DNQTĐ: Nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng

Lý Chiêu Hoàng - 李昭皇(09/1218 - 03/1278), hay còn gọi là Lý Phế hậu (李廢后) hay Chiêu Thánh hoàng hậu (昭聖皇后), vị hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý từ năm 1224 đến năm 1225. Trong lịch sử Việt Nam, bà là vị Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất, đặc biệt hơn là được chính phụ hoàng Lý Huệ Tông ra chỉ truyền ngôi, dù bên trong là sự sắp đặt đầy cưỡng ép của Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, hiện đang nắm quyền lực trong triều.

Cuộc đời

Chiêu Hoàng ban đầu có tên là Lý Phật Kim (李佛金), sau đổi là Lý Thiên Hinh (李天馨); con gái thứ hai của Huệ Tông Hoành Hiếu hoàng đế và Linh Từ quốc mẫu Trần thị, sinh vào tháng 9 năm Mậu Dần (1218) tại kinh đô Thăng Long, Đại Việt, tước hiệu là Chiêu Thánh công chúa. Mẹ bà là Linh Từ quốc mẫu, là em gái ruột của Trần Thừa, cha của Trần Cảnh và Trần Liễu. Tháng 10 năm 1224, Lý Huệ Tông không có con trai, ông phải lập Chiêu Thánh công chúa làm Hoàng thái nữ, rồi truyền ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo, với tôn hiệu là Chiêu Hoàng (昭皇).

Năm 1225, họ Trần do nắm quyền hành, lần được ban tước quan trọng cho con em trong họ. Trần Bất Cập là cháu gọi Trần Thủ Độ bằng chú được phong Cận thị thự lục cục chi hậu, Trần Thiêm làm Chi ứng cục, Trần Cảnh làm Chính thủ. Trần Cảnh là con quan Thái úy Trần Thừa, mới 8 tuổi được đưa vào hầu gần Chiêu Hoàng. Trần Cảnh cùng gần tuổi với Chiêu Hoàng, được Chiêu Hoàng gần gũi, yêu mến, hay trêu đùa. Trần Thủ Độ lấy dịp đó dựng nên cuộc hôn nhân giữa Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Từ đó, nhà Trần được thành lập.

Ngày 22/11/1225, Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. 10/01/1226, Chiêu Hoàng bỏ hoàng bào mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế ở điện Thiên An, dựng lên nhà Trần, sử gọi là Trần Thái Tông. Sau khi nhường ngôi, Lý Chiêu Hoàng được phong làm Hoàng hậu, trở thành vị Hoàng hậu trẻ tuổi nhất trong lịch sử, vì khi đó bà mới 7 tuổi. Bà chung sống với Thái Tông hoàng đế hơn 10 năm, tình cảm khá sâu sắc, được Thái Tông rất yêu thương và kính trọng.

Năm Quý Tỵ (1233), Lý hoàng hậu hạ sinh ra Thái tử Trần Trịnh (陳鄭), nhưng Thái tử chết ngay sau khi sinh không lâu. Năm Đinh Dậu, Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 (1237), Thái sư Trần Thủ Độ cùng Thiên Cực công chúa lo sợ huyết thống hoàng gia bị đứt đoạn, nên ép Thái Tông phải bỏ Lý Thiên Hinh để lấy chị dâu là Thuận Thiên công chúa đang có thai 3 tháng. Thái Tông hoàng đế phản đối, đang đêm trốn khỏi kinh thành để lên gặp sư Phù Vân ở Yên Tử nương nhờ. Thái sư vừa dỗ vừa gây sức ép, cuối cùng hoàng đế cũng phải chịu nghe theo. Thuận Thiên công chúa được lập làm Hoàng hậu thay thế. Lý Thiên Hinh bị giáng làm Chiêu Thánh công chúa, không rõ hành trạng của bà trong thời gian sau khi bị giáng tước.

Năm 1258, sau cuộc chiến với quân đội Mông Cổ vào năm 1258, Trần Thái Tông gả Chiêu Thánh công chúa cho Ngự sử đại phu Lê Phụ Trần, - người có công giúp Trần Thái Tổ đánh dẹp Hoài Đạo vương Nguyễn Nộn. Chiêu Thánh công chúa sống với Lê Phụ Trần được 20 năm, sinh ra con trai là Thượng vị hầu Lê Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê. 

Tháng 3/1278, Chiêu Thánh công chúa qua đời, thọ 61 tuổi. Bà qua đời sau gần 1 năm tròn so với Trần Thái Tông (qua đời năm 1277). Tương truyền, bà về thăm quê Cổ Pháp (Bắc Ninh) thì qua đời tại đó, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn tươi như hoa đào. Bà được táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức. Bà được người đời sau lập đền thờ, gọi là Long miếu (đền Rồng)

Con đường

Tại Quảng Trị: nối đường Hiền Lương với Nguyễn Huệ - TP. Đông Hà

Tại Bắc Ninh: nối đường Vũ Giới với Cao Lỗ Vương - TP. Bắc Ninh

Tại Quảng Ngãi: nối đường Nguyễn Hữu Cảnh với Trần Thủ Độ - TP. Quảng Ngãi

Tại TP.HCM: nối đường Nguyễn Văn Luông với An Dương Vương - quận 6



Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.