DNQTĐ: Nguyên phi Ỷ Lan

Ỷ Lan - 倚蘭, (07/04/1044? – 24/08/1117), hay còn gọi là Linh Nhân Hoàng thái hậu (靈仁皇太后), là phi tần của hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam. 

Cuộc đời

Ỷ Lan sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (7 tháng 4 năm 1044) tại hương Thổ Lỗi. Đời Nguyễn thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nay là làng Phú Thị thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đến năm Ỷ Lan 12 tuổi, thì mẹ ốm mất, cha lấy mẹ kế họ Đồng, nhưng ít lâu sau ông cũng qua đời. Kể từ đó, bà sống với người mẹ kế, hai người rất hòa thuận.

Năm 1063, khi vua đi cầu tự ở chùa Dâu thấy từ xa có người con gái tựa vào cây lan và cất tiếng hát trong trẻo, cho nhập cung phong làm Ỷ Lan phu nhân, nơi ở là Du Thiền các. Tên hiệu Ỷ Lan nghĩa là tựa vào gốc lan, Thánh Tông ban phong hiệu này để lấy làm kỷ niệm của việc gặp gỡ giữa hai người. Tháng Giêng năm 1066, Ỷ Lan phu nhân sinh ra Hoàng tử Lý Càn Đức. Ngày hôm sau, lập làm Hoàng thái tử, đổi niên hiệu, đại xá, và phong mẹ là Ỷ Lan phu nhân làm Thần phi. Năm Mậu Thân 1068, bà lại sinh hoàng tử. Thánh Tông cho đổi hương Thổ Lỗi làm hương Siêu Loại, và phong Thần phi làm Nguyên phi, đứng đầu các phi tần trong cung.

Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Tin cậy, trước khi đi nhà vua trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho Nguyên phi, giúp sức có Lý Đạo Thành (李道成), là Thái sư đầu triều đương thời. Ra trận, Thánh Tông bắt được vua nước ấy là Chế Củ và 5 vạn người. Năm sau (1070), Chế Củ xin đem đất ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (tức vùng Quảng Bình và Quảng Trị) để chuộc tội. Giang sơn Đại Việt bước đầu mở rộng xuống phía Nam.

Năm 1072, Lý Thánh Tông qua đời. Thái tử Càn Đức mới bảy tuổi lên ngôi, sử gọi là Lý Nhân Tông. Thái phi Ỷ Lan không được dự vào việc triều đình, bèn dựa vào Lý Thường Kiệt để nắm lấy quyền nhiếp chính. Năm 1075, Thái úy Lý Thường Kiệt, sau khi cử gián điệp thu thập tin tức của nhà Tống, đã tiến hành mang quân sang vây đánh Khâm châu và Liêm Châu. Nhà Tống chấn động, tuy nhiên vẫn không từ bỏ ý định xâm lược Đại Việt. Năm 1076, tướng quân Quách Quỳ, một viên tướng dày dạn trận mạc cùng Triệu Tiết đem đại binh sang xâm lược Đại Việt. Mặc dù quân Tống rất mạnh song không thể vượt qua được phòng tuyến sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt.

Tháng 2 năm 1077, thủy quân Đại Việt tràn lên bờ, đánh chiếm núi Nham Biền rồi đổ bộ xuống quân Tống. Một cuộc giao tranh ác liệt diễn ra, Quách Quỳ, Triệu Tiết đem quân sang chống đỡ. Hai bên tiêu hao nặng. Nhưng Quách Quỳ, Triệu Tiết không hề biết rằng đó chỉ là nghi binh. Đêm ấy, lợi dụng quân Triệu Tiết mệt mỏi và không đề phòng. Lý Thường Kiệt vượt sông Như Nguyệt, đánh một trận khủng khiếp trong đêm. 5 vạn quân viễn chinh của Tống bị diệt trong đêm đó. Quách Quỳ từ 10 vạn còn lại hơn 3 vạn thoi thóp như cá nằm trên thớt đợi Lý Thường Kiệt qua mổ xẻ. Sau đó, khi nhận được thư giảng hòa của Thái úy, nhà Tống mừng như bắt được vàng và nhanh chóng rút quân.

Năm 1117, Thái hậu qua đời, thọ khoảng 73 tuổi, thụy hiệu của bà là Linh Nhân Phù Thánh hoàng thái hậu. Sau đó, triều đình làm lễ hỏa táng, có ba người hầu gái được chôn theo.Tháng 8 cùng năm ấy, Linh Nhân hoàng thái hậu được chôn ở Thọ lăng, thuộc phủ Thiên Đức

Con đường

Tại Tp.HCM: nối đường Lũy Bán Bích với Đỗ Quang Chiểu - q. Tân Phú

Tại Hà Nội: nối đường đê Vàng với đường Nguyễn Bình - Gia Lâm

Tại Đà Nẵng: nối đường 30/04 với Lương Nhữ Hộc - Q. Hải Châu


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.