DNQTĐ: Thiền sư Vạn Hạnh và Thái sư Đào Cam Mộc

Sư Vạn Hạnh - 萬行 (938 – 1018) là một tu sĩ Phật giáo Đại Cồ Việt, người châu Cổ Pháp (Bắc Ninh). Ông là một trong những trí thức Phật giáo làm cố vấn vua Lê Đại Hành, đồng thời là người thầy của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này một thời gian dài trước và sau khi triều Lý thành lập. Ông được xem là người có tài tiên đoán, đã vận dụng khả năng này để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra triều Lý, triều đại lâu dài đầu tiên trong sử nước Việt.

Cuộc đời

Thiền sư họ Nguyễn, quê châu Cổ Pháp (古法, nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), từ thuở nhỏ đã thông minh, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo. Năm 21 tuổi ông xuất gia, tu học với bạn là thiền sư Ðịnh Tuệ dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ. Sau khi Thiền Ông mất, ông bắt đầu chuyên thực tập Tổng Trì Tam Ma Ðịa, nên sau này hễ ông nói lời gì đều được thiên hạ cho là phù sấm. Vua Lê Ðại Hành rất tôn kính ông.

Năm 980, hoàng đế Đại Tống sai tướng Hầu Nhân Bảo mang quân sang đóng ở núi Cương Giáp Lãng định xâm chiếm nước Đại Cồ Việt, Lê Đại Hành triệu ông vào hỏi nếu đánh thì thắng hay bại. Ông đáp trong vòng từ ba đến bảy ngày giặc sẽ rút lui. Lời này sau ứng nghiệm. Khi Lê Đại Hành muốn xuất quân đánh Chiêm Thành để cứu sứ giả bị vua Chiêm bắt giữ nhưng còn do dự, thì Vạn Hạnh nói đây là cơ hội đừng để mất. Sau đó lời này nghiệm, và Lê Đại Hành đánh tan quân Chiêm.

Năm 1009, trong cuộc vận động Lý Công Uẩn lên ngôi, ông đã tác động dư luận quần chúng bằng sấm truyền rất hữu hiệu. Sách Thiền Uyển Tập Anh nói những loại sấm truyền và tiên tri ông dùng có rất nhiều thứ không kể hết được.

Ngày Rằm tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (tức 30 tháng 6 năm 1018), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh xá-lợi của ông về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh). Bài kệ của ông có nội dung như sau:
"Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xanh tươi thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông"
Con đường

Tại Tp.HCM: nối đường 3/2 với An Dương Vương - quận 5 và 10

Tại Long Xuyên: từ đường Lạc Long Quân đi hết đoạn đường - p. Bình Khánh 

Tại Đà Nẵng: nối đường Hòn Hoả Sơn với Lê Văn Hiến - Q. Ngũ Hành Sơn

Tại Hà Nội: nối đường Ngô Gia Tự với Đoàn Khuê - q. Long Biên



Đào Cam Mộc - 陶甘沐 (942-1015) là đại thần nhà Tiền Lê và là đại công thần nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông quê quán ở Ái Châu.

Cuộc đời

Năm 1005, Lê Long Đĩnh giết vua anh là Lê Trung Tông để lên ngôi. Lúc bấy giờ, Đào Cam Mộc đang làm chức Chi hậu, bèn ngầm liên kết với Sư Vạn Hạnh và mấy đại thần khác chờ cơ hội tôn quan Thân vệ Lý Công Uẩn lên thay. Đến năm 1009 thì mưu sự thực hiện được, vì vua Lê Long Đĩnh băng hà trong khi con trưởng Lê Cao Sạ vẫn còn ít tuổi.

Năm 1009, Lý Công Uẩn lên làm vua, khai sáng nên cơ nghiệp nhà Lý, đã phong cho Đào Cam Mộc làm Nghĩa Tín hầu (義信侯) và gả con gái là An Quốc công chúa (安國公主) dù Đào Cam Mộc lớn hơn Lý Công Uẩn 32 tuổi và khi đó đã gần 70 tuổi. Kể từ đó, Đào Cam Mộc ra sức xây dựng triều chính. Sau khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, Đào Cam Mộc đón công chúa về Vũ Bị mở trang viên.

Tháng Giêng năm Ất Mão (1015), Đào Cam Mộc mất, Lý Thái Tổ truy tặng ông là Thái sư tước Á vương.

Con đường

Tại Hà Nội: nối đường Việt Thành với Đản Dị - huyện Đông Anh

Tại Đà Nẵng: nối đường Nguyễn Xuân Ôn với Lương Nhữ Hộc - Q. Hải Châu

Tại Tp.HCM: nối hẻm 769 Phạm Thế Hiển với Phạm Hùng - quận 8


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.