DNQTĐ: Trần Thái Tông

Trần Thái Tông - 陳太宗 (09/07/1218 – 05/05/1277), tên khai sinh: Trần Cảnh (陳煚), là vị hoàng đế đầu tiên của hoàng triều Trần nước Đại Việt. Ông ở ngôi từ năm 1225 tới năm 1258, sau đó làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời.

Cuộc đời

Trần Thái Tông nguyên tên thật là Trần Bồ (陳蒲), sau đổi thành Trần Cảnh (陳煚), các sách sử Trung Quốc gọi là Trần Nhật Cảnh (陳日煚) hoặc Trần Quang Bính (陳光昺), quê ở hương Tức Mặc (nay là phường Lộc Vượng, Nam Định). Ông sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (tức ngày 9 tháng 7 năm 1218), là con trai thứ hai của quan Nội thị phán thủ Trần Thừa, mẹ ông là Thuận Từ hoàng hậu Lê thị.

Năm 1225, Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái 7 tuổi là Chiêu Thánh, tức vua Lý Chiêu Hoàng. Trần Thủ Độ tiến cử Trần Cảnh, lúc đó mới 8 tuổi, làm Chi hậu chính chi ứng cục hầu hạ trong cung. Trần Cảnh trạc tuổi với Chiêu Hoàng, được bà rất quý mến, gần gũi và hay trêu đùa. Trần Thủ Độ đã lợi dụng điều này để dàn xếp hôn nhân giữa Chiêu Hoàng với Trần Cảnh, sau đó ép Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng

Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (tức ngày 22 tháng 11 năm 1225), Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Ngày 11 tháng 12 năm ấy (tức 10 tháng 1 năm 1226), Chiêu Hoàng trao hoàng bào cho Trần Cảnh ở điện Thiên An. Nhà Lý chấm dứt sau 216 năm tồn tại. Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Thiện Hoàng, sau đổi thành Văn Hoàng và được quần thần tặng tôn hiệu Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu hoàng đế. Sử sách gọi ông là Trần Thái Tông. Sau này, năm 1237, sau khi dẹp được loạn Hoài vương Liễu, Trần Thái Tông được dâng thêm tôn hiệu là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Hậu Đức Hiền Công Hựu Thuận Thánh Văn Thần Vũ Hiếu Nguyên Hoàng Đế. Sau đó, Trần Thủ Độ lập mưu bức tử nhạc phụ ông là nhà sư Huệ Quang (Lý Huệ Tông trước đây) nhằm dẹp trừ hậu họa. Sau khi lên ngôi, ông cử Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, nắm toàn quyền chấp chính. Trần Thủ Độ đang bận đánh dẹp ở bên ngoài, lại tự nghĩ rằng mình vốn mù chữ, nên thuyết phục tân hoàng đế mời cha là Trần Thừa ra làm nhiếp chính. Đề xuất này được triều đình đồng ý,

Tháng 10 năm 1226, Thái Tông tôn Trần Thừa làm Thái thượng hoàng. Còn Trần Thủ Độ được giữ chức Thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sư. Trong 9 năm đầu thời vua Thái Tông, Thượng hoàng Trần Thừa nắm quyền cai quản chính sự. Sau khi thượng hoàng mất (1234), Trần Thủ Độ được phong chức Thống quốc thái sư, trở thành người có ảnh hưởng lớn nhất đến các chính sách của hoàng đế. Từ năm 1226 đến 1258, với sự giúp đỡ của thượng hoàng, thái sư và các đại thần, Trần Thái Tông đã ban hành nhiều biện pháp về kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa và luật pháp để củng cố nền cai trị của triều Trần.

Năm 1226, sau khi lên ngôi ông đã lập ra định lệ quan chế Đại Việt. Năm 1227, vua khôi phục lễ hội thề đền Đồng Cổ. Năm 1230, sai nghiên cứu luật pháp rồi soạn ra bộ luật Quốc triều thông chế gồm 20 quyển. Năm 1237, phế Chiêu Thánh hoàng hậu, lập Thuận Thiên hoàng hậu là chị gái của Chiêu Thánh. Năm 1242, chia đất nước thành 12 lộ. Năm 1248, xây cầu Lâm Ba ở chùa Chân Giáo, tu sửa chùa Một Cột. Năm 1253, xây dựng Giảng Võ đường để huấn luyện binh sĩ. Năm 1254, ban bố quy định về kiểu áo mũ, xe kiệu và số người hầu của vương hầu, văn quan, võ tướng

Ngày 30/03/1258, Trần Thái Tông truyền ngôi cho Thái tử Trần Hoảng, tức Hoàng đế Trần Thánh Tông. Trần Thái Tông lui về cung Thánh Từ làm Thái thượng hoàng. Từ đây, Nhà Trần theo lệ truyền ngôi sớm cho thái tử, thứ nhất để tránh việc tranh giành ngôi báu giữa các con, thứ nữa là rèn luyện cho vị hoàng đế mới cai trị đất nước càng sớm càng tốt.

Trên cương vị là Thượng hoàng, Trần Thái Tông vẫn hỗ trợ, hướng dẫn con mình trị nước, củng cố nền thống trị của họ Trần, mở mang giáo dục, kinh tế, văn hoá, và quan tâm theo dõi tình hình phương Bắc. Ông có nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu, giảng dạy Thiền tông. Thượng hoàng đã dựng chùa Phổ Minh tại Thiên Trường (Nam Định). Trần Thái Tông còn là một nhà thơ, đã để lại tập Trần Thái Tông ngự tập (1 quyển).

Ngày 05/05/1277, Thượng hoàng Trần Thái Tông qua đời tại điện Vạn Thọ (Thăng Long). Hưởng thọ 60 tuổi.

Con đường

Tại TP.HCM: nối đường Phạm Văn Bạch với Trường Chinh - quận Tân Bình

Tại Huế: nối đường Thích Tịnh Khiết với Lê Ngô Cát - TP. Huế

Tại Hà Nội: nối giao lộ Xuân Thuỷ với giao lộ Phạm Văn Bạch & Tôn Thất Thuyết - q. Cầu Giấy


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.