DNQTĐ: Cao Lỗ và Nồi Hầu

Cao Lỗ (277 TCN - 179 TCN), quê tại làng Cao Đức, Bắc Ninh. Ông là vị tướng tài của nhà Âu Lạc, người sáng chế ra Nỏ liên châu – một trong tứ đại thần khí của Việt Nam, và là chỉ huy trưởng công trình xây thành Cổ Loa.

Truyền thuyết

Cao Lỗ hay còn gọi là Cao Thông, Đô Lỗ, Thạch Thần hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần, sinh năm 277 TCN tại xã Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh. Huyền sử không ghi nhiều về ông chỉ cho biết rằng: Ông từng làm bộ hạ của Hùng Vương thứ 18 nhưng không được trọng dụng. Khi Âu Việt xâm lược Văn Lang, phò mã là Nguyễn Tuấn tử trận, vua Hùng phải tự tử, ông chán nản bỏ vào rừng sống ẩn dật. Sau này Thục Phán giết được danh tướng Đồ Thư và đánh tan 50 vạn đại quân nhà Tần, ông mới cảm phục ra giúp Thục Phán. Thục Phán cũng rất quý tài của ông.

Sau khi làm quan dưới triều vua An Dương Vương, ông là người khuyên vua dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người được An Dương Vương giao nhiệm vụ thiết kế, chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa với sự giúp đỡ của rùa thần Kim Quy. Sau đó nhờ cái vuốt rùa thần trao tặng, Cao Lỗ đã tìm tòi và sáng chế ra Nỏ thần Liên châu: “Bắn một lần được nhiều mũi tên mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn”. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là "Linh Quang Thần Cơ hay Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ". Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sĩ ngày đêm tập bắn nỏ. An Dương Vương thường xem tập bắn trên "Ngự xa đài", dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội). Là người phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ nên dân gian thường gọi ông là Ông Nỏ. Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, quân Triệu đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy nội và phải lui binh. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc.

Năm 179 TCN, Triệu Đà bèn lập xảo kế thông gia, cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Cao Lỗ phản đối, khuyên vua không nên nhận, nhưng An Dương Vương không nghe còn nghe lời dèm pha của Lạc hầu. Cao Lỗ dần dần bị vua xa lánh, ông bỏ đi tìm nơi ở ẩn. Sau khi Trọng Thủy biết được bí mật phòng thủ của An Dương Vương và về mách cho vua cha, Triệu Đà mang quân sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua chạy. Quân Triệu đuổi theo. Cao Lỗ biết tin, ra đón đường chặn đánh quân Triệu cho vua chạy thoát nhưng do Mỵ Châu tin lời của Trọng Thủy, rải lông ngỗng theo sau để Trọng Thủy lần theo nên cả hai đã tử trận.

Theo dân gian, khi bị thương nặng ở cổ, tướng quân Cao Lỗ đã buộc lại và thúc ngựa chạy tới Ái Mộ (xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm) nghỉ một lát rồi lại chạy tiếp về vùng Bình Than, Lục Đầu được ít lâu sau thì mất. Ông mất ngày 4 tháng 4 âm lịch năm Nhâm Tuất (179 TCN).

Con đường

Tại Hà Nội: nối QL 3 với đường Dục Nội – Đông Anh

Tại Đà Nẵng: nối đường Trần Nhân Tông với Ngô Quyền - Q. Sơn Trà

Tại Quảng Ninh: nối đường Cao Đạt với Trần Bình Trọng - TP. Hạ Long

Tại Nghệ An: nối đường Ngư Hải với Trần Phú - TP. Vinh

Tại TP.HCM: nối đường C7B với Phạm Thế Hiển – quận 8

 

---

Nồi Hầu (? - 179 TCN) còn gọi là Đào Nồi, là một tướng tài của An Dương vương, quê quán tại làng Canh (nay là Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

Cuộc đời

Theo thần tích làng Chiêm Trạch (Cổ Loa), Nồi Hầu có tên là Đào Nồi, con của một người thợ làm nồi đất tên là Đào Hoằng. Từ nhỏ Nồi đã nổi tiếng thông minh, lại giỏi võ, giỏi vật nhất vùng. Gặp khi An Dương Vương mở kỳ võ để chọn người tài chống giặc, dân làng cử Nồi và cấp tiền gạo cho anh về kinh dự thi. Đô Nồi đà giật được giải và được cử làm tướng trong triều đình Âu Lạc. Nồi Hầu được An Dương Vương bổ làm quan của nước Âu Lạc với tước hầu. Ông cùng với Cao Lỗ là tướng giỏi của vua An Dương Vương đánh đuổi quân Triệu Đà. Sau đó lấy một cô gái mồ côi trong làng và sinh được hai người con trai. Ông và hai người con trai là Đống Vịnh và Lý Vực đều được làm quan võ trong triều. Khi cuộc chiến tranh chống nhà Triệu xảy ra, ngoài quân đội chính quy do An Dương Vương ban cấp, Nồi Hầu còn huy động được rất đông dân làng tham gia đánh giặc.

Sau khi chiếm được Cổ Loa, Triệu Đà đã sai người về làng Chiêm Trạch mang danh lợi ra dụ dỗ cha con Nồi Hầu. Nồi Hầu đã cự tuyệt lời dụ dỗ. Ba cha con ông lớn tiếng mắng Trọng Thủy là quân phản bội. Ông Nồi còn tỏ ý tức giận không chém được đầu giặc để trả thù cho vua Thục chứ khi nào chịu làm tôi tớ cho quân cướp nước. Mua chuộc không được, Triệu Đà đem quân vây kín làng Chiêm Trạch, ba cha con Nồi Hầu cùng dân làng chống cự quyết liệt với quân Triệu nhưng quân giặc quá đông. Không chịu để giặc bắt, hai vợ chồng ông kiên quyết chống giặc đến hơi thở cuối cùng, rồi cả hai vợ chồng nhảy xuống giếng Mỏ Gia tự vẫn. Hai người con biết tin dữ, cũng tìm về nhảy xuống giếng chết theo. 

Sau này, tương truyền hai người đã than rằng:
Xuất sư vị tiệp thán tiên tử
Trường Sở anh hùng lệ mãn khâm.

Tạm dịch:
Làm tướng ra quân nên phải chết
Chuyện của anh hùng lệ đầy khăn.

Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.