DNQTĐ: Trần Nguyên Đán và Nguyễn Phi Khanh
Trần Nguyên Đán - 陳元旦, (1325/1326? - 20/12/1390) hiệu Băng Hồ, là tôn thất nhà Trần, dòng dõi Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Làm quan tới Tư đồ dưới thời các vua Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và Trần Phế Đế, tước Chương Túc quốc thượng hầu. Nguyên Đán là người hiền từ, nho nhã, có phong cách của bậc quân tử thời xưa
Cuộc đời
Đời vua Trần Dụ Tông (1341 -1369), ông được bổ nhiệm chức Đại phu Ngự sử đài, chuyên việc can gián. Tháng 10 âm lịch năm 1370, ông cùng Cung Định vương Trần Phủ (tức Trần Nghệ Tông sau này), Cung Tuyên vương Trần Kính (tức Trần Duệ Tông sau này), Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hội ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa để dấy quân chống Dương Nhật Lễ. Tháng 2 âm lịch năm 1371, sau khi lật đổ Dương Nhật Lễ, ông được Trần Nghệ Tông phong làm Tư đồ.
Tháng 10 âm lịch năm 1375, vua Trần Duệ Tông sai ông coi việc quân trấn Quảng Oai. Tháng 7 âm lịch năm 1385 thời Trần Phế Đế, tư đồ Chương Túc Quốc thượng hầu Nguyên Đán trí sĩ lui về Côn Sơn (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) ở ẩn, gửi cho các bạn làm quan bài thơ, có câu rằng: Kim cổ hưng vong chân khả giám, Chư công hà nhẫn gián thư hy? (nghĩa: Còn mất xưa nay gương đã rõ, Các ông sao nỡ vắng thư can?). Thượng hoàng Nghệ Tông thường ngự đến nhà riêng của ông để thăm bệnh và hỏi việc sau này. Nhưng Nguyên Đán đều không nói gì, chỉ thưa: "Xin bệ hạ kính nước Minh như cha, yêu Chiêm Thành như con, thì nước nhà vô sự. Tôi dầu chết cũng được bất hủ".
Ông mất ngày 14 tháng 11 âm lịch năm 1390 thời Trần Thuận Tông. Thượng hoàng Nghệ Tông có làm bài thơ đề trên mộ ông.
Tác phẩm
Ông có tập thơ tên là Băng Hồ, có vài quyển (Theo Nghệ văn chi của Lê Quý Đôn thì Trần Nguyên Đán soạn Băng Hồ ngọc hác tập, 10 quyển), truyền ở đời, là cảm thời thế mà làm ra. Hiện nay còn 51 bài chép trong "Toàn Việt thi lục".
Cùng với Đặng Lộ, ông là một trong những người đặt nền móng sơ khai cho ngành Thiên văn học ở Việt Nam. Ông đã soạn ra cuốn "Bách thế thông kỉ thư" trong đó ghi chép các nhật nguyệt thực và chuyển động của 5 hành tinh (Thủy, Kim, Hỏa, Mộc, Thổ) từ thời Hồng Bàng đến thời Lý, Trần. Tiếc rằng cuốn sách quý này đã bị giặc Minh đốt phá vào đầu thế kỉ XV.
Con đường
Tại Hà Nội: nối đường Trần Điền với Định Công - Q. Hoàng Mai
Tại Huế: nối đường Ông Ích Khiêm với Triệu Quang Phục - TP. Huế
Tại Long Xuyên: từ đường Hà Hoàng Hổ đến hết đường - P. Đông Xuyên
Tại TP. HCM: nối đường Trần Quang Khải với Phan Xích Long - quận 1, Q. Phú Nhuận, Bình Thạnh
Nguyễn Phi Khanh - 阮飛卿 (1355 - 1428), ông có tên thật là Nguyễn Ứng Long (阮應龍) là Hàn lâm học sĩ nhà Hồ và là cha của Nguyễn Trãi - một công thần khai quốc nhà Hậu Lê.
Cuộc đời
Quan tư đồ Trần Nguyên Đán thấy Ứng Long, khi đó 19 tuổi, học giỏi nên yêu mến và mời về dạy cho con gái mình là Trần Thị Thái, nhưng sau đó hai người yêu nhau. Khi sự việc bại lộ thì Ứng Long bỏ trốn, Trần Nguyên Đán phải cho người đi tìm Ứng Long về gả con gái đang mang thai cho ông. Sau Hán Anh làm quan đến chức Chuyển vận. Ứng Long đến nhà Hồ được cất nhắc sử dụng, đổi tên là Phi Khanh (Phi Khanh sinh ra Trãi, cũng đỗ thái học sinh). Ông từng thi đỗ Nhị giáp tiến sĩ năm 1374 nhưng không được triều đình bổ dụng nên về quê dạy học.
Đến khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, ông đã ra làm quan cho nhà Hồ dưới triều Hồ Hán Thương, được bổ nhiệm giữ chức Hàn lâm học sĩ rồi lần lượt thăng lên Thống chương Đại phu, Đại lý tự khanh kiêm Trung thư Thị lang, Tư nghiệp Quốc tử giám. Năm 1407, khi quân nhà Minh xâm lược nước Việt, Nguyễn Phi Khanh tham gia Chiến tranh Minh - Đại Ngu, sau đó đầu hàng và bị giải về Trung Quốc. Nguyễn Trãi khóc chạy theo cha ra đến ải Nam Quan. Phi Khanh quay lại bảo Nguyễn Trãi quay về Thăng Long nuôi chí diệt giặc mới là làm tròn đại hiếu. Quả nhiên sau này Nguyễn Trãi đã theo Lê Lợi đánh bại được quân Minh.
Nguyễn Phi Khanh mất tại Trung Quốc, thọ 73 tuổi. Quan thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc do cảm ân nghĩa Nguyễn Trãi đã tha chết khi quân Minh thua trận nên tìm cách cho con ông là Nguyễn Phi Hùng (em Nguyễn Trãi) đưa hài cốt về an táng tại núi Đá Bạc. Người đời sau gọi núi đó là núi Báo Ân hay núi Báo Đức, hoặc còn gọi là núi Báo Vọng, thuộc Chí Linh, Hải Dương ngày nay. Mộ chí nay vẫn còn
Con đường
Tại Tp.HCM: nối đường Trần Quang Khải với Đinh Tiên Hoàng - Q. 1
Tại Long Xuyên - An Giang: nối đường Lê Văn Hưu với Trần Hữu Trang - P. Mỹ Long
Tại Đà Nẵng: nối đường Thi Sách với Nguyễn Tri Phương - Q. Hải Châu
Tại Hà Nội: nối đường Trực Nguyên với Thượng Phúc - Thường Tín
Thiên Linh
Không có nhận xét nào: