DNQTĐ: Trần Tự Khánh

Trần Tự Khánh - 陳嗣慶, (? - 1223), là một chính trị gia, viên tướng trứ danh thời kỳ suy vong của triều đại nhà Lý, người lãnh đạo chính thống buổi đầu giành quyền lực của họ Trần.

Cuộc đời

Trần Tự Khánh người hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, Đại Việt. Trần Tự Khánh lớn lên khi cơ nghiệp nhà Lý đã suy yếu, vào đầu thế kỷ 13 dưới thời Hoàng đế Lý Cao Tông. Triều đình quan lại chơi bời vô độ, dân chúng bị cùng khốn, loạn Phí Lang xảy ra nhiều tháng trời khiến triều đình suy kiệt. Các tướng lĩnh địa phương nhân lúc loạn lạc nuôi ý định xây dựng lực lượng riêng, trong đó có cha Trần Tự Khánh là Trần Lý ở Hải Ấp.

Năm 1209, Cao Tông hoàng đế nghe lời gian thần Phạm Du, giết đại thần Phạm Bỉnh Di. Bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc khởi binh báo thù cho chủ, đánh vào kinh thành Thăng Long. Thái tử Sảm lấy con gái của Trần Lý, em Trần Tự Khánh là Trần Nhị Nương làm vợ. Nhân có chính lệnh của Thái tử, và có em vợ là Tô Trung Từ làm quan trong triều, Trần Lý có lý do phát triển lực lượng để đánh Quách Bốc. Trần Tự Khánh trở thành người đắc lực giúp cha và cậu thực hiện ý định đó. Năm 1210, Tô Trung Từ và Trần Lý đánh bại Quách Bốc. Trần Tự Khánh theo giúp và lập được công. Trong khi đánh dẹp, Trần Lý bị tử trận. Trần Tự Khánh thay cha thống lĩnh binh chúng, được phong là Thuận Lưu bá, đóng quân ở Thuận Lưu (miền Hải Ấp, Hưng Hà, Thái Bình) nhưng không quy phục Cao Tông.

Tháng 10 năm 1210, Cao Tông băng hà, Thái tử lên ngôi, tức là Lý Huệ Tông. Huệ Tông lập Trần Nhị Nương làm Nguyên phi, Tô Trung Từ được phong làm Thái uý. Để lấy lòng Tự Khánh, Huệ Tông phong ông làm Chương Thành hầu. Nghe tin vua Cao Tông mất, Trần Tự Khánh đem thủy quân đến bến Tế Giang (Mỹ Văn, Hưng Yên) xin với cậu là Tô Trung Từ cho cùng dự tang lễ Cao Tông, nhưng Trung Từ không cho vì sợ Tự Khánh lại làm loạn như lần trước. Tự Khánh phải đem quân về Thuận Lưu. Cũng tháng đó, Huệ Tông lập em gái Tự Khánh là Trần Nhị Nương làm Nguyên phi. Tháng 7 năm 1211, Trung Từ đang đêm sang Gia Lâm tư thông với công chúa Thiên Cực, bị quan nội hầu Vương Thượng là chồng công chúa giết chết. Đầu năm 1212, Trần Tự Khánh và Nguyễn Tự họp nhau ở bến Triều Đông, thề làm bạn sống chết có nhau, tận trung báo quốc, cùng bình họa loạn, hẹn đến tháng 3 năm Nhâm Thìn thì họp binh tấn công đất Hồng Châu của họ Đoàn.

Đầu năm 1213, thái hậu sai người đi với bọn tướng sĩ ở đạo Phù Lạc và đạo Bắc Giang, hẹn ngày cùng phát binh đánh Tự Khánh. Đúng ngày đã định, các tướng Phan Thế ở Phù Lạc, Ngô Mãi ở Bắc Giang tiến đến cửa Đại Hưng. Tự Khánh đang ở bến Đại Thông, nghe tin đó liền kéo quân lên kinh sư, vào cấm thành, đốt cầu Ngoạn Thiềm rồi lại trở về Đại Thông. Sau khi chiếm được đồng bằng hạ lưu sông Hồng và sông Đáy (trừ miền Đại Hoàng), Tự Khánh phát triển thế lực lên Quốc Oai. Khi đó Tự chết, phó tướng là Nguyễn Cuộc thay thế. Tự Khánh tiến quân lên Quốc Oai, dụ hàng được Nguyễn Cuộc, thanh thế thêm mạnh. Lý Huệ Tông bèn cùng thái sư Đàm Dĩ Mông tự làm tướng, hẹn với quân Hồng châu đi đánh Tự Khánh, đến Mễ Sở gặp quân của họ Trần do Vương Lê, Nguyễn Cải chỉ huy. Hai bên chưa giao chiến, quân của Lê, Cải mới hò reo tiến lên, quân triều đình đã tự tan vỡ. Vương Lê, Nguyễn Cải bắt được thuyền rồng. Cánh quân đạo Bắc Giang do thái sư Đàm Dĩ Mông thống xuất tới bến An Diên (Thường Tín, Hà Tây) thì bị quân của Trần Thừa tiến đánh. Em họ Trần Tự Khánh là Trần Thủ Độ cùng Trần Hiến Sâm ở tả ngạn cũng tiến đánh thắng quân triều đình. Các tướng họ Trần khác là Phan Lân, Nguyễn Nộn từ Quốc Oai tiến đến chợ Dừa đánh thắng các tướng ở Hồng châu là Đoàn Cấm, Vũ Hốt. Lý Huệ Tông thất thế phải chạy lên Lạng Châu.

Tự Khánh chiếm được kinh đô. Không đón được Huệ Tông về kinh, Tự Khánh triệu tập các vương hầu, bá quan bàn việc cải lập, sai người đón một người con của Lý Anh Tông là Huệ Văn vương đến bến Hạc Kiều, lập làm đế. Tháng 3 năm Giáp Tuất (tháng 4 năm 1214), Huệ Văn vương lên ngôi ở điện Đại An, cải nguyên là Càn Ninh, hiệu là Nguyên Vương. Cục diện trong nước lúc này đại thể hình thành ba thế lực: Phía bắc là Nguyễn Nộn, phía đông là Đoàn Thượng, phía nam là Trần Tự Khánh. Ngoài mấy lực lượng lớn, còn có những thế lực nhỏ ở các địa phương. Một thế lực cát cứ khá quan trọng là Ô Kim hầu Lý Bát ở đất Ô Kim (Hoài Đức, Hà Tây) chống lại triều đình, nhưng không theo Tự Khánh. Ở Quy Hóa (miền Yên Bái, Tuyên Quang dọc sông Hồng) có họ Hà, cha truyền con nối cai trị đất trại này. Ngoài ra, còn thế lực cát cứ ở miền Đại Hoàng (Ninh Bình) của họ Phạm ở Nam Sách. Khắp nơi trong nước vẫn trong tình trạng hỗn loạn.

Đầu năm 1214, Huệ Tông chạy đến hương Bình Hợp (xã Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Tây), Trần Tự Khánh được hào trưởng địa phương Đỗ Năng Tế giúp đỡ lấy lại Bình Hợp, rồi đem quân bao vây Thăng Long, đốt cung điện, phá nhà cửa. Huệ Tông phải dựng lều tranh để ở. Tháng 5 năm 1214, ông mang quân đánh thắng lực lượng của Bùi Đô và Đinh Khả ở châu Đại Hoàng. 

Đầu năm 1216, Huệ Tông lại lập Trần Nhị Nương (trước bị giáng xuống làm ngự nữ) làm Thuận Trinh phu nhân. Tháng 4 năm 1216, lại xảy ra loạn lạc khác: các tướng ở Cảo Xã (Nhật Tảo, Từ Liêm, Hà Nội) là Đỗ Át, Đỗ Nhuế chống lại triều đình. Vua Huệ Tông dựa vào Lý Bát, sai Bát đánh lại, nhưng không thắng. Trước tình thế đó, Huệ Tông đành lại quay về nương nhờ anh em họ Trần.Tự Khánh đón được Huệ Tông, bèn phế Nguyên vương mà mình từng đưa lên ngôi xuống làm Huệ Văn vương. Tháng 12 năm 1216, Thuận Trinh phu nhân Trần thị được phong làm Hoàng hậu. Từ lúc đó, anh em, thân thuộc họ Trần chiếm hết các chức văn võ quan trọng trong triều. Nắm quyền lớn trong tay, Trần Tự Khánh quyết ý đánh dẹp Bắc Giang vương Nguyễn Nộn, Hiền Tín vương Lý Bát, Hồng hầu Đoàn Văn Lôi, Hà Cao ở Quy Hóa. 

Tháng 6 năm 1217, Đoàn Thượng thấy thế lực họ Trần mạnh, tạm quy hàng triều đình, được phong tước vương và vẫn giữ vùng Hồng châu. Tháng 6 năm 1218, Trần Thừa và Trần Tự Khánh gả em gái là Trần Tam Nương cho Đoàn Văn Lôi (Hồng hầu) thu phục đất Hồng Châu, đánh thế lực cát cứ của Đỗ Bị ở Cam Giá. Các thuộc ấp ở Phong châu đều ra hàng, đánh Lý Bát chiếm lại đất Từ Liêm. Lý Bát phải chạy lên miền thiểu số ở sách An Lạc (Vĩnh Phúc). Tháng 5, năm 1220, Trần Tự Khánh tiến đánh Hà Cao ở Quy Hoá, chia quân làm hai đạo: Tự Khánh, Trần Thừa theo sông Quy Hoá (sông Hồng), Lại Linh, Phan Cụ theo đường sông Tuyên Quang (sông Lô), hai đạo cùng tiến. Cao cùng vợ con thắt cổ chết. Từ đó cả miền Thượng Nguyên Lộ (Thái Nguyên), Tam Đái Giang (Vĩnh Phúc) đều được dẹp yên.

Cuối năm 1223, Trần Tự Khánh qua đời ở Phù Liệt, không rõ bao nhiêu tuổi. Quyền bính trong triều được giao cho anh trai ông Trần Thừa, người kế tục chức vị Thái úy và em họ ông là Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ.

Con đường

Tại Nam Định: nối tỉnh lộ 38B với tỉnh lộ 936 - TP. Nam Định

Tại Quảng Ninh: nối đường Hai Bà Trưng với Lương Thế Vinh - TP. Hạ Long


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.