DNQTĐ: Hồ Tông Thốc - Hàn Thuyên - Lý Tế Xuyên

Hồ Tông Thốc - 胡宗簇 (? - ?) là một vị quan, nhà sử học của Việt Nam vào thời vua Trần Nghệ Tông. Ông làm quan cho triều Trần tới chức Hàn Lâm học sĩ phụng chỉ kiêm Thẩm hình viện sứ, soạn các bộ sách sử như Việt Nam thế chí (1 bộ); Việt sử cương mục (1 bộ), nay đã thất lạc, mất năm 80 tuổi.

Cuộc đời

Hồ Tông Thốc hay Hồ Tôn Thốc là người ở Sĩ Thành (nay là xã Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An). Hồ Tông Thốc tuổi trẻ đã đỗ cao, có tài danh. Khi chưa nổi danh, gặp tết Nguyên tiêu, có đạo nhân là Lê Pháp Quan treo đèn đặt tiệc, mời khách văn chương đến dự làm vui. Hồ Tông Thốc nhận thiếp xin đề thơ, làm xong trăm bài thơ ngay trên bữa tiệc. Mọi người xúm lại xem, rất thán phục. Từ đấy tiếng dậy kinh sư, vì giỏi văn học nên được người đương thời kính trọng.

Dưới triều vua Trần Nghệ Tông, năm 1372, Hồ Tông Thốc được làm Hàn Lâm viện học sĩ. Trước kia Hồ Tông Thốc làm An phủ, có lấy của dân, việc bị phát giác, vua Trần Nghệ Tông thấy làm lạ hỏi ông chuyện đó. Tông Thốc lạy tạ thưa rằng: Một con chịu ơn vua, cả nhà ăn lộc trời, vua tha tội cho. Sau ông được thăng nhiều lần, năm 1386 được phong làm Hàn Lâm học sĩ phụng chỉ kiêm Thẩm hình viện sứ. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Hồ Tông Thốc chết khi 80 tuổi, không rõ năm bao nhiêu.

Các sách của Hồ Tông Thốc đã bị nhà Minh tịch thu đem về Kim Lăng, nay đã mất, bao gồm: Thảo nhàn hiệu tần (1 quyển); Việt Nam thế chí (1 bộ); Việt sử cương mục (1 bộ) và một số bài thơ: Thị ý, Đề Hạng Vương từ (2 bài), Du Động Đình họa Nhị Khê,...

Con đường

Tại Nghệ An: nối đường Nguyễn Trãi với Trương Văn Vĩnh – tph. Vinh

Tại Đà Nẵng: nối đường Lê Khôi với Nguyên phi Ỷ Lan – quận Hải Châu




Hàn Thuyên - 韓 詮 (1229 - ?), tên thật là Nguyễn Thuyên (阮詮), làm tới chức Thượng thư Bộ Hình dưới thời Trần Nhân Tông. 

Cuộc đời

Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định rõ quê gốc của ông. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1247. Mùa thu năm Nhâm Ngọ 1282, khi quân Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2; bấy giờ có cá sấu đến sông Hồng. Vua sai Thuyên làm văn ném xuống sông, con cá sấu tự nhiên đi mất. Vua xem việc này giống như việc Hàn Dũ (đời nhà Đường - Trung Quốc), cho đổi họ là Hàn Thuyên.

Hàn Thuyên giỏi thơ Nôm. Ông được xem là người phát triển, phổ biến chữ Nôm của Việt Nam. Ông là người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm, nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn luật. Những đổi mới của Hàn Thuyên đã mở ra một phương hướng tìm tòi và sáng tạo tích cực trong quá trình phát triển nền văn học viết bằng chữ Nôm. Với những đóng góp mang tính đề cao bản sắc dân tộc ấy, Hàn Thuyên được xem là nhà văn hóa đáng ghi nhớ

Con đường

Tại TP.HCM: 
- Nối đường Công xã Pari với Nam Kỳ khởi nghĩa – quận 1
- Nối đường Đoàn Kết với Nguyễn Văn Bá - TP. Thủ Đức
- Nối đường kênh Trung Ương với Vĩnh Lộc - Bình Chánh

Tại Hà Nội: nối đường Trần Hưng Đạo với Hàm Long – quận Hoàn Kiếm

Tại Đà Nẵng: nối đường Lương Nhữ Hộc với 30/4 – quận Hải Châu



Lý Tế Xuyên - 李濟川 (? - ?), là một danh sĩ sống vào khoảng cuối thế kỷ 13 đến đầu thế kỷ 14 trong lịch sử Việt Nam.

Sách vở biên chép về Lý Tế Xuyên rất ít, ngay cả quê quán của ông cũng ghi là chưa rõ.

Lý Tế Xuyên giữ chức Thủ đại tạng thư Hỏa chính trưởng trung phẩm, Phụng ngự, An Tiêm lộ chuyển vận sứ thời vua Trần Hiến Tông (ở ngôi: 1329-1341, đặt niên hiệu là Khai Hựu) và là chuyển vận sứ lộ An Tiêm (Thanh Hóa).

Theo Đại Việt thông sử và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí (Văn tịch chí) của Phan Huy Chú, thì Lý Tế Xuyên chính là tác giả của sách Việt điện u linh tập. Cuốn sách này gồm 27 thiên, chia làm 3 mục (Nhân quân, Nhân thần, Hạo khí) kể về công tích 27 vị thần được thờ trong các đền miếu thời Lý -Trần. Sau, có nhiều người ở đời Hậu Lê ra công tục biên, thành ra sách có đến 4 quyển, gồm 41 truyện

Con đường

Tại TP. HCM: nối đường Bình Phú với Linh Đông – TP. Thủ Đức

Tại Bình Định: nối đường Lê Cơ với Võ Thị Sáu - TP. Quy Nhơn

Tại Đà Nẵng: nối đường Trần Văn Đang với Nguyễn Nho Tuý – quận Cẩm Lệ



Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.