần Quang Khải với Tỉnh lộ 463 - TP. Thái Bình


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.