DNQTĐ: Trần Quốc Tảng và Trần Quốc Uy

Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng - 興讓王 陳國顙, (1252 - 1313) một tông thất hoàng gia, tướng lĩnh quân sự Đại Việt thời Trần. Ông là con trai thứ 3 của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành công chúa. Ông đã cùng cha chỉ huy quân dân đánh quân Nguyên xâm lược vào thời Trần Nhân Tông. 

Cuộc đời

Tháng 12 âm lịch năm Thiệu Bảo thứ 6 (1284), quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Được tin đại quân do Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy thua các trận đánh quân Nguyên ở biên giới và rút về Vạn Kiếp, vua Trần Nhân Tông sai ông cùng Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Minh Hiến vương Trần Quốc Uất và Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện đốc suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn đến hội ở Vạn Kiếp, theo quyền điều khiển của Hưng Đạo vương để chống quân Nguyên.

Năm 1289, sau 2 lần đánh bại quân Nguyên, thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông xét công phạt tội, gia phong Hưng Đạo vương làm Đại vương, Hưng Nhượng vương làm Tiết độ sứ.

Năm 1297, vua Trần Anh Tông cử ông đem quân đi đánh sách Sầm Tử. Thời Trần Anh Tông, Hưng Nhượng vương rất ghét Nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng phủ đầu: "Thằng này là điềm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung thì nhà Trần rồi mất về nó chăng?". Khắc Chung thường sợ hãi né tránh

Ông mất tháng 3 âm lịch, năm Hưng Long thứ 21 (1313). Năm 1314, ông được truy tặng Thái úy.

Con đường

Tại Nam Định: nối đường Trần Khắc Chung với Trần Duệ Tông - TP. Nam Định

Tại Long Xuyên - An Giang: từ đường Nguyễn Hữu Tiến đi đến hết đường - P. Đông Xuyên

Tại Quảng Ninh: nối đường Trần Hưng Đạo với Vạn Xuân - TP. Hạ Long



Hưng Hiếu vương Trần Quốc Uy - 興孝王 陳國威 (? – 1352?), hay Trần Quốc Uý (陳國蔚), là một tông thất hoàng gia Đại Việt thời nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.

Cuộc đời

Không rõ thân thế của Hưng Hiếu vương. Chữ đầu trong tước phong của ông (Hưng) trùng với tước của Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn và Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, nên có khả năng ông là con của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.  

Tháng 9 năm Đinh Sửu (1337), Thượng hoàng Trần Minh Tông phái Hưng Hiếu vương đến Đà Giang đánh dẹp người man Ngưu Hống. Hưng Hiếu vương hành quân bằng đường thủy ngược dòng sông Bạch Hạc, bất ngờ tập kích trại Trịnh Kỳ, chém được thủ lĩnh Xa Phần. Khi về kinh nhận thưởng, Hưng Hiếu vương xin được thưởng cho những người giữ thuyền giống trường hợp Trần Khánh Dư đánh dẹp Nam Nhung ngày trước, nhưng Thượng hoàng không cho là phải. Gia đồng của ông là Phạm Ngải lập nhiều công lao trong trận này, nhưng vì thân phận gia nô mà không được phong quan, chỉ được thưởng năm mảnh ruộng.

Khoảng 1342–1352, Chiêm Thành lâm vào cuộc nội chiến tranh chấp ngôi vua giữa vương tử Chế Mỗ và anh rể Chế A Nan. Hưng Hiếu vương được giao trông coi Hóa Châu để phòng ngừa. Trong thời gian này, Chế Mỗ nhiều lần hối lộ Hưng Hiếu vương để xin quân nhà Trần can thiệp. Hưng Hiếu vương dù nhận lời nhưng không hề xuất quân hay tâu về triều đình, chỉ khuyến khích Chế Mỗ sang Đại Việt tị nạn. Tháng 3 năm Nhâm Thìn (1352), Chế Mỗ thất bại, được Hưng Hiếu vương giúp đỡ chạy sang Đại Việt. Chế Mỗ dâng lên nhiều đồ quý để xin nhà Trần giúp đỡ.

Năm Quý Tỵ (1353), Chế Mỗ qua lại với gia nhi của Trần Minh Tông là Tước Tề để xin trợ giúp. Tháng 6, triều đình nhà Trần đồng ý cử quân đội đưa Chế Mỗ về nước, nhưng quân đội hành quân đến Cổ Lũy thì thất bại, phải rút về. Tháng 9, Chiêm Thành cho quân sang cướp bóc Hóa Châu, địa phương không chống cự nổi; triều đình phái Trương Hán Siêu cầm quân Thần Sách vào trấn giữ. Đến tháng 11 năm Giáp Ngọ (1354), Trương Hán Siêu mất, triều đình không còn quan viên nào đủ sức trấn thủ vùng biên nữa. Có khả năng Hưng Hiếu vương mất trong khoảng 1352–1353.

Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.