DNQTĐ: Hồ Quý Ly
Hồ Quý Ly - 胡季犛; (1336 – ?), lấy tên húy Hồ Nhất Nguyên, là vị hoàng đế đầu tiên của nhà nước Đại Ngu trong lịch sử Việt Nam.
Cuộc đời
Hồ Quý Ly trước có tên là Lê Quý Ly (黎季犛), biểu tự Lý Nguyên (理元). Ông sinh năm Ất Hợi (1335), quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Hồ Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Huấn, khi lên làm vua thì đổi lại họ Hồ. Hồ Quý Ly thuở nhỏ theo học võ Nguyễn Sư Tề, sau đỗ thi Hương, rồi đỗ khoa Hoành từ.
Năm 1370, người con thứ ba của vua Trần Minh Tông liên kết với các tôn thất và các quan làm binh biến, các tướng đem quân hàng, rốt cuộc bắt được Nhật Lễ, lên làm vua, tức Trần Nghệ Tông. Do là anh em bên ngoại nên Hồ Quý Ly được vua Nghệ Tông tín nhiệm. Năm 1371, Quý Ly được làm Khu mật viện đại sứ và được vua gả em gái vừa góa chồng là công chúa Huy Ninh cho. Tháng 8 năm năm 1371, vua Nghệ Tông sai Quý Ly đi tới Nghệ An để chiêu tập dân chúng, vỗ về biên giới, đến tháng 9, gia phong làm Trung Tuyên Quốc thượng hầu.
Tháng 11 năm 1372, Trần Nghệ Tông xuống chiếu nhường ngôi cho em là Trần Kính, tức là Trần Duệ Tông, còn bản thân lên làm Thái thượng hoàng. Trần Duệ Tông là con của Đôn Từ thái phi, cũng là cô của Lê Quý Ly. Trần Duệ Tông lấy Lê Quý Ly làm Tham mưu quân sự. Tháng 12 năm 1376, Duệ Tông cầm 12 vạn quân đánh Chiêm Thành. Tháng giêng năm 1377, quân Đại Việt tiến vào cửa Thi Nại (Quy Nhơn), đánh lấy đồn Thạch Kiều rồi tiến tới kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm. Quân Việt bị quân Chiêm phục kích, Duệ Tông tử trận. Lê Quý Ly bấy giờ đang đốc thúc quân tải lương, được tin Duệ Tông tử trận, sợ hãi, bỏ chạy về trước. Trong vòng chỉ hai năm (1377- 1378), quân Chăm Pa tiến công hai lần bằng đường biển, hai lần đều vào được thành Thăng Long giết người cướp của rồi rút về.
Năm 1379, Hồ Quý Ly được vua lấy làm Tiểu tư không kiêm Hành khu mật đại sứ như cũ. Khoảng từ 1380 - 1382, chiến thắng sông Ngu và cửa biển Thần Đầu trước quân Champa, Nguyễn Đa Phương được thăng làm Kim Ngô vệ đại tướng quân. Tháng 1 năm 1383, Trần Nghệ Tông ra lệnh cho Lê Quý Ly đem quân vào đến Lại Bộ Nương Loan (ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngày nay) nhưng gặp phải bão đánh nát mất nhiều thuyền chiến, vì vậy lại phải rút quân về.
Năm 1387, Hồ Quý Ly được thăng làm Đồng bình chương sự, Thượng hoàng ban cho một thanh gươm, một lá cờ đề tám chữ Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức, Quý Ly làm một bài thơ cảm tạ. Trần Nghệ Tông lập người con út là Chiêm Định Vương Ngung làm Hoàng đế, tức vua Trần Thuận Tông, vào năm 1388, đổi niên hiệu là Quang Thái, đại xá, tự xưng là Nguyên Hoàng. Một năm sau, vua lập con gái lớn của Quý Ly làm Hoàng hậu. Cùng năm đó, Hồ Quý Ly lấy người tâm phúc của mình là Phạm Cự Luận làm Thiêm Thư khu mật viện sự, Cự Luận tiến cử nhiều người tài giỏi cho Quý Ly.
Đến năm 1390, Chế Bồng Nga bị tướng Trần Khát Chân cho quân dùng súng bắn chết. Quan quân đánh đuổi tàn quân rồi cắt lấy đầu Chế Bồng Nga đem về dâng triều đình. Nghệ Tông thấy đầu Chế Bồng Nga, tự ví mình như Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ. Năm 1391, Lê Quý Ly đi tuần Hóa châu, xét duyệt quân ngũ, sai tướng coi quân Thánh Dực Hoàng Phụng Thế đánh quân Chiêm. Quân Chiêm mai phục, quân Thánh Dực tan vỡ, Phụng Thế đầu hàng, khi quân chạy về, Quý Ly sai chém 30 viên đội đội phó. Năm 1394, tháng 2, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông ban bức tranh tứ phụ cho Quý Ly.
Tháng 12, năm 1394, Thượng hoàng Nghệ Tông băng hà. Năm sau, Lê Quý Ly lên làm Nhập nội Phụ Chính Thái Sư Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc đại vương, đeo lân phù vàng. Ônh cho người dịch thiên Vô Dật, ra chữ Nôm để dạy Thuận Tông và tự xưng là Phụ Chính Cai Giáo hoàng Đế. Vua cho Quý Ly ở bên hữu sảnh, đài gọi là Họa lư. Năm 1396, Hồ Quý Ly đã cho phát thứ tiền giấy gọi là Thông bảo hội sao. Thay đổi cách thi tuyển, ban đầu thời Trần thi Thái học sinh chia ra thượng trại, hạ trại; thi Đình chia ra kinh, trại lấy đỗ Tam khôi, văn thể không xác định.
Năm 1397, Hồ Quý Ly làm phụ chính thái sư, đã sửa đổi chế độ hành chính, nhằm tăng cường tổ chức của các khu vực hành chính, chia cả nước làm lộ và trấn. Cùng năm, Quý Ly bức vua Trần dời đô vào Thanh Hóa, đặt Thăng Long (hay Đại La Thành) thành Đông Đô, gọi thành mới xây ở núi An Tôn thuộc Thanh Hóa là Tây Đô. Đến năm 1397, Quý Ly sai viên quan Đỗ Tỉnh đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, ý muốn di chuyển kinh đô về Thanh Hóa. Đến tháng 11, Quý Ly bức vua Thuận Tông dời kinh đô về Thanh Hóa, cung nhân Trần Ngọc Cơ và Trần Ngọc Kiểm nói mật với vua rằng dời đô thế nào cũng bị cướp ngôi, Quý Ly cho giết cả.
Năm 1398, Hồ Quý Ly bức vua Thuận Tông nhường ngôi cho Thái tử An, tức vua Trần Thiếu Đế, lúc ấy Thái tử mới còn 3 tuổi. Còn mình tự xưng Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương. Đến năm 1399, lại sai người giết vua Thuận Tông. Các tôn thất là Thái bảo Trần Nguyên Hãng, Thượng tướng quân Trần Khát Chân lập mưu giết Quý Ly, sự việc không thành, những người đồng mưu gồm 370 người đều bị giết.
Tháng 6, năm 1399, Quý Ly tự xưng làm Quốc Tổ Chương Hoàng, vào ở cung Nhân Thọ, điềm nhiên mặc áo vàng, ra vào hoàng cung theo lệ như hoàng đế, dùng 12 cái lọng vàng. Tháng 2, năm 1400, Quý Ly lúc ấy đã 64 tuổi, bức vua Trần nhường ngôi, buộc các quan và tôn thất ba lần dâng biểu khuyên lên ngôi. Quý Ly giả vờ ba lần từ chối. Rồi tự lập làm vua, đặt niên hiệu Thánh Nguyên, quốc hiệu Đại Ngu, đổi thành họ Hồ. Chưa được một năm, theo cách nhà Trần, ông nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương, làm Thái Thượng hoàng nhưng vẫn tự mình quyết đoán mọi công việc. Về phần Trần Thiếu Đế, do là cháu ngoại nên ông chỉ phế làm Bảo Ninh đại vương và giam lỏng.
Năm 1401, đặt ra kho thường bình, nghĩa là luôn luôn cân bằng, phát tiền giấy cho các lộ, theo giá cả mua thóc chứa vào kho, nhằm bình ổn giá thóc. 1400 - 1402, chiến tranh với Champa. Năm 1403, đặt ra chức thị giám tức người coi chợ, ban hành các đồ đo lường (cân, thước, đấu, thưng, định giá tiền giấy cho mua bán với nhau. Định lại các lệ thuế và tô ruộng
Cuối năm Bính Tuất (ngày 20 tháng 1 năm 1407) thành Đa Bang thất thủ, tuyến phòng ngự của Đại Ngu cũng tan vỡ nhanh chóng. Từ Đa Bang ngày 22 tháng 1 năm 1407, quân nhà Minh tràn xuống chiếm cố đô Thăng Long. Quân Đại Ngu lại một lần nữa rút lui xuống miền hạ lưu sông Hồng. Và sau một vài trận phản công thất bại, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đem theo các thuộc hạ chạy ra biển rồi vào Thanh Hóa. Đến Lỗi Giang (Mã Giang) quân Minh đuổi kịp, quân Hồ Quý Ly lại một phen tan tác. Hồ Quý Ly chạy vào Nghệ An. Quân Minh tiếp tục đuổi theo, đến Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cha con Hồ Quý Ly đều bị bắt. Lúc đó là tháng 6 năm Đinh Hợi (1407). Nhà Hồ trị vì đất nước từ năm Canh Thìn (1400) đến năm Đinh Hợi (1407), được trọn 7 năm thì sụp đổ.
Ông có để lại một số tác phẩm như: Quốc ngữ thi nghĩa (viết về chủ đề giáo dục, nay đã thất truyền), Minh đạo lục (sách lý thuyết, 14 thiên, nay đã thất truyền) và một số bài thơ như: Gửi Ngự sử Trung đô uý Đỗ Tử Trừng, Ký Nguyên quân (Gửi Nguyên quân - Trần Thuận Tông), Dục vấn An Nam sự (bài thơ trả lời người Minh về phong hoá nước Nam),...
Con đường
Tại Đà Nẵng: nối đường Nguyễn Xí với Nguyễn Tất Thành - Q. Liên Chiểu
Tại Long Xuyên: nối đường Phạm Cự Lượng với Lê Chân - P. Mỹ Quý
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu: nối đường Võ Thị Sáu với Phan Văn Trị - TP. Vũng Tàu
Tại Huế: nối hẻm 485 Chi Lăng với Nguyễn Gia Thiều - TP. Huế
Thiên Linh
Không có nhận xét nào: