DNQTĐ: Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn

Trần Hưng Đạo - 陳興道(1230/1231? - 20/08/1300), còn được gọi là Hưng Đạo đại vương (興道大王) hay Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương (仁武興道大王) là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông nổi bật với việc chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên - Mông năm 1285 và năm 1288.

Cuộc đời

Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn (陳國峻), con trai thứ ba của Khâm Minh đại vương Trần Liễu, gọi Trần Thái Tông bằng chú ruột. Ông có người mẹ nuôi đồng thời là cô ruột, Thụy Bà công chúa. Ông quê quán ở thôn Tức Mặc (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định ngày nay).

Năm 1237, gia đình ông đã xảy ra biến động. Do chú ông là Trần Thái Tông lên ngôi và kết hôn đã lâu nhưng chưa có con nối dõi, Thái sư Trần Thủ Độ đang nắm thực quyền phụ chính ép cha ông là Trần Liễu phải nhường vợ là Thuận Thiên công chúa (chị của Lý Chiêu Hoàng) cho Trần Thái Tông dù bà đang mang thai với Trần Liễu được ba tháng, đồng thời giáng Lý hoàng hậu xuống làm công chúa. Phẫn uất, Trần Liễu họp quân chống lại nhưng thế cô không làm gì được, phải xin đầu hàng. Vì Thái Tông cũng thương anh nên xin với Trần Thủ Độ tha tội cho Trần Liễu, nhưng quân lính đều bị giết. Mang lòng hậm hực, Trần Liễu tìm người tài nghệ để dạy văn, võ cho Trần Quốc Tuấn.

Khi trưởng thành, Trần Quốc Tuấn (19 tuổi) đem lòng yêu công chúa Thiên Thành. Đầu năm 1251, Trần Thái Tông muốn gả công chúa cho Trung Thành vương, nên đã cho công chúa đến ở trong dinh Nhân Đạo vương (cha của Trung Thành vương). Ngày rằm tháng giêng, Trần Thái Tông mở hội lớn, ý muốn cho công chúa làm lễ kết tóc với Trung Thành vương. Trần Quốc Tuấn muốn lấy công chúa, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng. Mẹ nuôi Trần Quốc Tuấn là Thụy Bà công chúa biết chuyện, sợ ông bị hại trong phủ, liền chạy đến cung điện cáo cấp, xin Trần Thái Tông cứu Trần Quốc Tuấn. Hôm sau, Thụy Bà công chúa dâng 10 mâm vàng đến chỗ Trần Thái Tông xin lễ cưới Thiên Thành công chúa cho Trần Quốc Tuấn. Thái Tông bất đắc dĩ phải gả công chúa cho ông và lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để hoàn lại sính vật cho Trung Thành vương. Tháng 4 năm đó, Trần Liễu ốm nặng. Lúc sắp mất, Trần Liễu cầm tay Trần Quốc Tuấn, trăng trối: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được". Trần Quốc Tuấn ghi để trong lòng, nhưng không cho là phải. Trần Hưng Đạo trở thành võ quan nhà Trần lúc nào không rõ, chỉ biết vào tháng Chín (âm lịch) năm Đinh Tỵ (1257), ông giao trách nhiệm phòng thủ biên giới trước thời điểm quân Mông Cổ xâm lược vào tháng 12 năm 1257.

Ngày 24 tháng 12 âm lịch năm 1257 (tức 28 tháng 1 năm 1258), vua Trần Thái Tông cùng thái tử 18 tuổi Trần Hoảng ngự lâu thuyền tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đánh tan quân Mông Cổ, giải phóng Thăng Long. Chiến tranh kết thúc, Quốc Tuấn vẫn giữ nguyên tước cũ và trở về thái ấp ở Vạn Kiếp. Đầu năm 1277, Trần Thánh Tông thân chinh đánh các bộ tộc thiểu số ở động Nẫm Bà La (nay thuộc Quảng Bình). Đầu năm 1281, vua Nguyên Mông là Hốt Tất Liệt sai Sài Thung đem ngàn quân hộ tống nhóm Trần Di Ái về nước. Trần Hưng Đạo ra đón. Năm 1282, nhà Nguyên sai Toa Đô mang quân vượt biển đánh Chiêm Thành ở phía nam Đại Việt. Chiến tranh giữa Đại Việt với nhà Nguyên đến gần. Tháng 10 năm 1283, để chuẩn bị kháng chiến lần hai, Trần Hưng Đạo được thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân. Ông chọn các quân hiệu tài giỏi, cho chia nhau chỉ huy các đơn vị quân đội. Tháng Tám (âm lịch) năm sau (1284), ông cho duyệt quân ở bến Đông Bộ Đầu (gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay), đọc bài "Hịch tướng sĩ" nổi tiếng, rồi chia quân đóng giữ Bình Than và các nơi hiểm yếu khác.

Tháng 7 âm lịch năm 1284, nhà Nguyên sai Trấn Năm vương Thoát Hoan, A Lý Hải Nha tập trung 50 vạn quân ở hành tỉnh Hồ Quảng, dự đinh sang năm xâm lược Đại Việt. Tháng 11 âm lịch năm 1284, Trần Nhân Tông sai Trần Phủ sang hành tỉnh Hồ Quảng (Đại Nguyên) xin hoãn binh. Khi trở về, Trần Phủ báo tin Hốt Tất Liệt sai Thoát Hoan, A Lý Hải Nha lấy danh nghĩa mượn đường đánh Chiêm Thành, mang đại quân tiến vào đất Việt. Đầu năm 1285, quân Nguyên Mông lại ào ạt tiến công vào phía bắc và vùng Thanh Hóa-Nghệ An. Hưng Đạo vương đốc các quân đánh chặn ở biên giới nhưng thất bại, quân Đại Việt bị tổn thất. Trần Hưng Đạo phải thu quân về Vạn Kiếp. 

Thế giặc mạnh, Thượng hoàng Thánh Tông lo ngại, vờ hỏi ông xem có nên hàng không. Ông khẳng khái trả lời "Bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng". Sau trận quân Đại Việt phản công quân Nguyên không thành và việc mặt trận Thanh-Nghệ bị tan vỡ (do sự phản bội của Trần Kiện), đại quân Việt chỉ lâm vào thế bị ép từ 2 mặt Bắc-Nam. Đến ngày 7 tháng 4 năm 1285, Trần Hưng Đạo lại đưa 2 vua Trần cùng đại quân vượt biển vào Thanh Hóa, thoát khỏi thế bị kìm kẹp của đối phương. Tháng 4/1285, ông vạch kế hoạch tổng phản công. Chỉ sau một tháng chiến đấu quyết liệt với quân Nguyên, các cánh quân Đại Việt do Trần Hưng Đạo cùng Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật chỉ huy thắng lợi ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp,... quân dân Đại Việt đã tiến vào Thăng Long, Thoát Hoan bỏ chạy. Trần Hưng Đạo và anh là Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung dẫn hơn 2 vạn quân tấn công quân Nguyên ở bờ Bắc sông Hồng. Quân Nguyên đại bại rút chạy về phía Bắc. Quân Đại Việt do con Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Hiến (Trần Quốc Nghiễn) chỉ huy truy kích đến tận biên giới, quân Nguyên phải giấu Thoát Hoan trong ống đồng để chạy trốn. Trong cuộc chiến này, quân Đại Việt giết được tướng Nguyên là Toa Đô và Lý Hằng. 

Tháng 3 âm lịch năm 1286, hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt sai Thượng thư tỉnh Áo Lỗ Xích (Auruyvci), Bình chương sự Ô Mã Nhi (Omar) huy động 50 vạn quân, chuẩn bị đánh Đại Việt, mượn danh nghĩa đưa phản thần nhà Trần là Trần Ích Tắc về làm An Nam Quốc vương. Tháng 6 âm lịch, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu cho vương hầu, tôn thất chiêu mộ binh sĩ. Vua Trần Nhân Tông cử Hưng Đạo vương thống lĩnh vương hầu luyện tập binh sĩ, sửa sang khí giới, đóng thuyền chiến. 

Tháng 2 năm 1287, nhà Nguyên điều động quân Mông Cổ, quân Hán Nam quân người Lê ở 4 châu ngoài biển, chia làm nhiều cánh tràn vào Đại Việt. Ngày 14 tháng 11 âm lịch 1287, Trịnh Xiển báo tin cánh quân Vân Nam của Nguyên đánh ải Phú Lương. Tháng 2 năm 1288, quân Nguyên đánh thành, quân Đại Việt nấp trong thành bắn tên đạn ra. Trần Quốc Tuấn sai Trần Cao vài lần đến trại Thoát Hoan xin giảng hoà, nhưng ban đêm thường kéo ra từng toán nhỏ đánh lén vào trại quân Nguyên, đốt phá lương thực rồi rút lui. Trong khi đó, đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị Trần Khánh Dư chặn đánh tiêu diệt ở Vân Đồn. Do bị thiếu lương và bệnh dịch, Thoát Hoan buộc phải rút lui, một ngả của thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, một ngả của bộ binh do Thoát Hoan chỉ huy. Trần Hưng Đạo bố trí lực lượng mai phục ở cửa sông Bạch Đằng trực tiếp tổ chức chiến trường tiêu diệt toàn bộ binh thuyền của Ô Mã Nhi vào tháng Tư (âm lịch) năm Mậu Tý (1288), bắt sống Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và Tích Lệ Cơ. Thoát Hoan dẫn quân bộ tháo chạy theo đường Lạng Sơn, dọc đường bị quân Việt đón đánh khiến "quân sĩ mười phần, tổn hại mất 5, 8 phần"

Tháng 4 năm Kỷ Sửu (1289), luận công ba lần đánh đuổi quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo được phong tước Hưng Đạo đại vương. Sau đó, ông lui về ở Vạn Kiếp, là nơi ông được phong ấp (nay thuộc xã Hưng Đạo, Chí Linh, Hải Dương). Nhân dân lúc bấy giờ kính trọng ông, lập đền thờ sống ông ở Vạn Kiếp. Tại đền có bài văn bia của vua Trần Thánh Tông, ví ông với Thượng phụ (tức Khương Tử Nha)

Tháng 6 năm Canh Tý (1300), Trần Hưng Đạo ốm nặng. Vua Trần Anh Tông ngự tới nhà thăm, hỏi rằng: "Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?". Ông trả lời: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy". Chữa mãi không khỏi bệnh, ông mất vì tuổi già vào ngày 20 tháng 8 năm ấy. Nghe tin Trần Hưng Đạo vương mất, triều đình Đại Việt phong tặng ông là "Thái sư Thượng Phụ Thượng Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương". Ông được nhân dân cả nước tôn vinh là "Đức Thánh Trần" và lập đền thờ ở nhiều nơi, song nổi tiếng hơn cả là Đền Kiếp Bạc ở xã Hưng Đạo (Chí Linh, Hải Dương). Đây là nơi ông lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

Ông có để lại cho cuộc đời một số tác phẩm quân sự nổi tiếng như: Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Bài văn hịch hiểu dụ các tỳ tướng, quen gọi là Hịch tướng sĩ); Binh gia diệu lý yếu lược (Tóm lược chỗ cốt yếu trong nguyên lý kỳ diệu của nhà binh, còn gọi là Binh thư yếu lược); Vạn Kiếp tông bí truyền thư (Sách bí truyền của tông phái Vạn Kiếp - nhưng văn bản đã thất lạc, chỉ còn lại bài Tựa của tướng Trần Khánh Dư đề ở đầu sách, được Đại Việt sử ký toàn thư (quyển VI) ghi lại),...

Con đường

Tại Hà Nội: nối đường Trần Khánh Dư với Lê Duẩn - Q. Hoàn Kiếm 

Tại Long Xuyên - An Giang: nối cầu Cái Sắn Lớn (P. Mỹ Quý) với cầu Xép Bà Lý (P. Bình Đức)

Tại Đà Nẵng: nối đường Võ Văn Dũng với Vân Đồn - Q. Sơn Trà

Tại Đắk Lắk: nối đường Hùng Vương với Phan Châu Trinh - TP. Buôn Ma Thuột

Tại Quảng Ninh: nối đường Trần Phú với Trần Thái Tông - TP. Uông Bí

Tại Tp.HCM: 
- Nối đường Lê Văn Việt với Phan Châu Trinh - Q. 9
- ‎Nối đường Học Lạc với vòng xoay Quách Thị Trang - quận 1, 5 và 6
- ‎Tên đường Trần Quốc Tuấn: nối đường Lê Quang Định với Phan Văn Trị - Q. Gò Vấp 
- Nối đường Nguyễn Xuân Khoát với Luỹ Bán Bích - Q. Tân Phú



Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.