DNQTĐ: Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông

Lý Thánh Tông - 李聖宗 (30/03/1023 - 01/02/1072), là vị hoàng đế thứ ba của vương triều Lý nước Đại Việt. Trong thời kỳ cầm quyền của mình, Lý Thánh Tông đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khoan giảm hình phạt, đồng thời bảo trợ Phật giáo và Nho giáo. Ông còn xây dựng quân đội Đại Việt hùng mạnh, thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn với Đại Tống và mở đất về ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính

Tiểu sử

Ông tên thật là Lý Nhật Tôn (李日尊), là con trưởng của Lý Thái Tông và Kim Thiên hoàng hậu họ Mai. Ông sinh ngày 25 tháng 2 năm Quý Hợi, (tức ngày 30 tháng 3 năm 1023) tại cung Long Đức, vào cuối thời Lý Thái Tổ.

Năm 1028, ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông sách phong Lý Nhật Tôn làm Thái tử. Năm 1033, Lý Thái Tông phong ông tước Khai Hoàng Vương và dựng cung Long Đức làm nơi ở cho ông. Tháng 2 âm lịch năm 1037, ông được Thái Tông phong làm Đại nguyên soái, cùng cha đi dẹp quân nổi dậy ở Lâm Tây (Lai Châu) và giành được chiến thắng. Tháng 2 năm 1039, Lý Thái Tông thân chinh đi đánh Nùng Tồn Phúc ở mạn tây bắc. Thái tử Nhật Tôn mới 17 tuổi được cử làm giám quốc, coi sóc kinh thành và việc triều chính. Năm 1040, ông lại được Lý Thái Tông giao quyền xét xử các vụ kiện tụng trong nước, lập cơ quan ở điện Quảng Vũ.

Mùa đông năm 1042, cư dân châu Văn (nay thuộc Lạng Sơn) làm binh biến. Ngày 1 tháng 10 âm lịch năm đó, Thái Tông phong Nhật Tôn làm Đô thống Đại nguyên soái, chỉ huy quân đội đi trấn áp. Đến ngày 1 tháng 3 âm lịch năm 1043, ông lại được cử làm Đô thống Đại nguyên soái đi dẹp loạn ở châu Ái. Cuối năm 1043, Lý Thái Tông thấy Chiêm Thành đã 16 năm không chịu sang cống, bèn quyết ý chinh phạt phương Nam. Mùa xuân năm 1044, Thái Tông tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành, giao cho thái tử Nhật Tôn làm Lưu thủ kinh sư. Trên mặt trận, quân Việt thắng to ở sông Ngũ Bồ, giết chết chúa Chiêm là Sạ Đẩu, chiếm quốc đô Phật Thệ 1 thời gian rồi về nước

Tháng 8/1054, thấy mình già yếu, Thái Tông cho phép Thái tử Nhật Tôn ra coi chầu nghe chính sự. Tháng 11/1054, Lý Thái Tông qua đời. Lý Nhật Tông lên nối ngôi, tức hoàng đế Lý Thánh Tông, lấy niên hiệu đầu là Long Thụy Thái Bình. Ông lập 8 hoàng hậu, và tôn mẹ là Mai thị làm Linh Cảm thái hậu. Ngay sau khi lên ngôi, năm 1054 Lý Thánh Tông đã đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt. Lý Thánh Tông được sử cũ mô tả là một hoàng đế nhân đức, chủ trương giảm các hình phạt trong nước. Năm 1056, nhà vua ban bố Chiếu khuyến nông. Năm 1059, Lý Thánh Tông bắt đầu áp dụng kiểu mẫu triều phục cho bá quan. Lý Thánh Tông còn là một tín đồ Phật giáo mộ đạo. Ông đã cho xây rất nhiều chùa tháp, đặc biệt, trong khuôn viên chùa Súng Khánh, nhà vua sai dựng Bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên (gọi tắt là Tháp Báo Thiên) vào năm 1056. Lý Thánh Tông còn là một thiền sư-cư sĩ, được coi là vị tổ thứ hai của Thiền phái Thảo Đường – một trong ba dòng thiền chính tại Đại Việt thời đó.

Sau khi bị Lý Thái Tông đánh bại trong chiến dịch Nam chinh năm 1044, nước Chiêm Thành một mặt cống nạp lễ vật, thú lạ cho nhà Lý, nhưng mặt khác họ ngấm ngầm thao luyện binh sĩ và thắt chặt quan hệ với nhà Tống, chờ thời cơ báo thù Đại Việt. Năm 1065, vua Chiêm là Chế Củ (Rudravarman III) đình chỉ việc cống nạp cho nhà Lý. Năm 1068 quân Chiêm kéo sang quấy nhiễu biên giới. Năm 1069, Lý Thánh Tông quyết định mở chiến dịch đánh Chiêm. Ông thân chinh cầm quân tấn công, đánh tan quân Chiêm Thành và bắt được Chế Củ. Vua Chiêm xin dâng đất ba châu là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội. Thánh Tông lấy 3 châu ấy và tha cho Chế Củ về nước.

Năm 1070, nhà vua đã xây dựng Văn miếu và tạc tượng thờ Chu Công, Khổng Tử cùng 4 học trò xuất sắc. Ông cũng cho vẽ tranh thờ 72 môn sinh của Khổng Tử và sai tế lễ bốn mùa.

Năm 1072, vua Lý Nhật Tôn qua đời ở điện Hội Hội Tiên, trị vì được 17 năm, hưởng thọ 49 tuổi. Triều đình dâng miếu hiệu là Thánh Tông, thụy hiệu là Ứng Thiên Sùng Nhân Chí Đạo Uy Khánh Long Tường Minh Văn Duệ Vũ Hiếu Đức Thánh Thần Hoàng đế và an táng ở Thọ Lăng (phủ Thiên Đức). Thái tử Lý Càn Đức lên ngôi trước linh cữu Thánh Tông, tức Lý Nhân Tông. Nhà vua mới 7 tuổi nên chỉ định mẹ đích là Thượng Dương thái hậu, mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi cùng thái sư Lý Đạo Thành trông coi chính sự.

Con đường 

Tại Hà Nội: nối đường Long Biên-Xuân Quan với Nguyễn Bình - Gia Lâm

Tại TP. HCM: nối đường Lũy Bán Bích với Phan Anh - q. Tân Phú

Tại Đà Nẵng: nối đường Ngô Quyền với Lê Văn Quý - q. Sơn Trà



Lý Nhân Tông - 李仁宗 (22/02/1066 - 15/01/1128), là vị hoàng đế thứ tư của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam .

Cuộc đời 

Ông có tên thật Lý Càn Đức (李乾德), là con trai trưởng của Lý Thánh Tông và phu nhân Ỷ Lan. Vua Lý Thánh Tông vốn hiếm muộn con trai, đến năm 43 tuổi mới sinh được Càn Đức. Nhà vua rất vui mừng; chỉ một ngày sau khi hoàng tử sinh ra, Thánh Tông lập Càn Đức làm hoàng thái tử, đổi niên hiệu thành Long Chương Thiên Tự, đại xá thiên hạ và phong Ỷ Lan làm thần phi.

Tháng 8 năm 1070, thái tử Càn Đức học tại Văn Miếu mới được xây dựng. Năm 1072, Thái tử Càn Đức 7 tuổi lên ngôi trước linh cữu, tức vua Lý Nhân Tông. Ông lấy niên hiệu Thái Ninh, tôn chính cung của vua cha là Thượng Dương hoàng hậu làm thái hậu nhiếp chính, cùng với thái sư Lý Đạo Thành cai quản quốc gia. Ông cũng phong mẹ ruột là Ỷ Lan làm hoàng thái phi. Năm 1073, Lý Nhân Tông phong người thuộc hàng Đại Liêu Ban là Lý Thường Kiệt làm Kiểm hiệu Thái úy. Cùng năm đó, vua Nhân Tông phế truất thái hậu Thượng Dương, sau đó bắt giam thái hậu Thượng Dương, rồi chôn sống Thượng Dương cùng 76 cung nhân vào lăng Thánh Tông. Thái sư Lý Đạo Thành cũng bị giáng làm Tả gián nghị đại phu, trấn thủ châu Nghệ An. Sau khi thái hậu Thượng Dương chết, Nhân Tông tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan làm thái hậu nhiếp chính, hiệu là Linh Nhân hoàng thái hậu.  Linh Nhân cùng thái úy Lý Thường Kiệt cai quản quốc gia.

Năm 1074, triều đình phục chức Lý Đạo Thành làm Thái phó bình chương quân quốc trọng sự. Lý Đạo Thành làm tể tướng đến khi mất năm 1081. Năm 1075, ngay khi nhà Tống đang tập kết lực lượng ở Ung Châu chuẩn bị tiến sang, Lý Thường Kiệt chủ động mang quân đánh sang đất Tống trước. Sang đầu năm 1076, quân Lý hạ thành Ung châu. Năm 1076, nhà Tống cử Quách Quỳ, Triệu Tiết đem đại binh sang xâm lược Đại Việt. Quân đội nhà Lý dưới sự chỉ huy của Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt đã đánh bại được đội quân nhà Tống tại trận tuyến trên sông Như Nguyệt. 1077, Quách Quỳ chấp nhận cho Đại Việt giảng hòa và rút quân trở về.

Năm 1075, ông mở khoa thi Tam trường để chọn người có tài văn học ra giúp nước. Đây là khoa thi đầu tiên của nền khoa cử Việt Nam. Triều đình chấm đỗ 10 người, thủ khoa là Lê Văn Thịnh được vào cung dạy học cho vua. Năm 1077, Nhân Tông tổ chức thi lại viên để tuyển chọn quan lại với 3 môn: thư (viết chữ), toán và hình luật. Năm 1086, nhà vua lại mở khoa thi chọn người có tài văn học vào Viện Hàn lâm. Mạc Hiển Tích đỗ đầu khoa ấy, được Nhân Tông trao chức Hàn lâm học sĩ. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên ở Việt Nam, và chọn những văn thần hay chữ vào giảng dạy. Cùng năm đó, ông ban chiếu cầu lời nói thẳng. 

Lý Nhân Tông còn được xem là người khởi công đắp những con đê lớn đầu tiên của Đại Việt. 1077, triều đình sai đắp đê trên sông Như Nguyệt, sách Đại Việt sử lược mô tả đê này "dài 67.380 bộ". Năm 1108, Nhân Tông sai đắp đê tại Cơ Xá – đây là đoạn đê sông Hồng gần cầu Long Biên ngày nay. Năm 1089, Nhân Tông duyệt lại hệ thống quan lại; ông phân bố các quan theo 9 phẩm trật. Các quan đầu triều gồm thái sư,thái phó, thái bảo và thiếu sư, thiếu uý, coi cả việc văn lẫn võ.  Năm 1123, nước Chân Lạp sang quy phụ và xin triều cống thường lệ, y như Chiêm Thành.

Năm 1128, nhà vua mất ở điện Vĩnh Quang, ở ngôi 56 năm, thọ 63 tuổi. Ông được tôn miếu hiệu là Nhân Tông, thụy hiệu là Hiếu Thiên Thể Đạo Thánh Văn Thần Vũ Sùng Nhân Ý Nghĩa Hiếu Từ Thuần Thành Minh Hiếu Hoàng Đế. Nội vũ vệ Lê Bá Ngọc tuyên đọc chiếu chỉ và giúp vua nhỏ tuổi trị nước, cùng với các đại thần Dương Anh Nhĩ, Mâu Du Đô. Thái tử Lý Dương Hoán lên nối ngôi, tức là Lý Thần Tông

Con đường 

Tại Thanh Hoá: nối đường Lý Thiên Bảo với Triệu Quốc Đạt - TP. Thanh Hoá

Tại Bắc Ninh: nối đường Trần Phú với Lý Chiêu Hoàng - TP. Từ Sơn

Tại Đà Nẵng: nối đường Thân Cảnh Phúc với Xô viết Nghệ Tĩnh - q. Cẩm Lệ


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.