DNQTĐ: Việt quốc công Lý Thường Kiệt
Cuộc đời
Ông vốn là người phường Thái Hòa của thành Thăng Long (nay là Hà Nội). Họ gốc của Lý Thường Kiệt vốn không phải họ Lý, vì ông được ban quốc tính mới được mang họ Lý. Về tên tuổi thật của ông vẫn còn là một ẩn sổ trong lịch sử, có người cho rằng ông tên là Ngô Tuấn và cũng có người cho rằng ông tên là Quách Tuấn, tự Thường Kiệt, hành trạng lúc nhỏ của ông cũng là một dấu hỏi của lịch sử.
Năm 1041, Lý Thường Kiệt còn ít tuổi, vì vẻ mặt tươi đẹp được sung làm Hoàng môn chi hậu - chức thái giám theo hầu Lý Thái Tông. Năm 1053, ông được thăng dần đến chức Nội thị sảnh đô tri. Năm 1054, Thái tử Lý Nhật Tôn kế vị, phong ông chức Bổng hành quân hiệu uý. Sau được thăng làm Kiểm hiệu thái bảo. Năm 1061, người Mường ở biên giới quấy rối. Lý Thánh Tông sai ông làm Kinh phỏng sứ toàn quyền vào thanh tra vùng Thanh-Nghệ. Ông phủ dụ dân chúng, lấy được lòng người. Tất cả năm châu 6 huyện, 3 nguồn, 24 động đều quy phục.

Năm 1072, Lý Thánh Tông qua đời. Thái tử Càn Đức mới bảy tuổi lên ngôi, sử gọi là Lý Nhân Tông. Thái phi Ỷ Lan không được dự vào việc triều đình, bèn dựa vào Lý Thường Kiệt để nắm lấy quyền nhiếp chính. Lý Thường Kiệt khi đó làm Thái uý, chức vụ ở dưới Lý Đạo Thành. Tháng 6, năm 1072, Nhân Tông ra chỉ phế truất Thượng Dương thái hậu, giam Thái hậu cùng bảy mươi hai thị nữ trong lãnh cung và bắt chôn theo Thánh Tông. Sau đó Lý Đạo Thành bị giáng chức làm tả gián nghị đại phu, ra trấn thủ Nghệ An. Ỷ Lan được tôn làm Hoàng thái hậu, buông rèm nhiếp chính, điều khiển chính sự. Từ đó Lý Thường Kiệt giữ vai trò phụ chính trong triều đình Đại Việt.

Tháng 3 năm 1076, nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hẹn với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn Đại Việt, nhưng quân Chiêm Thành và Chân Lạp không dám tiến vào Đại Việt. Quân Tống tràn xuống, theo đường tắt qua dãy núi Đâu Đỉnh, tới phía tây bờ sông Phú Lương; trong khi đó, một cánh quân tách ra, vòng sang phía đông đánh bọc hậu quân Nam ở Giáp Khẩu (Chi Lăng) và thẳng tới sông Cầu. Hoàng đế Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, lập chiến lũy sông Như Nguyệt để chặn quân Tống. Đang đêm sai người tâm phúc đọc vang bài thơ Nam quốc sơn hà trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân Đại Việt chống lại quân Tống lần thứ 2.
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
"Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ, táng đảm, không đánh đã tan". Quân Tống tiến không được, thoái không xong, hao mòn vì chiến sự và khí hậu, không được thủy quân tiếp viện. Quân Đại Việt lại tập kích, doanh trại của Phó tướng Triệu Tiết bị phá, dù quân Tống cũng giết được hai tướng Đại Việt là Hoàng Chân và Chiêu Văn. Quân Tống 10 phần chết đến 6, 7 phần. Lý Thường Kiệt biết tình thế quân Tống đã lâm vào thế bí, mà người Việt bị chiến tranh liên miên cũng nhiều tổn thất, nên sai sứ sang xin "nghị hoà" để quân Tống rút về. Quách Quỳ vội chấp nhận giảng hòa và rút quân. Vì có công, ông được ban "quốc tính", mang họ vua (do đó có họ tên là Lý Thường Kiệt), và phong làm. Khai quốc công. Sau lại có công nữa, ông được phong làm Thái úy. Ông là vị thái giám đầu tiên của nền quân chủ Việt Nam có công đức và đóng góp cho đất nước.

Tháng 6 năm Ất Dậu (1105), Thái úy Lý Thường Kiệt mất, thọ 86 tuổi. Lý Nhân Tông truy phong ông làm Nhập nội điện đô tri Kiểm hiệu Thái úy bình chương Quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công, thực ấp một vạn hộ, cho người em là Lý Thường Hiến (李常憲) được kế phong tước hầu.
Con đường
Tại Sài Gòn: nối đường Hồng Bàng với ngã tư Bảy Hiền - quận 5, 10, 11 và Tân Bình
Tại Hà Nội: nối đường Lê Thánh Tông với Lê Duẩn - q. Hoàn Kiếm
Tại Long Xuyên - An Giang: nối Trần Hưng Đạo với Lê Lợi - P. Mỹ Bình
Tại Đà Nẵng: nối đường Đống Đa với Bạch Đằng - Q. Hải Châu
Tại Cần Thơ: nối đường Ngô Gia Tự với Ngô Quyền - Q. Ninh Kiều
Tại Lâm Đồng: nối đường Chi Lăng với Trương Văn Hoàn (nhánh chính đi vào Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng tại Đà Lại của Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. HCM) - TP. Đà Lạt
Thiên Linh
Không có nhận xét nào: