DNQTĐ: Trần Khánh Dư
Trần Khánh Dư - 陳慶餘, (13/03/1240 – 23/04/1340), hiệu là Nhân Huệ vương, là một chính khách, nhà quân sự Đại Việt dưới thời đại nhà Trần. Ông nổi bật với việc giữ chức Phó đô tướng quân trong trong kháng chiến chống Nguyên lần 2 và 3, tiêu diệt đoàn thuyền lương quân Nguyên ở Vân Đồn năm 1288, tham gia chinh phục Chiêm Thành năm 1312 nhưng bị sử sách phê phán vì tính tham lam, thô bỉ thể hiện qua câu nói "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?".
Cuộc đời
Trần Khánh Dư quê ở Chí Linh, Hải Dương, cha là Thượng tướng Nhân Huệ hầu Trần Phó Duyệt, tương truyền mẹ là Trần Thái Anh.
Trong lần chống quân Nguyên Mông vào năm 1258, Khánh Dư có công nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Sau đó, ông đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được nhận làm Thiên tử nghĩa nam, tước Nhân Huệ vương, phong làm Phiêu Kỵ đại tướng quân. Chức Phiêu Kỵ tướng quân nếu không phải là hoàng tử thì không được phong. Vì Khánh Dư là Thiên tử nghĩa nam cho nên mới có lệnh đó. Rồi từ trật hầu thăng mãi đến Tử phục Thượng vị hầu, quyền chức Phán thủ.
Năm 1282, sau khi có được địa vị, Trần Khánh Dư lại vướng phải vụ án gian dâm với Thiên Thụy công chúa là vợ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Sau đó, ông bị phế truất binh quyền, tịch thu gia sản phải trở về Chí Linh làm nghề bán than. Sau đó, ông được Trần Nhân Tông phục chức và được phong làm Phó đô tướng quân trấn giữ Vân Đồn. Khánh Dư có công lớn trong việc đánh tan đạo binh thuyền chở lương thực, khí giới của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy vào tháng 12 năm 1287, góp phần làm xoay chuyển tình thế chiến tranh. Tháng 5 năm 1312, ông theo Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành. Trận này quân Đại Việt bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Chí đem về.
Không chỉ giỏi võ, Trần Khánh Dư còn có kiêm tài văn. Ông là người viết lời tựa cho cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong thời gian làm tướng ông cũng kinh doanh. Đây là điểm đặc biệt ở ông, khác với nhiều quan lại chỉ sống nhờ bổng lộc do chức tước, không quan tâm đến sản xuất và kinh doanh. Ông cũng nổi tiếng về tính "con buôn" khi đối xử với dân chúng và binh lính, chẳng hạn như khi ông trả lời Trần Anh Tông vào năm 1296 là "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?".
Năm 1323, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư xin về trí sĩ, tại vùng ấp ông được phong, thuộc xã Dương Hòa, lộ Lý Nhân (Hà Nam). Một lần, ông đi chơi đến Tam Điệp, Trường Yên (Ninh Bình), qua vùng đất thấy đồng cỏ bát ngát, sông nước hữu tình, ông bèn sai gia nhân đến khai khẩn, lập thành làng mới. Dần dần, người kéo đến làm ăn ngày càng đông. Ông đặt tên là trại An Trung. Sau đó, dân các vùng khác tiếp tục đến, lập thêm trại Động Khê và trại Tịch Nhi. Ông ở lại những nơi mới khai phá này 10 năm. Sau đó, ông trở về ấp Dưỡng Hòa cũ và giao lại các trại mới lập cho hai gia tướng họ Bùi và họ Nguyễn coi sóc. Trong buổi đầu khai hoang lập ấp, ông đã bỏ tiền nhà ra giúp vốn cho dân, ông còn hướng dẫn dân trại Tịnh Nhi trồng cây cói và làm nghề dệt cói.
Năm 1340, Nhân Huệ vương mất, hưởng thọ 100 tuổi. Nhân dân trong vùng lập đền thờ ông ở trại An Trung, trên nền nhà xưa ông đã ở, để ghi tạc công đức của ông.
Con đường
Tại TP.HCM: nối đường Hoàng Sa với Nguyễn Văn Nguyễn - quận 1
Tại Đà Nẵng: nối đường Đỗ Bá với Nguyễn Văn Thoại - quận Ngũ Hành Sơn
Tại Huế: nối đường Lê Đại Hành với Thái Phiên - TP. Huế
Không có nhận xét nào: