DNQTĐ: Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật

Trần Nhật Duật - 陳日燏 (1255 – 1330), được biết qua tước hiệu Chiêu Văn vương (昭文王) hay Chiêu Văn đại vương (昭文大王), là một nhà chính trị, quân sự Đại Việt thời Trần. Ông là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, đặc biệt là chiến thắng Hàm Tử, công lao hiển hách không thua kém Trần Quốc Tuấn hay Trần Quang Khải.

Cuộc đời

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật sinh vào tháng tư năm Ất Mão (1255), là con trai thứ sáu của Trần Thái Tông, người đời ấy thường gọi là Ông hoàng Sáu hoặc Hoàng lục tử.

Tháng 8 âm lịch năm 1267, Trần Nhật Duật được Thánh Tông phong làm Chiêu Văn vương. Trần Nhật Duật nổi tiếng là người hiểu nhiều biết rộng, rất tôn sùng Đạo giáo, thâm sâu kinh điển Đạo gia. Ông còn thông thạo nhiều ngoại ngữ và hiểu biết sâu rộng về các nước láng giềng. Học tiếng Tống và tiếng Chiêm Thành, Nhật Duật chẳng những sử dụng thành thạo các ngôn ngữ ấy mà còn am hiểu nhiều mặt của các nước đó, kể cả phong tục tập quán của họ.

Ngoài 20 tuổi, Trần Nhật Duật đã được triều đình giao đặc trách những công việc về các dân tộc có liên quan. Năm 1280, chúa đạo Đà Giang là Trịnh Giác Mật nổi lên nổi lên cự lại triều đình. Vua Trần Nhân Tông phái Trần Nhật Duật trông coi đạo Đà Giang, chiêu dụ Trịnh Giác Mật đầu hàng. Lúc Nhật Duật tới nơi, quân Giác Mật liền dàn thành hai ba lớp vòng vây, ai nấy đều mang gươm giáo. Ông vẫn ung dung tiến thẳng vào trại, nói chuyện với người bộ tộc bằng chính phong tục và ngôn ngữ của họ. Ông còn uống rượu bằng mũi và ăn bốc tay không với Trịnh Giác Mật. Người bộ tộc thấy vậy tỏ ra quý mến. Sau khi Nhật Duật về quân doanh, Giác Mật dẫn cả nhà đến xin quy phục.

Cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 1285, Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra vùng Bố Chính (Quảng Bình ngày nay) rồi tiến ra Nghệ An. Trần Nhật Duật và Trịnh Đình Toản tung quân chống đánh, nhưng thua trận. Toa Đô lại đánh ra Thanh Hóa. Tướng giữ Thanh Hóa là Chương Hiến hầu Trần Kiện mang 1 vạn quân ra đón hàng quân Nguyên. Tháng 5 năm 1285, sau cuộc rút lui chiến lược về Thiên Trường (tháng 2 năm 1285), và vào Thanh Hoá (tháng 4 năm 1285), vua tôi nhà Trần bắt đầu mở cuộc phản công vào các cứ điểm quan trọng của quân Nguyên tại vùng Khoái Châu, Hưng Yên. Trận quyết chiến tại cửa Hàm Tử diễn ra vào cuối tháng 5 năm 1285, 5 vạn quân do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chỉ huy, đã nhanh chóng giành thắng lợi.

Ngày 9 tháng 3 âm lịch năm 1293, thượng hoàng Trần Nhân Tông truyền ngôi cho thái tử Thuyên, tức vua Trần Anh Tông. Tháng 2 âm lịch năm 1297, Anh Tông sai Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đánh dẹp cuộc nổi dậy ở sách A Lộc. Tháng 1 âm lịch năm 1302, vua Anh Tông phong ông làm Thái úy Quốc công, cùng Thống chính thái sư Trần Đức Việp và Nhập nội bình chương Trần Quốc Chẩn trông coi việc nước.

Ngày 21 tháng 8 âm lịch năm 1300, hoàng tử thứ 4 là Trần Mạnh ra đời. Do các hoàng tử trước đó đều khó nuôi, Anh Tông đã nhờ Thụy Bảo công chúa, Thụy Bảo cho rằng mình đang gặp vận rủi, nên đã trao hoàng tử cho anh là Trần Nhật Duật nuôi. Năm 1305, Trần Mạnh được phong làm hoàng thái tử. Khi Trần Anh Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành vào tháng 11 âm lịch năm 1311 – tháng 5 âm lịch năm 1312, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã cùng với thái tử Mạnh và Nghi Võ hầu Quốc Tú ở lại giám quốc. Trận này quân Đại Việt thắng lớn, bắt được vua Chiêm là Chế Chí về kinh sư. Vua Anh Tông không ban thưởng các tướng thắng trận vì cho là công của những người giám quốc như Trần Nhật Duật cũng rất lớn, không thua các tướng trận.

Năm 1314, Trần Anh Tông nhường ngôi cho thái tử Mạnh, tức vua Trần Minh Tông. Tháng 4 âm lịch năm 1324, Minh Tông phong Trần Nhật Duật làm Tá thánh Thái sư. Đến ngày 7 tháng 2 âm lịch năm 1329, Minh Tông truyền ngôi cho thái tử Vượng, tức vua Trần Hiến Tông. Hiến Tông thăng Nhật Duật lên tước Chiêu Văn Đại vương.

Năm 1330, đời Trần Hiến Tông, Chiêu Văn Đại vương Nhật Duật qua đời, hưởng thọ 75 tuổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần. Tài năng, đức độ, sự nghiêm minh ngay thẳng của ông cũng như các tướng văn, võ trong thân tộc nhà Trần cùng thế hệ với ông (Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải...) góp phần không nhỏ vào sự tồn tại và hưng thịnh của nước Đại Việt thời nhà Trần.

Con đường 

Tại Hà Nội: nối cầu Long Biên với cầu Chương Dương - q. Hoàn Kiếm 

Tại Tp.HCM: nối đường Hoàng Sa với Trần Quang Khải - q. 1

Tại Quảng Nam: từ đường Nguyễn Duy Hiệu đến hết đường - TP. Hội An

Tại Long Xuyên: nối đường Trần Hưng Đạo với Thoại Ngọc Hầu - p. Mỹ Long 


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.