DNQTĐ: Vũ Kiệt, Vũ Tuấn Chiêu, Phạm Đôn Lễ

Vũ Kiệt - 武傑 (1452 - ?), người xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, Kinh Bắc (nay là xã Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh). Ông đỗ đầu đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (tức Trạng nguyên) vào khoa tháng tư năm Nhâm Thìn (1472), đời Lê Thánh Tông. Do ngôi làng quê ông có tên Nôm là làng Vít nên dân gian quen gọi Vũ Kiệt là Trạng Vít. Vũ Kiệt làm quan tới Hàn lâm viện thị thư, Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư.

Giai thoại

Theo sách Văn hiến Kinh Bắc, bài "Văn sách thi đình" của Vũ Kiệt được triều đình coi như kiệt tác nói về sách lược trị nước, an dân, được lưu truyền làm mẫu cho các sĩ tử sau này học tập. Vũ Kiệt đã vượt qua đề thi “Đế vương trị thiên hạ” của nhà vua với bài viết dài hơn chục nghìn chữ, vượt xa mức quy định tối thiểu ba nghìn chữ. Trong phạm vi bài văn, ông thể hiện được tài kinh bang tế thế, nhìn xa trông rộng của bản thân, đồng thời đưa ra những biện pháp giải quyết nhiều vấn đề lớn của xã hội lúc bấy giờ.

Chẳng hạn, phần nói về giáo dục, nhà vua đã hỏi: Sách xưa có câu thầy nghiêm thì việc học đạo mới được tôn kính. Nhưng hiện tại, nho sinh lại cảm thấy xấu hổ khi đến học thầy, cốt làm những chuyện họa may hoặc qua tuần, qua tháng lại đổi thầy. Một nho sinh mà chưa bao giờ biết gò mình trong việc tu chỉnh, khi đạt được danh vọng ở triều đình thì ít tuân theo lễ nghĩa. Đạo làm thầy bị bỏ rơi sao mà lâu thế, làm thế nào để cứu vãn được? Vũ Kiệt trả lời rằng: “Thần nghe, cái học của người xưa nhất thiết phải có thầy, người thầy làm nhiệm vụ truyền đạo, thụ nghiệp nêu lên những chỗ nhầm lẫn, giải thích những điều tôn nghi trong sách vở. Các ngành, nghề, ngay cả những nghề vụn vặt cũng không thể không có thầy được, huống hồ người theo học đạo Nho". Ông nói rằng kẻ sĩ phải thấy mình được vinh hạnh, càng chăm lo việc thực học. Lúc chưa thành đạt thì sống theo đạo lý thông thường để chờ thời gặp mệnh, không để mất phẩm chất riêng. Lúc đã được tin dùng thì phải giữ đúng danh vị và làm việc thực sự, không thể để mất cái điều mà mình mong muốn. 

Ông cũng nêu những tồn tại của giáo dục lúc bấy giờ: Cũng có khá nhiều người làm thầy tư chất kém cỏi, văn vẻ vụng về. Cái mà học trò cần là sự uyên bác nhưng người thầy lại có kẻ nông xoàng, tài cán thô thiển. "Đạo làm thầy không vững như thế còn lạ gì khi thấy sĩ tử xấu hổ việc đi học... Tâm thật đã mất trước khi ra làm quan rồi, sau khi ra làm quan còn tìm sao được tiết tháo và phong độ của họ...”, Vũ Kiệt nêu vấn đề. Trạng nguyên Vũ Kiệt còn vạch ra hướng để khắc phục những tồn tại ấy: “Thần mong bệ hạ đạo làm thầy phải được tuyển chọn kỹ càng. Việc nuôi dạy sĩ tử phải đúng hướng... Tìm nhân tài trước hết phải chú ý đến mặt đức hạnh, phế truất kẻ phù hoa... Người dùng lời gian dối để trau chuốt, dứt khoát không dùng. Người dám nói thẳng... thì có thể thu nhận”.

Con đường

Tại Bắc Ninh: nối đường Nguyễn Gia Thiều với TL 295B – tph. Bắc Ninh

Tại TP. HCM: nối đường Ngô Miễn Thiệu với Vĩnh Lộc - Bình Chánh


---

Vũ Tuấn Chiêu - 武濬昭 (1426 - ?) nguyên quán xã Cổ Liễu, (nay thuộc xã Nam Hùng, Nam Trực, Nam Định), sinh sống ở làng Nhật Chiêu (nay thuộc phường Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội). Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Ất Mùi (1475), đời vua Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến Tả Thị lang Bộ Lại dưới triều Lê. 

Ông cùng Nguyễn Đức Lượng và Nguyễn Xuân Chính là ba vị Trạng nguyên già nhất khi đỗ trạng ở tuổi 50. Ngày trước, ông mặt mũi sáng sủa nhưng học mãi không xong, nhờ vợ là bà Chìa động viên rằng: "Nước chảy lâu ngày đã làm mòn những cột đá của cây cầu. Chàng thấy đấy, cột đá là vật cứng rắn, dòng nước mềm nhưng qua năm tháng cứ chảy mãi lâu ngày khiến cho đá cũng phải mòn. Do vậy, làm việc gì nếu có chí, sự kiên trì, nhẫn nại tất sẽ thành". Nghe lời vợ nói, Vũ Tuấn Chiêu chợt tỉnh ngộ như đám mây mù trước mắt được xua tan. Ông liền bảo vợ trở về nhà, còn mình mang sách vở, quần áo trở lại nhà thầy đồ xin tiếp tục theo học. Rồi sau đó đã đỗ Trạng nguyên.

Con đường

Tại Hà Nội: nối phố Nhật Chiêu với Âu Cơ – Q. Tây Hồ

Tại Nam Định: nối đường Trần Văn Bảo với Phạm Ngũ Lão – tph. Nam Định


---

Phạm Đôn Lễ - 范敦禮 (1457 - 1531), là Trạng nguyên khoa thi năm Tân Sửu (1481), đời Lê Thánh Tông. Người ta thường gọi ông là Trạng Chiếu hay Tam nguyên Đôn Lễ. Ông là quan lại của nhà Lê sơ, và được phong là ông tổ nghề dệt chiếu.

Tiểu sử

Phạm Đôn Lễ có tên tự là Lư Khanh, quê gốc ở Tứ Kỳ, Hải Dương nhưng sinh sống ở làng Hải Triều (tục gọi là làng Hới) (nay thuộc xã Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình). Ông đỗ đầu cả ba kỳ: thi Hương, thi Hội và thi Đình nên gọi là Tam nguyên. Tại trường thi Đình, ông đỗ chính danh Trạng nguyên khoa Tân Sửu (1481), niên hiệu Hồng Đức 12, đời vua Lê Thánh Tông. 

Ông làm quan đến các chức Tả thị lang, rồi Thượng Thư đời vua Lê Thánh Tông. Sau đó được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Khi về nước, ông đã đem các kỹ thuật dệt chiếu tiên tiến mà ông học được ở Quế Lâm tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, về truyền bá cho dân làng Hải Triều và dân các làng miền duyên hải trấn Sơn Nam Hạ. Trước đó dân miền biển thường dệt chiếu với bàn dệt không có ngựa đỡ. Với kỹ thuật dệt chiếu với bàn dệt nằm có ngựa đỡ sợi (sợi đay) học được của người Trung Quốc, ông đã giúp người dân quê hương dệt ra những loại chiếu đẹp hơn, nhanh hơn. Sợi đay được căng trên ngựa đỡ, thuận lợi cho người trao chiếu (tức là trao cói), đẩy nhanh được tốc độ dệt chiếu. Chính nhờ cải cách này nghề dệt chiếu thủ công ở vùng ven biển miền Bắc trở nên phát triển, làng Hải Triều thành làng dệt chiếu nổi tiếng. Khi từ quan, ông về ở và dạy học tại làng Mỹ Xá, (nay thuộc Hải Dương). Tại khu đất Đồng Cời thuộc xã Ngọc Sơn hiện nay có lăng mộ thờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ.

Con đường

Tại TP.HCM: nối đường số 102 với Đàm Văn Lễ – TP. Thủ Đức

Tại Thái Bình: nối đường Lý Bôn với Lê Quý Đôn - TP. Thái Bình


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.