DNQTĐ: Mạc Đĩnh Chi và Trương Hán Siêu

Mạc Đĩnh Chi - 莫挺之, (1280 - 1346), tên tự là Tiết Phu (節夫), hiệu là Tích Am (僻庵) là một quan đại thần triều Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là Lưỡng Quốc trạng nguyên đầu tiên của nước Việt.

Cuộc đời

Mạc Đĩnh Chi là người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, Hải Đông (tỉnh Hải Dương hiện nay), tổ tiên là Mạc Hiển Tích đỗ khoa Thái học sinh năm Bính Dần đời vua Lý Nhân Tông. Ông thông minh hơn người, nhưng tướng mạo xấu xí.

Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi Cống sĩ lấy 44 người đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên; Bùi Mộ đỗ bảng nhãn, Trương Phóng đỗ thám hoa. Khi mới đỗ nhà vua chê ông xấu, Mạc Đĩnh Chi bèn làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Sen trong giếng ngọc) để tự ví mình với sen. Trong bài phú có đoạn:
Há rằng trống rỗng bất tài
Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay.
Nếu ta giữ mực thẳng ngay.
Mưa sa gió táp xem nay cũng thường
Vua Trần Anh Tông xem rồi khen hay, thăng làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia.

Năm 1308 đời vua Trần Anh Tông, Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, mừng vua Nguyên Vũ Tông mới lên ngôi. Đó là lúc mới 20 năm sau chiến tranh chống quân Nguyên thứ 3 (1287-1288), sứ bộ bị nắn gân cốt rất mạnh. Tuy nhiên trong hoạt động bang giao ông đã tỏ rõ khí phách và tài năng của mình. Hoạt động và tài năng văn chương của ông đã để lại nhiều giai thoại nổi tiếng.

Thời vua Trần Minh Tông, Mạc Đĩnh Chi càng được tin dùng hậu đãi. Ông là người liêm khiết, vua biết muốn thử ông, sai người đem 10 vạn quan tiền để trước cửa nhà ông. Sáng hôm sau Đĩnh Chi đem túi tiền lên triều, tâu nhà vua, Vua nói: Không ai nhận tiền ấy, thì cho khanh lấy mà chi dùng. Thời vua Trần Hiến Tông ông làm chức Nhập nội hành khiển, Lang trung hữu ty, chuyển sang làm Lang trung tả ty trải đến chức Tả bộc xạ ở hàng quan to.

Con đường 

Tại Hà Nội: nối đường Liêm Chính với Nam Tràng ở hồ Trúc Bạch - q. Ba Đình

Tại Lâm Đồng: nối đường Lý Chính Thắng với Trần Nguyên Hãng - TP. Bảo Lộc

Tại Tp.HCM: nối đường Nguyễn Du với Điện Biên Phủ - quận 1



Trương Hán Siêu - 張漢超 (?-1354), tên tự là Thăng Phủ hoặc Thăng Am, hiệu Đôn Tẩu, là một vị quan, một danh nhân văn hóa đời Trần, kiệt tác văn chương nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông là bài Bạch Đằng giang phú (Phú sông Bạch Đằng) - một áng thiên cổ hùng văn rất được lưu truyền...

Cuộc đời

Trương Hán Siêu quê ở làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình). Trương Hán Siêu là nhà chính trị, nhà thơ, nhà sử học danh tiếng, học thức sâu rộng, được các vua Trần luôn tôn gọi là Thầy chứ không gọi tên húy. Ông từng làm nhiều chức quan trải suốt 4 đời vua nhà Trần:

Năm 1308, vua Trần Anh Tông phong Trương Hán Siêu làm Hàn lâm học sĩ. Năm 1314, vua Trần Minh Tông phòng Trương Hán Siêu giữ chức Hành khiển. Năm 1339, vua Trần Hiến Tông phong Trương Hán Siêu làm môn hạ hữu ty lang trung. Năm 1342, vua Trần Dụ Tông phong Trương Hán Siêu làm tả ty lang trung kiêm Kinh lược sứ ở Lạng Giang, rồi thăng tả gián nghị đại phu năm 1345 và năm 1351 làm tham tri chính sự (như chức Thượng thư).

Năm Quý Tỵ 1353, ông lãnh quân Thần sách ra trấn nhậm ở Hóa Châu (Huế), giữ đất này yên ổn. Tháng 11 năm sau, ông cáo bệnh xin về nghỉ, nhưng về chưa đến kinh sư thì ông mất. Sau khi ông mất, vua cho truy tặng hàm thái bảo. Năm 1363, thượng hoàng Trần Nghệ Tông truy tặng Trương Hán Siêu chức thái phó và được thờ ở Văn Miếu quốc gia (từ năm 1372), ngang với các bậc hiền triết đời xưa. Trương Hán Siêu là người có học vấn sâu rộng, giàu lòng yêu nước, được các vua đời Trần tôn quý như bậc thầy. 

Tác phẩm

Các tác phẩm của ông hiện còn 17 bài thơ: Cúc hoa bách vịnh (Vịnh hoa cúc còn 4 bài), Hoá Châu tác (Thơ làm ở Hoá Châu), Dục Thuý sơn (Núi Dục Thuý sơn), Quá Tống đô (Qua kinh đô nhà Tống),... Về văn xuôi ông có 2 bài: Khai Nghiêm tự bi ký (Văn bia chùa Khai Nghiêm) và Dục Thuý sơn linh tế tháp ký (Bài ký tháp linh tế núi Dục Thuý sơn), hai bài đều được viết bằng chữ Hán. Bài biểu Tạ trừ Hàn lâm viện trực học sĩ được dẫn trong Đại Việt sử ký toàn thư và Kiến văn tiểu lục hiện nay vẫn lưu lạc và chưa tìm thấy. 

Trương Hán Siêu cũng soạn Linh tế thập ký (bài ký tháp Linh Tế), Quang Nghiêm tự bi văn (bài văn bia chùa Quang Nghiêm). Hai bài đó có đề cao Nho học và phê phán Phật giáo. Ông còn là đồng tác giả với Nguyễn Trung Ngạn soạn bộ Hoàng triều đại điểnHình luật đặt nền tảng cho chế độ Phong kiến Việt Nam vận hành theo pháp luật. Ông còn là một nhà văn hoá, có tầm nhìn du lịch sớm nhất Việt Nam.

Bạch Đằng Giang phú (hay Phú sông Bạch Đằng) là tác phẩm xuất sắc của Trương Hán Siêu, đồng thời cũng là tác phẩm tiêu biểu của văn học yêu nước thời Lý - Trần, một đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học và được xem là một áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học Việt Nam. Bạch Đằng giang phú thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất và truyền thống đạo lý nhân nghĩa sáng ngời của dân tộc Việt Nam. Do đó, Bạch Đằng giang phú cũng thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp của việc đề cao vai trò, vị trí của con người trước lịch sử. Đây là một áng văn chứa chan niềm tự hào dân tộc, có ý nghĩa tổng kết lại chiến thắng Bạch Đằng thời bấy giờ.

Con đường

Tại Hà Nội: nối đường Nguyễn Du với Ngô Văn Sở - q. Hoàn Kiếm

Tại Long Xuyên - An Giang: nối đường Cầu Ông Mạnh với Trương Hống - P. Đông Xuyên

Tại Đồng Tháp: nối đường Trưng Trắc với Tôn Đức Thắng - TP. Cao Lãnh

Tại Tp.HCM: nối đường Đinh Tiên Hoàng với Nguyễn Huy Tự - q. 1



Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.