DNQTĐ: Trần Quốc Chẩn và Vũ Hải

Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn - 惠武大王 陳國瑱 (1281 - 1328) là một nhân vật chính trị, quan viên và là hoàng thân của triều đại nhà Trần.

Cuộc đời

Trần Quốc Chẩn sinh ngày 29 tháng 1 (âm lịch) năm Thiệu Bảo thứ 3 (tức 19 tháng 2 năm 1281). Ông là con trai thứ của Trần Nhân Tông, em của Thái tử Trần Thuyên, người sau là Trần Anh Tông. Mặc dù tuổi còn nhỏ, nhưng ông rất được Nhân Tông và Anh Tông yêu mến

Năm Quý Tị (1293), Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Thuyên, sử gọi Trần Anh Tông. Mùa thu năm đó, khi mới 13 tuổi, ông đã được phong là Huệ Vũ đại vương. Năm 1302, ông được phong chức Nhập nội Bình chương, tương đương Tể tướng. 

Năm 1312, Chiêm Thành lấn chiếm biên giới phía nam Đại Việt. Anh Tông ngự giá thân chinh, đến phủ Lâm Bình, chia quân làm ba đường, sai Trần Quốc Chẩn theo đường núi, Trần Khánh Dư theo đường biển, đích thân vua tự dẫn sáu quân theo đường bộ; thủy bộ, cùng tiến đánh. Một lần quân Chiêm định tập kích ngự doanh, quân Trần Quốc Chẩn kịp thời cứu viện, phối hợp với Đoàn Nhữ Hài bao vây, bức hàng quân Chiêm Thành thắng lợi, quân Trần không tốn một mũi tên. Năm 1318, Trần Minh Tông sai ông cùng tướng quân Phạm Ngũ Lão tiếp tục đi đánh dẹp quân Chiêm Thành thu được thắng lợi lớn, giữ yên bờ cõi quốc gia. 

Năm 1320, mùa đông, Trần Anh Tông băng hà. Trước đây, khi Thái thượng hoàng Trần Anh Tông không khỏe, vua ngày đêm ở luôn ngoài cửa phòng ngủ của Thượng hoàng, mỗi khi vào thăm thì cùng đi với Quốc Chẩn. Vì Anh Tông tin cậy Quốc Chẩn hơn cả, định đem vua gửi gắm Quốc Chẩn, cho nên không cho vào thăm một mình, mà phải cùng đi với Quốc Chẩn, cốt để cho tình nghĩa vua tôi được khăng khít và không còn nghi ngại gì nữa

Năm 1323, con gái ông là Huy Thánh công chúa thành hôn với Trần Minh Tông, tức Lệ Thánh hoàng hậu. Do có nhiều công lao với triều đình, hơn nữa lại là cha vợ của Minh Tông, vào năm 1324, Trần Quốc Chẩn được vua Trần phong chức: Nhập nội Quốc phụ Thượng tể – chức quan đầu triều coi giữ Lục bộ Thượng Thư. Sử cũ còn ghi nhận, Trần Quốc Chẩn không chỉ là người có tài trong việc cầm quân xung trận mà ông còn là người nổi tiếng đức độ, được các quan trong triều hết lòng nể phục.

Tháng 3/1328, Quốc phụ thượng tể Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn bị giết. Cái chết của ông liên quan đến vấn đề kế vị, khi ông phản đối ý định của Minh Tông lúc muốn lập Trần Hiến Tông, và điều này dẫn đến việc ông bị kết tội phản nghịch và bị bỏ đói đến chết. Về sau, vợ lẽ của Trần Nhạc ghen với vợ cả, tố cáo sự thật, đem việc Văn Hiến Hầu đút vàng tâu lên vua. Văn Hiến hầu tuy được tha tội chết, nhưng giáng làm thứ nhân, tước bỏ tên họ trong hoàng tộc. Trần Minh Tông lúc nào cũng bị ám ảnh bởi vụ án oan của cha vợ. Để sửa sai, nhà vua đã cho khôi phục chức tước, sai lập đền thờ Trần Quốc Chẩn. Đến năm Giáp Thân (1344), thời Trần Dụ Tông (cháu ngoại của ông), vụ án Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn được minh oan hoàn toàn. Thượng hoàng Minh Tông phục chức Nhập nội Quốc Phụ Thượng Tể cho ông.

Con đường

Tại Quảng Ninh: nối đường Hai Bà Trưng với Trần Tự Khánh - TP. Hạ Long




Vũ Hải (1252-1288) người trang Du Lễ đời Trần (nay thuộc xã Du Lễ, Kiến Thụy, Hải Phòng) là tướng của nhà Trần giai đoạn chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai và lần thứ ba. Do có công lớn trong trận Chương Dương - Hàm Tử nên ông được phong chức Phó Đô Ngự Sử. Theo thần phả, ông là người có công chém đầu tướng địch Toa Đô trong trận Tây Kết.

Cuộc đời

Vũ Hải sinh ra và lớn lên trên miền đất Nghi Dương nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là nơi sản sinh ra những võ tướng nổi tiếng dưới thời phong kiến. Là người thạo võ nghệ lại có sức khoẻ hơn người nên khi biết tin quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai (1258) ông đã về kinh tham gia ứng tuyển và được chọn đứng trong hàng ngũ các tướng sĩ nhà Trần sẵn sàng nghênh chiến với địch. Theo thần phả truyền lại, trong trận Tây Kết ông đã có công chém đầu tướng địch Toa Đô, góp công lớn vào chiến thắng quân Nguyên Mông trong trận Chương Dương - Hàm Tử. Lập chiến công lớn, ông được phong chức Phó Đô Ngự Sử. 

Năm 1288, quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần thứ 3, ông được phong làm Bạt Hải Hữu Tướng Quân đem hơn 5000 quân thuỷ trấn giữ ở Bình Than. Đồng thời ông cũng tuyển thêm trai tráng tại quê nhà ở trang Du Lễ giỏi nghề bơi lội tham gia thuỷ chiến chống quân xâm lược. Trong trận giao tranh ác liệt, quân đội hai bên đều bị thiệt hại nặng. Hơn 300 chiến thuyền của địch do Ô Mã Nhi chỉ huy bị đánh tan tác. Nhưng quân Đại Việt cũng chịu tổn thất lớn khi tướng quân Vũ Hải hy sinh trên vùng cửa biển Đại Bàng.

Vũ Hải được vua Trần truy phong tước Bạt Hải Đại Vương sau khi hy sinh anh dũng. Tại trang Du Lễ quê nhà, ông cũng được nhân dân lập miếu thờ và gọi là Miếu Đông để phân biệt với Miếu Đoài của tướng quân Trương Nữu

Con đường

Tại Hải Phòng: từ đường Trần Quang Khải đi đến hết đường - Q. Hồng Bàng

Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.