DNQTĐ: Trần Anh Tông và Trần Minh Tông

Trần Anh Tông - 陳英宗; (25/10/1276 - 21/04/1320), là vị hoàng đế thứ 4 của triều đại nhà Trần. Trong thời gian trị vì ông chỉ có một niên hiệu là Hưng Long (興隆), nên cũng có thể gọi là Hưng Long Đế (興隆帝).

Cuộc đời

Trần Anh Tông tên húy là Trần Thuyên (陳烇), là con trưởng Trần Nhân Tông Trần Khâm và là cháu nội đích tôn của Trần Thánh Tông Trần Hoảng. Ông sinh vào ngày 17 tháng 9 năm Bính Tý (tức ngày 25 tháng 10 năm 1276), chỉ khoảng 7 tháng trước khi ông cố nội của ông là Thái thượng hoàng Trần Thái Tông qua đời. Ngay sau khi sinh ra, cha ông là Trần Nhân Tông vẫn còn là Hoàng thái tử, vì vậy Trần Thuyên được Trần Thánh Tông lập làm Hoàng thái tôn.

Ngày 22 tháng 10 âm lịch năm Mậu Dần (tức 8 tháng 11 năm 1278), Trần Thánh Tông truyền ngôi cho con là Thái tử Trần Khâm, tức Trần Nhân Tông. Mẹ của Trần Thuyên là Trần phi được lập làm Hoàng hậu. Tuy nhiên, mãi đến ngày 3 tháng 2 âm lịch năm Nhâm Thìn (1292), Trần Nhân Tông mới phong Thái tôn Trần Thuyên làm Hoàng thái tử, khi ấy ông đã 16 tuổi. Ngay dịp đó, triều đình chọn con gái của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng lập làm Thái tử phi.

Ngày 9 tháng 3 âm lịch năm Quý Tỵ (tức ngày 16 tháng 4 năm 1293), Trần Nhân Tông truyền ngôi cho thái tử Trần Thuyên, tức hoàng đế Trần Anh Tông. Anh Tông tự xưng là Anh Hoàng và tôn vua cha làm Hiến Nghiêu Quang Thánh Thái Thượng Hoàng Đế. Nhà vua lấy niên hiệu là Hưng Long và sử dụng nó cho đến hết thời trị vì của mình. Ông cũng được triều thần tặng tôn hiệu Ứng Thiên Quảng Vận Nhân Minh Thánh Hiếu Hoàng Đế. Khi mới lên nối ngôi, Trần Anh Tông thích rượu chè và thường đi chơi thâu đêm, có lần bị một số người "vô lại" ném gạch trúng đầu. Do vậy, ông bị thượng hoàng Trần Nhân Tông quở trách rất nghiêm khắc. Từ đó Anh Tông trở nên minh mẫn hơn, không những thế ông còn không ưa những người nghiện rượu. Anh Tông cũng là người bãi bỏ tục xăm hình rồng vào đùi của các vua Đại Việt. Bên cạnh đó, Trần Anh Tông đã chấp hành nghiêm túc nề nếp, kỷ cương của vương triều. Tháng 3 âm lịch năm 1296, ông sai đánh quan thượng phẩm Nguyễn Hưng đến chết vì tội mê bài bạc. Ông cũng ban chiếu cấm phạm húy tên của 8 vua nhà Lý, cùng với các tổ phụ nhà Trần là Trần Lý, Trần Thừa, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông.

Tháng 10 âm lịch năm 1300, Trần Anh Tông đặt quy chế mới về trang phục bá quan. Đến mùa xuân năm 1301, nhà vua lại ban chiếu cho bá quan văn võ đều dùng mũ chữ đinh, có miếng lụa bọc tóc màu tía xen màu biếc. Tháng 3 âm lịch năm 1304, Anh Tông mở khoa thi Thái học sinh tìm người hiền giúp nước. Khoa thi này lấy được 48 người gồm trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Mùa đông năm 1304, Anh Tông thỉnh cầu Điều ngự về Thăng Long để truyền tâm Tâm giới Bồ tát tại gia cho ông.

Vào các năm 1313 và 1319, khi sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, Trần Anh Tông đã lấy vàng bạc từ quốc khố và dâng cho Pháp Loa, sau đó thầy phân phát cho dân nghèo. Năm 1318, Trần Anh Tông đã thỉnh cầu nhà sư người Nam Á là Ban Để Đa Ô Sa Thất Lợi dịch Bạch Tán Thần Chú kinh – một văn bản Phật giáo Mật tông.

Mặc dù nhà Trần đã đánh bại 3 cuộc xâm lược của Mông Nguyên vào các năm 1258, 1285 và 1287, người Nguyên vẫn chưa dứt bỏ tham vọng thôn tính Đại Việt. Năm 1293, hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt sai Thượng thư Bộ binh Lương Tằng ép Anh Tông sang chầu. Anh Tông cáo bệnh không đi, đồng thời cử Đào Tử Kỳ đi triều cống. Hốt Tất Liệt sai giảm Tử Kỳ tại Giang Lăng và chuẩn bị xâm lược Đại Việt. Tuy nhiên, công việc chuẩn bị chưa hoàn tất thì Hốt Tất Liệt chết; tháng 1 âm lịch năm 1294, tân hoàng đế Nguyên Thành Tông ra lệnh bãi binh và trả Tử Kỳ về nước. Quan hệ Nguyên-Việt trở lại bình thường. 

Tháng 2 âm lịch năm 1295, nhà Nguyên cử Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai đi sứ sang Đại Việt. Sứ bộ này đã được thượng hoàng Trần Nhân Tông và vua Trần Anh Tông đón tiếp tử tế. Sau khi hai sứ Nguyên về nước, Anh Tông sai Nội viên ngoại lang Trần Khắc Dụng cùng Phạm Thảo sang Nguyên để xin thỉnh ấn bản mới nhất của Đại tạng kinh Phật giáo. Triều đình nhà Nguyên chấp thuận. Kế tục chính sách của các vua trước, Trần Anh Tông cống nạp đều đặn cho nhà Nguyên vào các năm 1308, 1311 và 1312. Toàn thư có chép lại chuyến đi sứ của Mạc Đĩnh Chi năm 1308 và những diễn biến tích cực của hoạt động ngoại giao này.

Năm 1298, quân Ai Lao tràn tới chiếm sông Chàng Lang. Quân Đại Việt do Phạm Ngũ Lão chỉ huy đã phản công và lấy lại lãnh thổ. Sau trận đánh đó, Trần Anh Tong tặng binh phù hình đám mây (vân phù) cho Phạm Ngũ Lão. Tháng 10 âm lịch năm 1298, quân Ai Lao lại sang quấy phá, Anh Tông điều quân đi đối phó. Phạm Ngũ Lão đem quân tới Mường Mai (nay thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) và phá tan quân Ai Lao. Do chiến công này, Phạm Ngũ Lão được nhà vua phong chức Thân vệ đại tướng quân. Khoảng tháng 3 âm lịch năm 1301, Điều ngự Trần Nhân Tông sang viếng thăm Chiêm Thành, được vua Chiêm là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu và ở lại Chiêm Thành gần 9 tháng. Trong chuyến đi này, Điều ngự đã hứa gả con gái là Huyền Trân (em Trần Anh Tông) cho Chế Mân. Sau đó Chế Mân đã nhiều lần sai sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng các đại thần nhà Trần đều phản đối, chỉ có Văn Túc vương Trần Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chấp nhận.

Tháng 6 âm lịch năm 1306, Trần Anh Tông đồng ý gả Huyền Trân cho Chế Mân. Huyền Trân về Chiêm Thành và được phong làm hoàng hậu. Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) cho Đại Việt làm hồi môn. Trần Anh Tông đã đổi tên châu Ô thành châu Thuận và châu Lý thành châu Hóa. Dân Chiêm ở hai châu này không chịu phục tùng, nên Anh Tông sai Đoàn Nhữ Hài đến thu phục nhân tâm. Thông qua các biện pháp như bổ nhiệm quan tước, phân phát ruộng đất và xá thuế nhiều năm cho người bản địa, Nhữ Hài đã duy trì được ổn định tại vùng đất địa đầu phía Nam. Một năm sau hôn lễ của Huyền Trân, Chế Mân qua đời vào tháng 5 âm lịch năm 1307. Thế tử Chiêm sai sứ sang Đại Việt báo tang. Theo phong tục nước Chiêm, khi vua chết hoàng hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn tang. Trần Anh Tông biết tin, sai Hành khiển Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung bày kế thành công, cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền và rước bà về Đại Việt bằng đường biển.

Tháng 12 âm lịch năm 1311, Trần Anh Tông quyết định tấn công Chiêm Thành. đánh bại quân Chiêm và bắt Chế Chí đem về nước. Tháng 6 âm lịch năm 1312, vua Trần chiến thắng trở về kinh sư. Anh Tông không làm lễ phong thưởng công thần vì ông quan niệm "công lao của các quan ở lại giữ nước và các tướng theo ta đi đánh trận là ngang nhau". Chế Chí được phong tước Hiệu Thuận vương, không lâu sau thì chết ở hành cung Gia Lâm (Thăng Long) và được hỏa táng. Năm 1313, quân Xiêm La sang xâm lấn Chiêm Thành. Trần Anh Tông chỉ định Đỗ Thiên Hư làm Kinh lược sứ Nghệ An và Lâm Bình, giúp người Chiêm chiến đấu giữ đất. 

Tháng 1 âm lịch năm 1305, Trần Anh Tông lập con thứ 4 là Trần Mạnh làm thái tử. Ngày 18 tháng 3 năm Giáp Dần (nhằm ngày 03/04/1314), ông nhường ngôi cho Trần Mạnh, tức hoàng đế Trần Minh Tông. Anh Tông lui về Thiên Trường (Nam Định) làm Thái thượng hoàng, được tặng tôn hiệu là Quang Nghiêu Duệ Vũ Thái Thượng Hoàng Đế. Trên danh nghĩa Thượng hoàng, Trần Anh Tông vẫn tham gia công việc triều chính. Ông đã khuyên bảo Minh Tông phải tin dùng những người tài đức như Bùi Mộc Đạc hay Huệ Vũ Đại vương Quốc Chẩn, và phải hiểu biết kinh nghiệm từ các thời vua trước. Đại Việt tiếp tục thịnh trị dưới sự cai quản của hai vua Anh Tông, Minh Tông cùng các đại thần tài năng.

Cuối năm 1318, thượng hoàng Trần Anh Tông đau nặng. Ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (nhằm ngày 21 tháng 4 năm 1320), Trần Anh Tông qua đời ở cung Trùng Quang (thuộc phủ Thiên Trường), hưởng dương 45 tuổi. Ngày 12 tháng 12 âm lịch năm 1320 (tức 10 tháng 1 dương lịch năm 1321), ông được chôn cất vào Thái lăng tại Yên Sinh (nay thuộc huyện Đông Triều, Quảng Ninh). Triều đình truy tôn ông miếu hiệu là Anh Tông, thụy hiệu là Ứng Thiên Quảng Vận Hiển Văn Duệ Vũ Khâm Minh Nhân Hiếu hoàng đế

Con đường

Tại Huế: nối đường Phan Bội Châu với Đặng Huy Trứ - TP. Huế

Tại Bình Định: nối đường Ngô Gia Tự với Tây Sơn - TP. Quy Nhơn

Tại Đà Nẵng: nối đường Ngọc Hồi với Nguyễn Tất Thành - q. Liên Chiểu 




Trần Minh Tông - 陳明宗, (04/09/1300 - 10/03/1357), là vị hoàng đế thứ năm của vương triều Trần nước Đại Việt.

Cuộc đời

Trần Minh Tông có tên húy Trần Mạnh (陳奣), sinh ngày 21 tháng 8 âm lịch năm 1300, một ngày sau khi Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn qua đời. Ông là con thứ 4, và cũng là người con trai duy nhất sống đến khi trưởng thành của Trần Anh Tông. Mẹ ông là Huy Tư hoàng phi họ Trần, con gái Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng. Do các hoàng tử sinh ra trước đó đều khó nuôi, sau khi Trần Mạnh chào đời, đã chuyển cho Nhật Duật còn đặt tên cho hoàng tử là Thánh Sinh (聖生) để giống với con trai mình là Thánh An (聖安), và con gái là Thánh Nô (聖奴).

Tháng 1 âm lịch năm 1305, Trần Mạnh được vua cha tấn phong làm Đông cung thái tử.Anh Tông còn tặng cho thái tử một bài giáo huấn mang tên Dược thạch châm, do nhà vua tự soạn. Ngày 18 tháng 3 âm lịch năm Giáp Dần (tức ngày 3 tháng 4 năm 1314), Trần Mạnh được vua cha truyền ngôi khi ông mới 14 tuổi, trở thành hoàng đế Trần Minh Tông. Minh Tông tự xưng là Ninh Hoàng, tôn Anh Tông làm Quang Nghiêu Duệ Vũ Thái thượng hoàng đế và tôn Thuận Thánh hoàng hậu (chính cung của Anh Tông) làm Thuận Thánh Bảo Từ thái thượng hoàng hậu. Các quan dâng nhà vua tôn hiệu là Thể Thiên Sùng Hoá Khâm Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế.

Tháng 5 âm lịch năm 1315, Trần Minh Tông ra lệnh cấm cha con, vợ chồng và gia nhân kiện tụng nhau. Mùa hạ năm 1315, nước sông Hồng dâng cao, Minh Tông đến tận nơi xem sửa chữa đê. Về giáo dục-khoa cử, Minh Tông đã hai lần tổ chức thi Thái học sinh (lần đầu vào tháng 10 âm lịch năm 1314; lần tiếp theo là tháng 8 âm lịch năm 1323) để tìm người tài giúp nước. Những thí sinh đỗ đạt được giữ chức Bạ thư lệnh. Ngoài ra, vào tháng 10 âm lịch năm 1321, Minh Tông tổ chức kỳ thi tuyển tu sĩ Phật giáo, lấy kinh Kim Cương làm nội dung thi. Năm 1323, Trần Minh Tông quy định quân đội phải tuyển người béo trắng; từ đây, binh lính Đại Việt không còn xăm hình rồng ở đùi và lưng nữa.

Năm 1318, Trần Minh Tông sai Huệ Vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn mở chiến dịch tấn công Chiêm Thành. Quân Đại Việt ban đầu bị thất lợi; tôn thất nhà Lý là Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến thiệt mạng. Nhưng sau đó, đạo quân Thiên Thuộc do Phạm Ngũ Lão chỉ huy đã đột kích vào lưng địch, đánh tan tác quân Chiêm và buộc Chế Năng phải trốn sang đảo Java (Indonesia). Trần Quốc Chẩn xin Minh Tông lập tù trưởng Chế A Nan làm vua chư hầu ở Chiêm, rồi đem quân trở về. Sau chiến thắng, Minh Tông ban tước Quan nội hầu và tặng binh phù hình rùa (phi ngư phù) cho Phạm Ngũ Lão, rồi phong con Phạm Ngũ Lão làm quan.

Sau khi quân nhà Trần rút lui, Chế A Nan tăng cường cống nạp cho nhà Nguyên, đồng thời thuyết phục vua Nguyên hỗ trợ Chiêm giành tự chủ khỏi Đại Việt. Năm 1324, Nguyên Anh Tông sai sứ sang dụ Minh Tông phải tôn trọng chủ quyền của Chiêm Thành. Lo sợ mất chư hầu về tay nhà Nguyên, Minh Tông sai Huệ Túc vương Trần Đại Niên tấn công Chiêm lần hai năm 1326. Quân của Chế A Nan đã đánh bại được quân Trần Đại Niên. Mặc dù nhà Trần không chính thức thừa nhận, thắng lợi này đã giúp Chiêm Thành giành quyền tự trị, không còn bất cứ sự liên đới nào với Đại Việt. Năm Khai Thái thứ 5 (1328), mùa xuân, tháng 3, Quốc phụ thượng tể Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn bị giết. Cái chết của ông liên quan đến vấn đề kế vị, khi ông phản đối ý định của Minh Tông lúc muốn lập Trần Hiến Tông, và điều này dẫn đến việc ông bị kết tội phản nghịch và bị bỏ đói đến chết.

Ngày 7 tháng 2 âm lịch năm Kỷ Tỵ (tức ngày 7 tháng 3 năm 1329), Trần Minh Tông xuống chiếu phong Trần Vượng (10 tuổi) làm Thái tử. Đến ngày 15 tháng 3 thì ông nhường ngôi cho thái tử Vượng, tức vua Trần Hiến Tông. Hiến Tông tự xưng là Triết Hoàng, tôn vua cha làm Thái thượng hoàng với hiệu là Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng Hoàng Đế. Minh Tông lui về phủ Thiên Trường, nhưng vẫn nắm quyền quyết định mọi việc trong nước.

Sau khi Hiến Tông vừa lên ngôi, vào mùa đông năm 1329, quân Ngưu Hống tấn công miền tây bắc. Năm 1334, quân Ai Lao xâm lấn biên giới phía tây. Thượng hoàng lại thân chinh đi đánh dẹp. Khi đại quân của ông tới Châu Kiềm (Nghệ An), quân Ai Lao lập tức tháo chạy. Thượng hoàng sai Nguyễn Trung Ngạn soạn bài bia ghi lại chiến thắng khắc lên núi đá, rồi đem quân trở về. Năm 1335, quân Ai Lao lại kéo vào đánh phá ấp Nam Nhung thuộc Châu Kiềm (Nghệ An). Thượng hoàng cử Đoàn Nhữ Hài làm chỉ huy quân Thần Vũ, Thần Sách và quân Nghệ An, tấn công trại Ai Lao trên sông Tiết La. Đoàn Nhữ Hài khinh suất ra quân nên đúng lúc gặp sương mù bị rơi vào phục kích, bị thua trận và chết đuối. Thượng hoàng khóc thương tiếc và không coi đó là lỗi của Nhữ Hài. Tháng 2 âm lịch năm 1336, Minh Tông rút quân về Thăng Long. Mùa thu năm 1337, Minh Tông sai Hưng Hiếu vương mang quân đánh Ngưu Hống ở Đà Giang. Hưng Hiếu vương tấn công vào trại Trình Kỳ, tiêu diệt quân Ngưu Hống và chém chết tù trưởng Xa Phần. Ngày 11 tháng 6 năm Tân Tỵ (tức ngày 24 tháng 7 năm 1341), Trần Hiến Tông mất khi mới 23 tuổi. 

Ngày 21 tháng 8 âm lịch (tức ngày 2 tháng 10) năm 1341, Thượng hoàng lập Trần Hạo lên ngôi, tức vua Trần Dụ Tông, lấy niên hiệu là Thiệu Phong. Dụ Tông mới 6 tuổi nên Thượng hoàng vẫn cai quản mọi việc triều chính. Cuối năm 1341,ông sai Nguyễn Trung Ngạn và Trương Hán Siêu biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư để ban hành.

Trong thời Thiệu Phong, một vài đợt hạn hán, mất mùa lớn đã xảy ra, dẫn đến đói kém và bạo loạn ở nhiều nơi. Một số cuộc nổi dậy nông dân đã bùng phát, như của Ngô Bệ năm 1344 và Tề năm 1354. Ngoài ra còn có những cuộc bạo động khác của người Lạng Sơn và Thái Nguyên năm 1351. Minh Tông cho tăng cường quân đội ở các lộ để trấn áp. Trừ cuộc nổi dậy của Ngô Bệ tới năm 1360 mới bị dẹp, các cuộc nổi dậy khác đều nhanh chóng bị dập tắt. Bên cạnh đó, Minh Tông cũng ban hành những biện pháp như "giảm một nửa thuế nhân đinh" (1343), "soát tù, giảm tội bọn tội phạm" (1345) và "giảm một nửa tô ruộng" (1354) nhằm cải thiện dân tình.

Năm 1345, Thượng hoàng mở khoa thi Thái học sinh để tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Cũng trong thời gian này, ông ra lệnh khôi phục chức tước cho Huệ Vũ Đại vương Quốc Chẩn. Năm 1345, vì Chiêm Thành đã lâu không cống, hai vua Trần cử sứ sang hỏi, Chiêm Thành chịu cống nhưng chỉ dâng lễ vật sơ sài. Tháng 5 âm lịch năm đó, người Ai Lao lại sang quấy nhiễu biên giới. Thượng hoàng sai Bảo Uy vương là Hoàn đi đánh, phá tan quân Ai Lao và "bắt được rất nhiều người và súc vật" (theo Toàn thư). Từ đây đến khi nhà Trần cáo chung (1400), quân Ai Lao không còn xâm lấn Đại Việt nữa. Hai năm sau (tháng 6 âm lịch năm 1347), Minh Tông giết Bảo Uy vương vì tội tư thông với cung nữ và ăn cắp áo của Dụ Tông.

Sau khi vua Chiêm Chế A Nan chết, hai con rể là Trà Hòa và Chế Mỗ tranh đoạt quyền kế vị. Năm 1351, Chế Mỗ sang Đại Việt, dâng cống thú lạ và cầu viện vua Trần. Minh Tông sai đại quân đưa Chế Mỗ về nước. Bộ binh đến Cổ Lũy (Quảng Ngãi), thủy quân tải lương không kịp, bèn rút lui về. Chiến dịch đánh Chiêm 1351 thất bại, và Chế Mỗ ở lại Đại Việt cho tới khi chết. Tháng 9 âm lịch năm 1353, Trà Hòa xua quân đánh phá châu Hóa (Thừa Thiên-Huế ngày nay). Quân Đại Việt bị thiệt hại nặng nề. Phải đến khi hai vua (Minh Tông và Dụ Tông) cử Trương Hán Siêu làm chỉ huy quân Thần Sách tại châu Hóa, tình hình mới ổn định trở lại. Mùa thu năm 1356, Minh Tông đến chơi đền Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn ở Chí Linh (Hải Dương); lúc trở về, Minh Tông bị một con ong vàng đốt ở má bên trái, do đó ông nằm bệnh.

Ngày 19 tháng 2 âm lịch (10 tháng 3 dương lịch) năm 1357, Thượng hoàng Minh Tông qua đời tại cung Bảo Nguyên, hưởng dương 57 tuổi. Ông được tôn thụy hiệu là Chương Nghiêu Văn Triết Hoàng Đế. Ngày 11 tháng 11 âm lịch (22 tháng 12 dương lịch) năm đó, Minh Tông được mai táng vào Mục Lăng, xã Yên Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

Con đường

Tại Nghệ An: nối đường Lê Việt Thuật với Trần Tấn - TP. Vinh

Tại Nam Định: từ đường Cầu Đông đi đến hết đường - TP. Nam Định

Tại Đà Nẵng: nối đường Chúc Động với Nguyễn Tất Thành - Q. Liên Chiểu


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.