DNQTĐ: Phạm Sư Mạnh và Lê Quát

Phạm Sư Mạnh - 范師孟; (? - ?), tên thật là Phạm Độ, tự Nghĩa Phu, hiệu Úy Trai, biệt hiệu Hiệp Thạch; là danh sĩ và là quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.

Cuộc đời

Phạm Sư Mạnh là người làng Hiệp Thạch, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn (nay là huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Là học trò giỏi của nhà giáo Chu Văn An, ông đỗ thái học sinh (tiến sĩ) đời vua Trần Minh Tông, được vua đổi tên là Phạm Sư Mạnh để tránh phạm húy thái sư Trần Thủ Độ. Năm 1323, ông bắt đầu làm quan cho nhà Trần. Đến năm 1345 đời Trần Dụ Tông, có sứ nhà Nguyên (Trung Quốc) sang hỏi về việc "đồng trụ" (cột đồng) thời Hai Bà Trưng; ông được cử đi sứ sang đấy để biện luận, từ đó về sau, không thấy họ sang hỏi han gì nữa.

Về nước, ông lần lượt được cử làm: Chưởng bạ thư kiêm khu mật tham chính (1346). Nhập nội hành khiển tri khu mật viện sự (1358), Hành khiển tả tư lang trung (1359), Tri khu mật viện sự (1362), rồi thăng lên chức Nhập nội nạp ngôn... Sau đó, sử không nhắc đến ông, chỉ biết về sau ông có nhận lệnh đi kén duyệt quân ở năm lộ để chấn chỉnh biên phòng vào năm 1368, và viết giúp văn bia cho chùa Sùng Hưng ở núi Vân Lỗi (Thanh Hóa) vào năm 1372. Ông làm quan trải ba triều vua Trần là: Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông. Về văn học, Phạm Sư Mạnh nổi tiếng ngang với Lê Quát, là bạn thân đồng môn (cùng học với thầy Chu Văn An) và đồng triều. Cả hai đều được người đương thời khen tặng. Sau khi lui về ở ẩn, Phạm Sư Mạnh mất năm nào không rõ.

Tác phẩm của Phạm Sư Mạnh có Hiệp Thạch tập (Tập thơ Hiệp Thạch), viết bằng chữ Hán, nhưng đã thất lạc. Hiện chỉ còn 33 bài được chép rải rác trong Toàn Việt thi lục, Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Trích Diễm thi tập. Ngoài ra, ông có bài Sùng Hưng tự Vân Lỗi sơn Đại Bi nham ký (Bài ký trên vách đá chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi thờ tượng Đại Bi).

Con đường

Tại Hà Nội: nối đường Ngô Quyền với Phan Châu Trinh - q. Hoàn Kiếm

Tại Đà Nẵng: nối đường Hà Tông Quyền với Tôn Thất Thuyết - q. Cẩm Lệ

Tại Quảng Nam: nối đường Đoàn Thị Điểm với Châu Văn Liêm - TP. Tam Kỳ



Lê Quát - 黎括, (? - ?), tự là Bá Đạt, hiệu Mai Phong, biệt hiệu Lương Giang; là danh sĩ và là quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.

Cuộc đời

Ông là người ở hương Phủ Lý, huyện Đông Sơn, trấn Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa), thuộc dòng dõi Thái sư Lê Văn Thịnh, và cùng đồng môn Phạm Sư Mạnh là học trò giỏi của nhà giáo Chu Văn An.

Sau khi thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), Lê Quát được cử giữ một số chức quan dưới triều vua Trần Minh Tông. Đến 1358 đời vua Trần Dụ Tông, ông được cử làm Tả tư lang kiêm Hàn lâm viện phụng chỉ, kế đó thăng làm Thượng thư hữu bộc xạ. Năm 1366, nhà vua cử ông đi duyệt định sổ trướng tịch (tức sổ hộ tịch) ở trấn Thanh Hoa; về thăng ông làm Thượng thư hữu bật, nhập nội hành khiển (tương đương chức Thủ tướng ngày nay). Lê Quát mất năm nào không rõ. Con ông là Lê Giốc chết vì tiết nghĩa, được nhà Trần phong là Ma Tặc trung vũ hầu, có nghĩa là "trung dũng chửi giặc".

Đương thời, Lê Quát có sáng tác thơ văn, nhưng nay chỉ còn 7 bài thơ trong Tinh tuyển chư gia luật thi và Toàn Việt thi lục. Ngoài ra tại chùa Thiệu Phúc (Bắc Giang) còn có bài bia ký của ông có tên là Bắc Giang Bái thôn Thiệu Phúc tự bi ký (Bài ký bia chùa Thiệu Phúc thôn Bái Bắc Giang). Tất cả đều bằng chữ Hán.

Con đường

Tại Đà Nẵng: nối đường Đại An 3 với Vân Đài nữ sĩ - Q. Ngũ Hành Sơn

Tại Long Xuyên - An Giang: nối đường Trần Khắc Chung với Trần Nguyên Đán - P. Đông Xuyên

Tại Tp.HCM: nối đường Lũy Bán Bích với kênh Tân Hoá - quận 11



Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.