DNQTĐ: Hải Thượng Lãn Ông

Hải Thượng Lãn Ông (海上懶翁) là tên hiệu của Lê Hữu Trác (黎有晫, 11/12/1720 – 20/04/1791) nghĩa là ông già lười Hải Thượng. Tuy là người tinh thông y học, dịch lý, văn chương, nhưng ông được biết đến nhiều hơn với vai trò lương y. Ông được xem là ông tổ của Cục Quân y, Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuộc đời

Lê Hữu Trác vốn có tên cúng cơm là Lê Huân (黎薰), tự Cận Như (瑾如), bút hiệu Quế Hiên (桂軒), Thảo Am (草庵), Lãn Ông (懶翁), biệt hiệu cậu Chiêu Bảy (舅招𦉱), sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tí (tức ngày 11/12/1720) tại Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên. Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (đặc biệt là từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với ở quê mẹ thôn Bàu Thượng, Quang Diệm, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông là con thứ bảy của tiến sĩ Lê Hữu Mưu và phu nhân Bùi Thị Thưởng.

Thân sinh của ông từng đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư (năm Kỷ Mùi 1739). Khi ấy, Lê Hữu Trác mới 20 tuổi, ông phải rời kinh thành về quê nhà, vừa trông nom gia đình vừa chăm chỉ đèn sách, mong nối nghiệp gia đình, lấy đường khoa cử để tiến thân. Nhưng xã hội bấy giờ rối ren, các phong trào nông dân nổi dậy khắp nơi. Chỉ một năm sau (1740), ông bắt đầu nghiên cứu thêm binh thư và võ nghệ, "nghiên cứu trong vài năm cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình". Chẳng bao lâu sau, ông nhận ra xã hội thối nát, chiến tranh chỉ tàn phá và mang bao đau thương, làm ông chán nản muốn ra khỏi quân đội, nên đã nhiều lần từ chối sự đề bạt. 

Đến năm 1746, nhân khi người anh ở Hương Sơn mất, ông liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh, để xin ra khỏi quân đội, thực sự "bẻ tên cởi giáp" theo đuổi chí hướng mới. Lúc này ông đã bị bệnh nặng nhưng không thể chữa khỏi. Sau được lương y Trần Độc ở Nghệ An chữa trị dứt điểm và truyền dạy những hiểu biết về y học truyền cho ông. Vốn là người thông minh học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp người đời, nên ông quyết chí học thuốc.

Năm 1756, ông ra kinh đô mong tìm thầy dạy thêm nhưng không gặp được thầy giỏi, ông đành bỏ tiền mua một số phương thuốc gia truyền, trở về Hương Sơn. Mười năm sau tiếng tăm của ông đã nổi ở vùng Hoan Châu.

Ngày 12/01/1782, ông nhận được lệnh chúa triệu về kinh. Ông thực lòng không muốn đi nhưng vì thực hiện tâm nguyện in sách “Tâm lĩnh” cho thiên hạ biết mà từ giã lên đường. Ông vào phủ chữa trị cho Trịnh Cán, Trịnh Sâm,… Tháng 09/1982, ông được trở về thăm quê nội ở Hưng Yên. Ông ở kinh đô một thời gian rồi quay lại Hương Sơn vào ngày 02/11/1782

Năm 1783, ông viết xong tập "Thượng kinh ký sự". Mặc dầu tuổi già, công việc lại nhiều: chữa bệnh, dạy học, nhưng ông vẫn tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, viết thêm (tập Vân khí bí điển, năm 1786) để hoàn chỉnh bộ "Hải Thượng y tông Tâm lĩnh". Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại.

Ông qua đời vào ngày 15 tháng 1 năm Tân Hợi (tức ngày 17/02/1791) tại Bầu Thượng, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm ở khe nước cạnh chân núi Minh Từ thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn. Ngày 16/10/1985, Bộ Y tế ban hành văn bản số 6083/YH về việc tổ chức lễ Kỷ niệm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông lần thứ 265 (1720-1985)

Đóng góp 

Hải Thượng y tông tâm lĩnh (chữ Hán: 海上醫宗心嶺, Những lĩnh hội tâm huyết về ngành Y của Hải Thượng) là một bộ sách y học nổi tiếng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Bộ sách được viết vào năm 1770 bằng chữ Hán, bao gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa và ngoại khoa, sản phụ khoa, khoa nhi, cấp cứu... đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh. Hiện có 55 quyển tồn tại đến ngày nay, mất 11 quyển gồm 8 quyển Bách bệnh cơ yếu và 3 quyển Bách gia trân tàng. Bao gồm:
  • Quyển đầu: Y huấn cách ngôn - nói về đạo đức của người làm thầy thuốc, tập thơ Y lý thâu nhàn lái ngôn phụ chí - những bài thơ ngâm vịnh ngẫu hứng trong lúc hành nghề và Y nghiệp thần chương - khái quát toàn bộ nội dung của bộ sách và mục lục sách
  • Quyển 1: Nội kinh yếu chỉ - trích những điểm thiết yếu trong bộ Hoàng đế nội kinh - Tố vấn, soạn và chú thích bảy mục: âm dương, hoá cơ, tạng phủ, bệnh nặng, trị tắc, di dưỡng và mạch kinh. Vận khí bí điển - là một phần của Nội kinh nhưng được ông tham khảo thêm một số sách khác như Ngọc lịch, Ngũ hành,... mà viết thành. Phần này cũng dạy cách dự đoán khí hậu các năm.
  • Quyển 2: Y gia quan niệm/miện - phân tích và tổng hợp lý luận cơ bản về âm dương, ngũ hành, kinh lạc khí huyết, chẩn đoán, mạch học, bệnh lý, trị pháp.
  • Quyển 3 đến 5: Y hải cầu nguyên - nêu lên những điểm cốt lõi, quy luật chung đề người học lấy làm nền tảng về sinh lý, bệnh lý và nguyên tắc trị liệu. 
  • Quyển 6: Huyền tẫn phát vi - chuyên về thuyết "Mệnh môn", những khái niệm cơ bản về khí tiên thiên thuỷ hoả: cơ năng sinh lý, và bệnh lý của chân thủy, chân hỏa, cùng phép chữa.
  • Quyển 7: Khôn hóa thái chân - bàn về thuyết Hậu thiên tỳ vị, thuyết cơ bản liên quan đến khí huyết: cơ năng tiêu hóa và tác dụng của khí huyết, bệnh lý và phép chữa.
  • Quyển 8: Đạo lưu dư vận - biện luận và bổ sung những điểm y lý chưa rõ hay còn thiếu ở các sách xưa nhằm mục đích góp phần xây dựng học thuật
  • Quyển 9: Nhật...
  • Quyển 10 và 11: Dược phẩm Vị yếu - nói về dược tính 150 vị thuốc Bắc, Nam phân loại theo ngũ hành, mỗi vị được giới thiệu về khí vị, cách dùng, cấm kỵ, nhận xét
  • Quyển 12 và 13: Lĩnh Nam bản thảo - quyển thượng chép 496 vị thuốc nam có trên đất nước ta, biên soạn theo tập Nam dược thần hiệu của Thiền sư Tuệ Tĩnh, quyển hạ chép 305 vị thuốc bổ sung, trong đó có 140 vị thuốc do ông sưu tầm. Tất cả đều diễn đạt bằng thơ Nôm.
  • Quyển 14: Ngoại cảm thống trị - nói về đặc tính bệnh ngoại cảm ở nước ta và các thuốc sáng chế để điều trị theo các thể bệnh. Ông cho rằng, trong các bệnh ngoại cảm phải luôn chú ý đến chính khí: vinh, vệ, khí, huyết, thuỷ, hoả,... Dùng thuốc chữa chính khí thêm ít vị khu tà, bệnh cũng khỏi.
  • Quyển 15 đến 24: Bách bệnh cơ yếu - bệnh học nội khoa 10 quyển, mới sưu tầm và khắc in 2 quyển Bính Đinh, còn thiếu 8 quyển: Giáp, Ất, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Đây là phần bàn sâu vào từng chứng bệnh cụ thể. Ví dụ cùng một bệnh "Tích tụ", Y trung quan kiện chỉ nói tóm gọn trong một trang, còn Bách bệnh cơ yếu bàn kỹ tới tâm trạng. Mỗi bệnh gồm các mục: nguyên nhân, cơ chế, chia thể bệnh, bàn luận cách chữa, nêu phép chữa và cách dùng thuốc.
  • Quyển 25: Y trung quan kiện - tóm gọm những điều cần thiết chữa một số bệnh thông thường. Đây có thể xem là phần đại cương về điều trị học
  • Quyển 26, 27: Phụ đạo xán nhiên - chuyên về phụ khoa
  • Quyển 28: Tọa thảo lương mô - chuyên về sản khoa, các bệnh trong thời gian ở cữ.
  • Quyển 29 đến 33: Ấu ấu tu trị - chuyên về nhi khoa, gồm 5 cuốn: Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ. Ông nêu lên bốn phương hạch tâm: từ bồi trĩ dương, tiếp tục vô âm, vinh dưỡng tâm can, điểu bổ tỳ phế. Ngoài phần hệ thống hoá các chương mục, ông còn viết thêm một chương "Lạc sinh".
  • Quyển 34 đến 43: Mộng trung giác đậu - chuyên về bệnh đậu mùa (10 quyển)
  • Quyển 44: Ma chẩn chuẩn thăng - chuyên về bệnh sởi, từ lý luận đến thực tiễn, từ chẩn đoán tiên lượng đến điều trị.
  • Quyển 45: Tâm đắc thần phương - gồm 170 phương thuốc chọn lọc trong sách Cẩm nang của Phùng Triệu Trương, được chú giải thêm ý nghĩa sâu sắc
  • Quyển 46: Hiệu phỏng tân phương - chép 29 phương thuốc hiệu nghiệm do Lãn Ông sáng chế trong quá trình chữa bệnh
  • Quyển 47, 48, 49: Bách giá trân tàng - ghi 664 phương thuốc kinh nghiệm thu lượm trong nhân dân và thừa kế của ngoại tổ ông là Bùi Diệm Đăng. Trong sách có ghi lại một số bài của những nhà truyền đạo từ nước ngoài tới.
  • Quyển 50 đến 57: Hành giản trân nhu - (8 quyển) chép trên 2254 phương thuốc chọn lọc trong các bản thảo đời trước, như Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh hay thu nhập trong dân gian dùng để chữa 125 bệnh đơn giản, dùng ít vị để tiện dùng trong lâm sàng.
  • Quyển 58: Y phương hải hội - gồm 248 phương thuốc xưa vốn có của người xưa mà ông đã áp dụng.
  • Quyển 59–60: Y dương án - chép 17 bệnh án chữa có kết quả, ghi lại nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc điều trị, và Y âm án - chép 12 bệnh án không có kết quả, người bệnh qua đời. Đây là một việc làm hết sức độc đáo mà xưa nay ít thầy thuốc viết để lại. Trong sách, ông nêu lên nhiều điểm về đạo đức rất giá trị.
  • Quyển 61: Châu ngọc cách ngôn - thâu tóm các điều cốt yếu nhất về quy tắc chẩn đoán, biện chứng, dùng thuốc trị bệnh bằng lối văn biền ngẫu. Phần cuối có phụ lục là Truyền tâm mật chỉ
  • Vệ sinh yếu quyết chuyên về dưỡng sinh, vệ sinh phòng bệnh (2 quyển) - Cuốn đầu tổng hợp các thuyết kinh nghiệm của sách xưa và phương pháp nuôi dưỡng sự sống (phép dưỡng sinh). Những kiến thức đó được rút ra từ bộ Nội kinh, sách của Tôn Tư Mịch, Đào Hoàng Cảnh,..., hoặc những phép luyện khí, phòng bệnh của Đào Công Chính trong tập Bảo sinh diên thọ toàn yếu. Cuốn sau gồm các bài ca nôm nói về phép vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày: ăn uống, các phòng bệnh, phòng độc, giải độc, bảo dưỡng cơ thể.
  • Hành giản trân nhu bổ di - được phát hiện từ các bản gỗ còn được lưu lại ở chùa Đại Tráng (nay thuộc Quế Võ, Bắc Ninh), tài liệu này bổ sung thêm 300 bài thuốc cho quyển Hành giản trân nhu.
  • Bảo thai thần hiệu toàn thư giải âm (1 quyển)
  • Nữ công thắng lãm - ngắm xem tài nghệ của phụ nữ (1 quyển), có 152 mục nhỏ ghi chép cách làm các loại bánh, mứt, xôi, chè,... nấu các thức ăn chay, làm tương. Các việc trên đây cần thiết cho đời sống để nuôi sống và duy trì sức khoẻ con người. Phần sau của quyển này nói về nghề tằm tơ, canh cửi, may mặc,... đã bị mất, chưa tìm được.
  • Thượng kinh ký sự - Bản bút ký kể lại hành trình của Lãn Ông lên kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán năm 1782.
Con đường

Tại TP. HCM: nối đường Học Lạc với Võ Văn Kiệt – quận 5

Tại Long Xuyên – AG: nối đường Trần Bình Trọng với Trần Hưng Đạo – P. Mỹ Xuyên

Tại Hà Nội: từ đường Phùng Hưng đến hết đường – Q. Hà Đông (với tên Lê Hữu Trác)

Tại Quảng Ninh: nối đường Tuệ Tĩnh với Lê Thánh Tông - TP. Hạ Long (với tên Lê Hữu Trác)

Tại Đà Nẵng: nối đường Lâm Hoành với Ngô Quyền – Q. Sơn Trà (với tên Lê Hữu Trác)



Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.