DNQTĐ: Lương Thế Vinh và Vũ Hữu

Lương Thế Vinh -  梁 世 榮 (17/08/1441 – 02/10/1496), còn gọi là Trạng Lường, tên tự là Cảnh Nghị, tên hiệu là Thụy Hiên, là một nhà toán học, Phật học, nhà thơ Việt Nam thời Lê sơ. Ông đỗ trạng nguyên dưới triều Lê Thánh Tông và làm quan tại viện Hàn Lâm. Ông là một trong 28 nhà thơ của hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông lập năm 1495.

Cuộc đời

Lương Thế Vinh sinh ngày 1 tháng 8 năm Tân Dậu (tức ngày 17 tháng 8 năm 1441) tại làng Cao Hương (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng về khả năng học mau thuộc, nhanh hiểu, và khả năng sáng tạo trong các trò chơi như đá bóng, thả diều, câu cá, bẫy chim.

Năm 1463, Lương Thế Vinh đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhất danh (trạng nguyên) khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4, đời Lê Thánh Tông. Vua Lê Thánh Tông ban tặng Cờ hoa Tam Khôi cho ba vị đỗ đầu. Các năm sau đó, ông làm quan với các chức Trực học sĩ, Thị thư và Chưởng viện sự ở viện Hàn lâm. Ông mất ngày 26 tháng 8 năm Bính Thìn (tức ngày 02 tháng 10 năm 1496) tại quê nhà, thọ 55 tuổi

Tác phẩm

Lương Thế Vinh nổi tiếng với tài năng toán học. Quyển Đại thành toán pháp của ông được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Ông cũng được xem là người chế ra bàn tính gẩy cho người Việt, lúc đầu làm bằng đất rồi bằng trúc, bằng gỗ, sơn màu khác nhau, đẹp và dễ tính, dễ nhớ.

Về toán học, Lương Thế Vinh đã để lại: Đại thành Toán pháp, Khải minh Toán học

Về lịch sử hát chèo: Hý phường phả lục

Về Phật học: Thiền môn Khoa giáo (còn gọi là Thích điển Giáo khoa). Bài tựa sách Nam Tông Tự Pháp Đồ (sách lịch sử đạo Phật Việt Nam do thiền sư Thường Chiếu, tịch năm 1203, viết ra)

Con đường

Tại Hà Nội: nối đường Cương Kiên với Trần Phú – quận Nam Từ Liêm

Tại Đà Nẵng: nối đường An Hải với Ngô Quyền - Q. Sơn Trà

Tại Thừa Thiên Huế: nối đường Hoàng Hoa Thám với Hùng Vương - TP. Huế

Tại TP. HCM: nối đường Tân Hoà Đông với Luỹ Bán Bích – quận Tân Phú



Vũ Hữu - 武有 (1437–1530) là một nhà toán học người Việt, và cũng là một danh thần dưới triều đại Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông. Ông còn được coi là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam.

Cuộc đời

Ông người làng Mộ Trạch (nay là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Năm 1463, ông đỗ Hoàng giáp. Năm 1467, ông đưa hối lộ trong cuộc thi khoa Hành từ, bị vua Lê Thánh Tông trách phạt

Vũ Hữu đã kinh qua các chức vụ như Khâm hình viện lang trung, Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lễ trong triều đình nhà Hậu Lê, sau được tặng phong Thái bảo. Mặc dù về hưu năm 70 tuổi, đển năm 90 tuổi (1527), ông vẫn được vua tin dùng, sai mang cờ tiết đi phong vương cho Mạc Đăng Dung. Khi đó ông có tước là Tùng Dương hầu.

Công trình toán học ông để lại cho hậu thế nổi bật là Lập Thành Toán Pháp (立 成 算 法). Sách này gồm cách đo ruộng, tính diện tích ruộng; hình vẽ các thửa ruộng có hình phức tạp và cách tính diện tích loại ruộng này; cách tính bằng bàn tính, bằng phép cửu chương, cửu quy; một số bài tính đố, có cho biết đáp số. Các phép đo ruộng đất được tính theo đơn vị mẫu, sào, thước (24 mét vuông) và tấc (1/10 thước).

Sách Công dư tiệp ký ghi lại câu chuyện sau: Vua Lê Thánh Tông muốn thử tài của Vũ Hữu, nên đã giao cho ông sửa chữa ba cửa Đoan Môn, Đại Hưng và Đông Hoa của thành Thăng Long. Tuân lệnh, Vũ Hữu dùng thước đo chiều cao, chiều dài, chiều rộng của các cửa thành và tính ra số gạch đá, vật liệu phải dùng. Kết quả là khi xây xong, đá không thừa một tấc, gạch không thiếu một viên, quy mô các cửa thành được sửa chữa không sai một ly, một tấc. Vua Lê Thánh Tông rất hài lòng đã ban chiếu khen thưởng Vũ Hữu.

Con đường

Tại Đà Nẵng: nối đường Ỷ Lan với Tiểu La - Q. Hải Châu

Tại Khánh Hoà: nối đường Nguyễn Bặc với Phạm Văn Đồng - TP. Nha Trang

Tại Hà Nội: nối đường Khuất Duy Tiến với Lương Thế Vinh – Q. Thanh Xuân


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.