DNQTĐ: Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất

Nguyễn Cảnh Chân - 阮景真; (1355 - 1409) là danh tướng chống quân Minh đời Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông người làng Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, Việt Nam.

Cuộc đời

Cuối thời nhà Trần, Nguyễn Cảnh Chân làm an phủ sứ Hoá Châu (Thừa Thiên-Huế). Lúc đó chính quyền nhà Trần đã trong tay Hồ Quý Ly. Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần lập ra nhà Hồ. Không lâu sau, Quý Ly nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, lên làm thái thượng hoàng. Năm 1402, để củng cố phía Nam, Hồ Quý Ly cho lập ra 4 châu mới chiếm của Chiêm Thành: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và đặt lộ Thăng Hoa để thống nhất cả bốn châu, cử Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa.

Năm 1406, Trần Thiêm Bình mạo xưng là con cháu nhà Trần, sang tố cáo với nhà Minh việc nhà Hồ đoạt ngôi nhà Trần. Minh Thành Tổ sai quân đưa Trần Thiêm Bình về nước. Hồ Hán Thương sai Nguyễn Cảnh Chân dâng tờ biểu "tạ tội" với nhà Minh và xin đón Thiêm Bình về tôn lên làm chúa. Tuy nhiên, tháng 4 năm 1406, khi quân Minh đưa Thiêm Bình trở về, Hồ Hán Thương sai quân đón đánh, bắt được Thiêm Bình mang về chém chết. Cuối năm 1406, nhà Minh khởi đại quân sang xâm lược. Cha con Hồ Quý Ly nhanh chóng thất bại và bị bắt mang về Trung Quốc.

Tháng 11 năm 1407, tôn thất nhà Trần là Trần Ngỗi xưng đế ở Mô Độ (Ninh Bình), tức là Giản Định Đế, lập ra nhà Hậu Trần, khởi binh chống quân Minh. Quân Hậu Trần mới họp, bị quân Minh đánh bại phải chạy vào Nghệ An. Nguyễn Cảnh Chân cùng Đặng Tất và một số tướng thuộc lực lượng của Trần Nguyệt Hồ, người vừa bị quân Minh đánh bại ở Đông Triều cũng mang quân đến họp. Thế quân Hậu Trần mạnh lên. Giản Định Đế phong Đặng Tất làm quốc công, Nguyễn Cảnh Chân làm Đồng Tri khu mật tham mưu quân sự. Từ đó, Đặng Tất thường làm tướng đánh trận ở ngoài còn Nguyễn Cảnh Chân đóng vai trò tham mưu cho vua Giản Định Đế.

Đầu năm 1408, Giản Định Đế điều quân đánh Nghệ An và Diễn Châu, tiêu diệt lực lượng của hai quý tộc nhà Trần cũ là Trần Thúc Dao và Trần Nhật Chiêu theo hàng quân Minh trấn giữ. Trương Phụ mang quân vào đánh Diễn châu. Quân Hậu Trần ít không chống nổi, rút vào Hoá châu. Coi như đã dẹp xong Giao Chỉ, Phụ rút về Đông Quan (Hà Nội) rồi mang đại quân về nước. Tháng 5 năm 1408, Giản Định Đế từ Hoá châu ra đánh chiếm lại Nghệ An, sau đó đánh chiếm Tân Bình do Phạm Thế Căng, viên tướng người Việt theo quân Minh. Quân Hậu Trần làm chủ từ Nghệ An tới Thuận Hoá. Giản Định Đế tiến quân ra bắc. Đặng Tất huy động quân 5 lộ từ Thanh Hoá đến Thuận Hoá, tiến ra Trường Yên (Nam Định), chia đường đánh đồn Bình Than, cửa Hàm Tử, chặn đường qua lại ở Tam Giang và đánh phá ngoại vi Đông Quan.

Minh Thành Tổ sai Mộc Thạnh, Lưu Tuấn mang 4 vạn quân sang tiếp viện. Thạnh họp với Lữ Nghị ở Đông Quan, tập trung ở bến Bô Cô (Nam Định). Ngày 30 tháng 12 năm 1408, quân Hậu Trần đánh bại quân Minh một trận oanh liệt, giết chết thượng thư bộ binh Lưu Tuấn, đô đốc Lữ Nghị, tham chính ty bố Giao Chỉ là Lưu Dục, đô chỉ huy sứ Liễu Tông và 10 vạn quân Minh. Mộc Thạnh dẫn tàn quân chạy vào thành Cổ Lộng. Giản Định Đế muốn thừa cơ đánh ngay vào lấy Đông Quan, nhưng Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đều có chủ trương đánh xong số quân địch còn sót lại rồi mới tiến. Vua tôi bàn mãi chưa quyết định được, viện binh quân Minh ở Đông Quan đã tiếp ứng cho Mộc Thạnh chạy về cố thủ Đông Quan. Đặng Tất chia quân vây các thành và gửi hịch đi các lộ kêu gọi hưởng ứng đánh quân Minh. Do bất đồng về sách lược, vua Giản Định không bằng lòng với ông và Đặng Tất.

Tháng 3 năm 1409, nghe theo lời gièm pha, vua Giản Định sợ uy tín của hai người quá cao, lại nghi ngờ hai tướng "có ý khác" vì hai người từng làm quan cho nhà Hồ nên sai triệu hai tướng đến rồi sai võ sĩ bóp cổ giết chết Đặng Tất. Nguyễn Cảnh Chân chạy lên bờ cũng bị đuổi theo chém chết. Hai người con hai ông là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bất bình vì cha bị giết oan, bỏ đi lập Trần Quý Khoáng làm vua, tức là Trần Trùng Quang Đế. Quân Hậu Trần mất đi hai tướng giỏi, thế lực dần dần suy yếu và cuối cùng bị quân Minh đánh bại hoàn toàn năm 1413.

Con đường

Tại Tp.HCM: nối đường Nguyễn Trãi với Võ Văn Kiệt - q. 1

Tại Bình Định: nối đường Phạm Văn Lân với Võ Văn Tần - TP. Quy Nhơn

Tại Hà Nội: nối đường Phan Đình Phùng với Hoàng Văn Thụ - q. Ba Đình




Đặng Tất - 鄧悉 (1357 -1409) quê ở Hà Tĩnh, làm chức châu phán Hóa châu dưới triều nhà Hồ.

Cuộc đời

Đặng Tất là người làng Tả Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, Nghệ An châu nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông thi đậu Thái học sinh thời nhà Trần và được bổ làm tri phủ Hoá Châu nay là vùng Hải Lăng, Quảng Trị. Sau đó lại chuyển đến huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

Năm 1391, Hồ Quý Ly bổ dụng Đặng Tất thay thế, giữ chức châu phán; Hoàng Hối Khanh người An Định, Thanh Hóa, làm Chánh hình viện đại phu ở Hóa châu. Nhân lúc nhà Hồ chưa ổn định, Chiêm Thành quấy rối phía nam. Hồ Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh làm Tuyên uý sứ trấn thủ cả vùng Thăng Hoa. Đến Thăng Hoa, Hối Khanh chọn Đặng Tất, Phạm Thế Căng và Nguyễn Lỗ giúp việc cho mình. Đặng Tất và Nguyễn Lỗ mâu thuẫn với nhau vì công trạng. Nhà Minh năm 1406 đem quân sang xâm chiếm nước Đại Ngu, họ Hồ thất bại, 2 cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương đều bị bắt, Đặng Tất xin với Trương Phụ cho làm quan cai trị Hóa Châu, Chiêm Thành dẫn quân rút về. Đặng Tất đưa người đón Hoàng Hối Khanh về, đến cửa biển Đan Thai, Hoàng Hối Khanh tự vẫn, Trương Phụ chặt đầu đem bêu ở chợ Đông Đô. Năm 1407, Trương Phụ và Mộc Thạnh dẫn quân về nước, để viên giữ ti Đô chỉ huy sứ là Lữ Nghị và viên giữ hai ti Bố chính và Án sát là Hoàng Phúc ở lại trấn thủ Đại Việt.

Tháng 11 năm 1407, tôn thất nhà Trần là Trần Ngỗi xưng đế ở xã Yên Mô (Ninh Bình), tức là Giản Định Đế, lập ra nhà Hậu Trần, khởi binh chống quân Minh. Quân Hậu Trần mới họp, chưa đánh đã tự tan vỡ, vua phải chạy vào Nghệ An. Nghe tin đó, Đặng Tất lúc này đang làm Đại tri châu ở Hóa châu bèn giết quan lại nhà Minh ở Hoá châu và mang quân ra Nghệ An theo Trần Giản Định đế, lại dâng con gái cho Giản định đế, Giản Định đế phong làm Quốc công. Nguyễn Cảnh Chân và nhiều tướng khác cũng mang quân đến họp, thế quân Hậu Trần mạnh lên.

Đầu năm 1408, theo kiến nghị của Đặng Tất, Giản Định Đế điều quân đánh Nghệ An và Diễn Châu, tiêu diệt lực lượng của hai quý tộc nhà Trần cũ là Trần Thúc Dao và Trần Nhật Chiêu theo hàng quân Minh trấn giữ. Tháng 5 năm 1408, Đặng Tất cùng Giản Định đế từ Hoá châu ra đánh chiếm lại Nghệ An. Tân Bình vẫn do Phạm Thế Căng chiếm giữ. Thế Căng cậy quyền hống hách, tự xưng là Duệ Vũ đại vương. Tháng 7 năm 1408, Đặng Tất mang quân vào đánh Tân Bình, phá tan quân Thế Căng ở cửa Nhật Lệ, bắt giết Căng và cháu là Đống Cao. Quân Hậu Trần làm chủ từ Nghệ An tới Thuận Hoá. Tháng 12, 1408, Giản Định đế Trần Ngỗi sai Đặng Tất điều động quân ở các lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu và Thanh Hóa, tiến ra đánh thành Đông Đô. Khi quân Hậu Trần kéo đến Tràng An, quan thuộc cũ cùng hào kiệt các nơi rủ nhau hưởng ứng vui theo, Đặng Tất đều tùy theo tài năng từng người trao cho quan chức. Lòng người phấn khởi, thế quân Hậu Trần mạnh thêm.

Quân Hậu Trần tiến quân ra Bắc, đánh bại Mộc Thạnh ở trận Bô Cô, Mộc Thạnh chạy rút vào thành Cổ Lộng. Giản Định đế muốn thừa cơ đánh ngay vào lấy Đông Quan, nhưng Đặng Tất lại chủ trương đánh xong số quân địch còn sót lại rồi mới tiến. Vua tôi bàn mãi chưa quyết định được, viện binh quân Minh ở Đông Quan đã tiếp ứng cho Mộc Thạnh chạy về cố thủ Đông Quan. Đặng Tất chia quân vây các thành và gửi hịch đi các lộ kêu gọi hưởng ứng đánh quân Minh.

Tháng 2, năm 1409, người hoạn giả Nguyễn Quỹ và học sinh Nguyễn Mộng Trang nói kín với Đế Ngỗi rằng: Tất và Cảnh Chân chuyên quyền bổ dụng người này, cất chức người khác, nếu không liệu tính sớm đi, sau này khó lòng mà chế phục được. Giản Định đế tin lời, chu sư của Giản Định đế tiến đến đóng ở Hoàng Giang, cho triệu hai người ấy đến, Giản Định đế sai người đánh chết Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân chạy lên bờ, lực sĩ đuổi theo chém chết. Con của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bực tức vì cha mình vô tội mà chết, bèn đem binh lính Thuận Hóa về Thanh Hóa, rước Trần Quý Khoáng về Nghệ An, lập làm vua, tức vua Trùng Quang.

Con đường

Tại Hà Nội: nối đường Quán Thánh với Phan Đình Phùng - q. Ba Đình

Tại Đắk Lắk: nối đường Phạm Phú Thứ với Nguyễn Chí Thanh - TP. Buôn Ma Thuột

Tại Tp.HCM: nối đường Nguyễn Văn Nguyễn với Trần Nhật Duật - q. 1


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.