DNQTĐ: Nguyễn Biểu và Nguyễn Suý

Nguyễn Biểu - 阮表 (1350? - 1413), là tướng nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam, quê ở quê làng Bình Hồ (nay thuộc xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Cuộc đời

Ông đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) cuối thời Trần, làm quan đến chức Điện Tiền Thái sử (Ngự Sử). Khi quân nhà Minh xâm lược Đại Ngu, ông đã phò vua Trùng Quang Đế tổ chức cuộc kháng chiến.

Năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, Trùng Quang Đế chạy vào Hóa Châu, sai ông đi sứ giảng hoà, gặp Trương Phụ xin cầu phong, thực hiện kế hoãn binh, kéo dài thời gian để cho Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị xây dựng binh lực. Trương Phụ tiếp sứ thần rất khinh bạc, ngạo mạn, sai quân dọn ra một mâm cỗ chỉ có một cái đầu người luộc chín, ép Nguyễn Biểu ăn để thị oai.

Nguyễn Biểu ung dung ngồi vào mâm, nói rằng: "Mấy thuở được ăn thịt người phương Bắc!", lấy đũa khoét đôi mắt, chấm muối ăn. Vừa ăn, vừa ngâm bài thơ Cỗ đầu người:
Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi
Gia hào thêm có cỗ đầu người
Nem cuông chả phượng còn thua béo
Thịt gụ gan lân cũng kém tươi
Ca lối lộc minh so cũng một
Đọ bề vàng sắt bội hơn mười
Kia kìa ngon ngọt tày vai lợn
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời
Trương Phụ cũng phải kính phục, toan tha cho ông về. Hàng tướng là Phan Liêu lúc ấy tâu với Trương Phụ rằng Nguyễn Biểu nói: "Năng sảm nhân đầu, năng sảm Phụ". Trương Phụ giận lắm, đưa câu ấy ra bắt ông phải đối lại. Đối được mới cho về, không đối được thì chém. Nguyễn Biểu đối lại rằng: "Hựu tồn ngô thiệt, hựu tồn Trần". Trương Phụ giận lắm, đổi ý không tha nữa, lại sai cắt lưỡi của ông.

Kế đó, Trương Phụ sai trói ông vào chân cầu, để cho nước thủy triều lên cao dìm chết. Tương truyền ở dưới chân cầu ông dùng móng tay vạch vào thân cầu tám chữ: "Thất nguyệt, thập nhất nhật Nguyễn Biểu tử" (Nguyễn Biểu tử tiết ngày 11 tháng 7).

Con đường

Tại Hà Nội: nối đường Trấn Vũ với Phan Đình Phùng - Q. Ba Đình

Tại Tp.HCM: nối đường Nguyễn Trãi với Võ Văn Kiệt - quận 5

Tại Khánh Hoà: nối đường Phan Phu Tiên với Phạm Văn Đồng - TP. Nha Trang

Tại Long Xuyên: nối đường Hà Hoàng Hổ với Trần Quốc Tảng - p. Đông Xuyên 



Nguyễn Suý - 阮帥, (?-1414) là tướng nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam. Sử sách không chép rõ về quê quán của ông.

Cuộc đời

Sau biến cố trên sông Hoàng Giang tháng 3 năm 1409 - Giản Định Đế (vua Hưng Khánh) giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân - các con của hai ông là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bỏ đi, đón Trần Quý Khoáng (cháu nội Trần Nghệ Tông và gọi Giản Định Đế là chú) ra làm vua tại Chi La, Nghệ An, tức là Trùng Quang Đế. Để tránh tình trạng phân tán lực lượng, Trùng Quang Đế sai Nguyễn Suý mang quân đánh úp bắt Giản Định Đế về. Giản Định Đế đang giữ thành Ngự Thiên (Thái Bình) chống quân Minh thì Nguyễn Suý đánh úp bắt mang về.

Ngày 4 tháng 7 âm lịch năm 1409, mẹ Giản Định Đế cùng các tướng Lê Tiệt, Lê Nguyên Đỉnh ngầm khởi binh ở sông Hát để đánh úp Trùng Quang Đế, giành lại quyền hành cho vua Giản Định nhưng bị Nguyễn Trạo tiết lộ. Trùng Quang Đế bèn bắt giết Tiệt và Đỉnh. Ngày 20 tháng 4, Nguyễn Suý rước Trần Ngỗi (Giản Định Đế) về với Trùng Quang Đế, Trùng Quang Đế tôn lên ngôi thái thượng hoàng. Quân Minh sau trận đại bại ở Bô Cô, Mộc Thạnh phải chạy về cố thủ ở thành Đông Quan. Tháng 7 năm 1409, thượng hoàng và vua Trùng Quang chia quân hai đường đánh quân Minh. Thượng hoàng Trần Ngỗi đóng ở Hạ Hồng (Ninh Giang), Trùng Quang đế đóng ở Bình Than. Quân Minh cố thủ không dám ra đánh.

Trương Phụ mang quân tới tiếp viện thế quân Minh lại lên. Trần Ngỗi bỏ thuyền lên bờ, chạy về trấn Thiên Quan. Trùng Quang Đế ngờ thượng hoàng có ý tách lực lượng riêng nên sai Nguyễn Suý đuổi theo nhưng không kịp. Trương Phụ mang quân đuổi theo bắt được Trần Ngỗi, sai giải về Kim Lăng (Trung Quốc) và sát hại. Tháng 8, Trùng Quang Đế cầm cự với Trương Phụ ở Bình Than, lệnh cho Đặng Dung giữ cửa Hàm Tử. Dò biết quân Hậu Trần thiếu lương thực nên Đặng Dung phải chia quân đi gặt lúa, Trương Phụ dùng thủy quân đánh cửa Hàm Tử, quân của Dung tan vỡ. Sau hai thất bại liên tiếp ở cửa sông Thần Đầu và châu Ngọc Ma, cuối năm 1410 quân Minh lại thắng quân Hậu Trần tại Đông Hồ. Quân nhà Trần thua phải chạy về Nghệ An.

Tháng 9 năm 1411, Nguyễn Suý cùng Trùng Quang Đế chia đường tiến đến cửa biển, bắt được tên chỉ huy Nguyễn Chính người địa phương ở Bài Lâm, chém bêu đầu rồi rút quân về. Tháng 6 năm 1412, Nguyễn Súy cùng các tướng Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung đụng đầu quân Minh do Trương Phụ và Mộc Thạnh chỉ huy ở Mô Độ (Nghệ An). Hai bên liều chết đánh nhau chưa phân thắng bại, thì Nguyễn Súy và Cảnh Dị nản lòng vượt biển chạy, Hồ Bối bỏ thuyền lên bờ. Đặng Dung thế cô, không có cứu viện, liền đi thuyền nhẹ vượt biển trốn đi.

Tháng 4 năm 1413, Trương Phụ lại đánh vào Nghệ An. Trùng Quang Đế rút về Hóa Châu. Tháng 9, Nguyễn Súy đánh nhau với Trương Phụ ở kênh Sái Già (sông Ái Tử). Quân hai bên đang cầm cự nhau, Đặng Dung mai phục binh tượng, nửa đêm đánh úp doanh trại Phụ. Dung nhảy lên thuyền của Phụ, định bắt sống Phụ nhưng không nhận ra. Phụ đi thuyền nhỏ trốn chạy. Quân Minh tan vỡ đến một nửa, thuyền bè, khí giới bị đốt phá gần hết, nhưng Nguyễn Súy không phối hợp cùng đánh. Trương Phụ thấy quân của Dung ít, quay lại đánh. Quân của Đặng Dung thua chạy. Tháng 10, Trương Phụ cho đô đốc Hoàng Trung đi dò trước, chặn ở thượng lưu. Nguyễn Súy sai ba thích khách, đội cỏ xuôi dòng đến thuyền của Phụ. Một người trèo lên mũi thuyền, hai người trèo lên đuôi thuyền. Phụ biết, bắt được hai người, giết một người, thả một người, lại còn cho tiền bạc. Việc làm đó của Phụ khiến lung lạc ý chí chiến đấu của quân Hậu Trần. Tháng 11, Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung bị Trương Phụ nhà Minh bắt sống. Cảnh Dị mắng Phụ nên bị giết. Từ khi thua trận đó, Trùng Quang Đế thế quá yếu không thể chống với quân Minh được nữa, phải vào ẩn núp ở trong rừng núi Lão Qua còn Nguyễn Suý chạy sang Minh Linh. Chẳng bao lâu, tháng 12 năm 1413, Nguyễn Suý cùng vua Trần và các tướng đều bị bắt. Người Thuận Hóa đều hàng. Nhà Hậu Trần mất.

Tháng 4 năm 1414, Trương Phụ, Mộc Thạnh, Trần Hiệp đem Trùng Quang Đế, Nguyễn Súy và Đặng Dung về Đông Quan rồi sai người giải về Yên Kinh. Đi đến giữa đường, Trùng Quang Đế nhảy xuống biển tự tử, Đặng Dung cũng tự sát. Riêng Nguyễn Suý không muốn hàng giặc nhưng cũng không tự sát ngay. Ông tìm cách làm thân với viên quan áp giải mình, được cùng người đó đánh cờ. Nhân thời cơ thuận lợi, Nguyễn Suý cầm bàn cờ đập chết viên áp giải rồi mới nhảy xuống sông tự vẫn.

Con đường

Tại Tp.HCM: nối đường Gò Dầu với Tân Hương - q. Tân Phú 


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.