DNQTĐ: Trần Quang Khải và Phụng Dương công chúa

Trần Quang Khải - 陳光啓; (11/1241 - 26/07/1294), hay Chiêu Minh Đại vương (昭明大王), là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông làm đến chức Tể tướng đời Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, coi cả mọi việc trong nước.

Cuộc đời

Trần Quang Khải sinh vào tháng 10 âm lịch, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 10 (1241). Ông là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, mẹ là Thuận Thiên hoàng hậu Lý thị (con gái trưởng Lý Huệ Tông). Ông là em cùng mẹ với thái tử Trần Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông.

Từ nhỏ, ông đã được Thái Tông phong tước Chiêu Minh vương và cho thụ giáo với Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử Viện giám tu, Bảng nhãn Lê Văn Hưu. Sử chép ông là người có học thức, hiểu tiếng nói của các bộ tộc ít người. Năm 1258, ông được gả Phụng Dương công chúa, con gái của Thái sư Khâm Thiên đại vương Trần Nhật Hiệu, ban cho thái ấp Độc Lập, phủ Thiên Trường (nay thuộc xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh). Cùng năm, vua Trần Thái Tông nhường ngô cho thái tử Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông, rồi lên làm thái thượng hoàng. Tân quân Trần Thánh Tông phong cho Quang Khải tước Chiêu Minh Đại vương.

Năm 1261, ông được phong làm Thái úy, chính thức tham gia công việc triều chính khi vừa 20 tuổi. Năm 1265, ông được phong làm Thượng tướng, vào trấn thủ Nghệ An. Trại trạng nguyên Bạch Liêu là môn khách của ông. Đầu năm 1271, ông làm Tướng quốc thái úy, trở thành đại thần đầu triều nắm giữ việc nước, đứng trên cả Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là con của Khâm Minh đại vương Trần Liễu, Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải là con của Thái Tông hoàng đế, theo quan hệ huyết thống thì Thái Tông là em ruột của Khâm Minh đại vương. Hưng Đạo vương và Chiêu Minh vương cùng với Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang đều là anh em nửa dòng máu. Ngoài mâu thuẫn giữa dòng chính và dòng thứ, giữa hai ông còn có cả mối bất hòa cá nhân.

Cuối năm 1257, Hưng Đạo vương được cử làm chỉ huy các đạo quân thủy bộ ở biên giới, lập nhiều công lao cho triều đình. Tuy nhiên, sau khi đánh đuổi được quân Nguyên Mông, ông vẫn giữ nguyên tước cũ và trở về thái ấp ở Vạn Kiếp. Trong khi đó, không lâu sau Trần Quang Khải được phong tước Đại vương, và thăng làm Thái úy. Đầu năm Bảo Phù thứ 5 (1277), Trần Thánh Tông thân chinh đánh các bộ tộc thiểu số ở động Nẫm Bà La (nay thuộc Quảng Bình).

Năm 1278, vua Trần Thánh Tông truyền ngôi cho thái tử Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông. Đầu năm 1281, sứ nhà Nguyên là Sài Thung đến Thăng Long đòi vua Trần sang chầu. Nhờ cách ứng xử khéo léo của Hưng Đạo Vương, Sài Thung thay đổi thái độ. Khi Sài Thung về lại Bắc Kinh, Trần Quang Khải đã làm tặng một bài thơ, trong đó có câu:
Vị thẩm hà thời trùng đỗ diện
Ân cần ác thủ tự huyên lương.

Cuối năm 1282, vua Trần Nhân Tông thăng chức Trần Quang Khải làm Thượng tướng Thái sư, nắm cả quyền quân sự lẫn hành chính. Tuy vậy, trước tình hình áp lực nhà Nguyên gia tăng, cuối năm 1283, triều đình tiến phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc. Như vậy, về thực quyền quân sự, Hưng Đạo Vương trở thành cấp trên của Chiêu Minh Đại vương. Mối bất hòa giữa 2 chi họ cũng như bất hòa cá nhân giữa 2 người trở thành một hiểm họa sâu sắc.

Đầu năm 1285, quân Nguyên tràn sang tấn công Đại Việt với sức công kích rất mạnh. Thái sư Trần Quang Khải suýt tử thương khi thuyền của ông đang ngủ bị bốc cháy, may nhờ có vợ là Phụng Dương công chúa đánh thức, thoát được. Năm Ất Dậu (1285), Toa Đô từ Chiêm Thành theo đường bộ kéo ra Nghệ An tấn công quân Nam, có Ô Mã Nhi dẫn quân đi đường biển tiếp ứng. Trần Quang Khải vào đến Nghệ An, chia quân phòng giữ. Thấy thế giặc quá mạnh, ông cho lui quân ra mặt biển và giữ các nơi hiểm yếu. Vua Nhân Tông cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cùng Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân ra đón đánh tại Hàm Tử Quan thuộc huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên. Quân Nguyên thua to chết hại rất nhiều. Trong vòng hai tháng, đại phá quân Nguyên hai lần tại Hàm Tử và Chương Dương, nên khí thế quân sĩ Đại Việt trở nên rất mạnh, sau đó thắng nhiều trận liên tiếp, giết các tướng Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán và đuổi được Thoát Hoan về Trung Quốc.

Ngày 6 tháng 6 âm lịch năm 1285, hai vua Trần ca khúc khải hoàn về kinh sư:
Tụng giá hoàn kinh sư
Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.

Sau chiến thắng này, triều đình luận công ban thưởng, Trần Quốc Tuấn có công lớn nhất, được phong tước Đại vương. Trần Quang Khải cũng được xếp công thần hạng nhất. Đất nước hòa bình, Quang Khải tiếp tục ở ngôi Thái sư, cùng Thái úy Tá Thiên Đại vương Trần Đức Việp (con trai thứ của Trần Thánh Tông) cai quản việc nước.

Ngày 3 tháng 7 âm lịch năm Hưng Long thứ hai (tức 26 tháng 7 năm 1294) đời Trần Anh Tông, ông qua đời. Vợ ông là Phụng Dương công chúa đã mất trước đó 3 năm. Ông bà được chôn cất tại thái ấp của mình, được thờ làm Thành hoàng làng Cao Đài.

Con đường

Tại Tp.HCM: 
- Nối đường Hai Bà Trưng với Đinh Tiên Hoàng - quận 1
- Từ đường Lê Lợi đi đến hết đường - TP. Thủ Đức

Tại Hải Phòng: nối đường Tam Bạc với Trần Hưng Đạo - Q. Hồng Bàng

Tại Hà Nội: nối cầu Chương Dương với Tràng Tiền - Q. Hoàn Kiếm




Phụng Dương công chúa - 奉陽公主; (1244 - 22/04/1291) là một nữ quý tộc, một công chúa nhà Trần, chính thê của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải

Cuộc đời

Từ nhỏ, bà đã nổi tiếng thông minh và rất mực hiền hậu. Bà được vua Trần Thái Tông đem về cung nhận làm con nuôi, cho phong hiệu Phụng Dương công chúa. Từ đó Phụng Dương sống trong hoàng cung như một công chúa. 

Năm 1258, khi trưởng thành, bà được gả cho Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải với nghi lễ dành cho hoàng nữ. Nhưng khi đó, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải lại đang say mê một người thiếp nên lạnh nhạt với bà. Biết chuyện, Trần Nhật Hiệu và Tuệ Chân phu nhân từng nổi giận và tính bề đòi bà về lại nhà, nhưng bà kiêng quyết từ chối vì cho rằng đó là đạo vợ chồng. Đương khi ấy, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải có nhiều thê thiếp, nhưng danh nghĩa chỉ có Phụng Dương công chúa là chính thất. Phụng Dương công chúa đối xử với các thê thiếp của rất sức bao dung. Bà cũng quán xuyến công việc, quản lý tiền bạc cho chồng khiến Trần Quang Khải hết sức hài lòng.

Mùa đông năm Giáp Thân (1284), quân Nguyên sang đánh Đại Việt, Chiêu Minh vương xuống thuyền đi lánh giặc, nửa đêm trong thuyền xảy ra hoả hoạn. Lúc ấy Chiêu Minh vương đương ngủ, công chúa ngờ là giặc đã tới nơi, đánh thức chồng dậy, đưa cho cái lá chắn và lấy mình che cho ông. Từ đó, bà rất được tán dương. Bà hay có lòng nhân từ bác ái, không so sánh suy bì đích thứ, người nào có một chút công lao, thì biểu dương trước mặt Chiêu Minh vương; người nào mắc lỗi thì ghé tai bảo nhỏ, ỉm đi cái lỗi đó. Người đời xem đó là tấm lòng không ghen ghét đố kỵ của bà. Đối với người trong họ, bà thường hay nâng đỡ, nhưng với những người bất tài thì chỉ ban của cải chứ không cho chức gì cả. Cuối đời, Trần Quang Khải về nghỉ ở trang riêng tại phủ Thiên Trường, bà cũng theo ông về đấy.

Khoảng năm Tân Mão (1291), ngày 22 tháng 3, Phụng Dương công chúa qua đời ở Thiên Trường, hưởng thọ 47 tuổi. Thôn Độc Lập, phủ Thiên Trường là nơi chôn cất của công chúa. Ngày 11 tháng 4 năm Hưng Long nguyên niên (1293), là ngày chôn cất. Người chủ tang Công chúa là con trai thứ của bà Văn Túc vương, đến xin bài minh đem chôn cùng

Con đường

Tại Nam Định: nối đường Trần Quốc Tảng với Trần Thị Dung - TP. Nam Định


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.