DNQTĐ: Quách Đình Bảo và Quách Hữu Nghiêm

Quách Đình Bảo (1434 – 1508), quê xã Thái Phúc huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình, là một trong 18 vị quan phò tá có công lao và tài đức nhà Lê sơ. Ông là một thành viên của Tao đàn nhị thập bát tú, do vua Lê Thánh Tông sáng lập.

Cuộc đời

Ông sinh trưởng trong gia đình thư lại ở địa phương. Thuở nhỏ, ông cùng các em nổi tiếng chăm học (người em út là Quách Hữu Nghiêm sau cũng đỗ Hoàng giáp năm 1466). Tháng năm Quý Mùi (1463), ông đi thi Hội và đỗ Hội nguyên, cùng đỗ với Lương Thế Vinh và 42 người khác. Ngày 16 tháng 2 (tức 5 tháng 3 năm 1463), ông dự thi Đình. Khi truyền lô ngày 22 (tức 11 tháng 3), Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Đức Trinh đỗ Bảng nhãn, còn ông đỗ Thám hoa.

Sau khi đỗ Thám hoa, ông ra làm quan với chức Trực học sĩ trong viện Hàn lâm. Thời đại của ông là đời vua Lê Thánh Tông, một minh quân hàng bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, người hết sức quý trọng nhân tài. Do đó, cùng với Lương Thế Vinh, và nhiều nhân tài khác được vua trọng dụng, Quách Đình Bảo đã đem hết tài năng và sức lực ra cống hiến cho vương triều nhà Lê. Năm Canh Dần (1470), niên hiệu Hồng Đức thứ nhất, Quách Đình Bảo được cử đi sứ nhà Minh, cùng với Nguyễn Đình Mỹ, bàn về việc Chiêm Thành. Sau khi đi sứ thành công, về nước năm Tân Mão (1471), ông được thăng Đông các hiệu thư, phó Đô ngự sử kiêm Tả xuân phường, Tả trung doãn (phẩm trật thuộc hàng chánh tam phẩm, có nhiệm vụ chỉ bảo Thái tử học hành). 

Năm 1483 vua Lê Thánh Tông thăng ông lên chức Thượng thư bộ Lễ kiêm Tả xuân phường, Tả trung doãn. Trên cương vị thượng thư bộ Lễ, là bộ cai quản trực tiếp việc khoa cử, lựa chọn nhân tài, năm 1485 ông đã trình tấu khởi xướng việc phân loại lại và định danh các tiến sĩ đỗ các khoa thi nho học nhà Hậu Lê trước đó cho phù hợp với quy định năm 1472 của vua Lê Thánh Tông. Ngoài việc được giao phụ trách chính xây dựng bia tiến sĩ thì ông cùng Thân Nhân Trung và các danh thần khác soạn lời cho các bia tiến sĩ (năm 1484 vua Lê Thánh Tông mới khởi sự lập bia tiến sĩ, bia đầu tiên là bia tiến sĩ năm 1442). Do làm việc ngay thẳng công bằng, năm 1485, ông được đổi sang làm Thượng thư bộ Hình. Năm 1494, vua Lê Thánh Tông lập ra Tao đàn, tập hợp 28 vì sao sáng trên bầu trời thơ văn Đại Việt lúc đó như: Lê Thánh Tông, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm, Lương Thế Vinh, Lê Hoằng Dục, Nguyễn Đình Mỹ,... cho ra đời nhiều tập thơ: Hồng Đức quốc âm thi tập, Quỳnh uyển cửu ca, Cổ tâm bách vịnh, Xuân văn thi tập,... thì ông là một thành viên tích cực của Tao đàn.

Năm 1484, Lê Thánh Tông sai ông ghi chép họ tên thứ bậc các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất Đại Bảo năm thứ 3 (1442) triều Lê Thái Tông đến khoa Giáp Thìn Hồng Đức năm thứ 15 (1484), tổng cộng 10 khoa, để bộ Công khởi công dựng bia Tiến sĩ. Nhân đây, Quách Đình Bảo xin đổi Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa thành Tiến sĩ cập đệ; Chánh bảng thành Tiến sĩ xuất thân; Phụ bảng thành đồng Tiến sĩ xuất thân.

Ông mất ngày mùng 1 tháng 7 năm Mậu Thìn (1508), thọ 74 tuổi. Khu lăng mộ của ông rộng 3 sào đất, được giữ nguyên làm di tích ở Thái Phúc. Dân làng Vân Tiến, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định, là nơi ông Bảo dẫn 4 ông họ Nguyễn về mở ấp, lập đền thờ ông như thành hoàng làng từ 500 năm nay. 

Tác phẩm

Tập thơ Anh hoa hiếu trị, năm 1468. Các bộ sử có công sức đóng góp của ông, gồm: Thiên nam dư hạ tập, năm 1483, là bộ sách gồm 100 quyển, ghi chép mọi chế độ, luật lệ, văn thư, điển lễ, cáo sắc của Việt Nam từ các triều đại phong kiến trước đó cho đến nhà Hậu Lê. Thân chinh ký sự, năm 1483, biên soạn cùng Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào Cử và Đàm Văn Lễ.

Con đường

Tại tph. HCM: nối đường Phan Văn Năm với Văn Cao – quận Tân Phú

Tại Thái Bình: nối đường Trần Thủ Độ với Trần Đại Nghĩa - TP. Thái Bình




Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm - 郭有嚴, (03/10/1442-1503), quê xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình, quan nhà Lê sơ, dưới hai đời vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông, tới chức Thượng thư bộ Lại kiêm Đô ngự sử.

Cuộc đời

Quách Hữu Nghiêm sinh ngày 3 tháng 10 năm Nhâm Tuất (1442). Tất cả anh em nhà ông (mà người anh cả là Quách Đình Bảo) đều theo học quan Tế tử Quốc tử giám Nguyễn Thành. Năm 1466, đời vua Lê Thánh Tông, ông thi đình đỗ Hoàng giáp, là một trong ba người đỗ đầu khoa thi đó. Sau một thời gian làm quan ở Hàn lâm viện, ông được cử giữ chức Tả thị lang bộ Lễ. 

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân đi dẹp Chiêm Thành, lấy Quách Đình Bảo và Đỗ Nhuận làm quan đông các hiệu thư, Quách Hữu Nghiêm làm ký lục quân vụ, Ngô Sĩ Liên làm sử quan. Ông lo việc thư ký quân vụ, giải quyết việc ghi chép sổ sách, tổng hợp binh, lương... và truyền đạt mệnh lệnh. Khi đó Quách Hữu Nghiêm 29 tuổi được hầu bên Vua là vinh hạnh lớn. Ông siêng năng, sổ sách mạch lạc, tấu trình việc quân việc lương rành mạch, được vua yêu, cho gần thuyền ngự, ở gần long trại. Đầu năm Tân Mão (1471), quân Đại Việt đánh vào tận kinh thành Chà Bàn (Vijaya, Bình Định), bắt được vua Chiêm là Trà Toàn. Kể từ đây, Chiêm Thành bị sáp nhập vào Đại Việt. Không còn nạn Chiêm Thành quấy nhiễu kinh đô Thăng Long nữa. Khi đại quân chiến thắng trở về, qua cửa Đại Càn (cửa Cờn), Quách Hữu Nghiêm được Vua và anh cả Quách Đình Bảo cho lưu lại quê ngoại ít ngày. Duyên trời xui khiến, bà Hồ Thị Thành có tin vui. Chín tháng sau thì sinh được Quách Quý Công, sau trở thành Anh Kiệt tướng quân và thành tổ chi họ Quách Hữu ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh Kiệt tướng quân sau này được cử làm thượng tướng, coi quân cẩm y vệ, luôn hầu giá bên vua.

Quách Hữu Nghiêm làm việc tại Hàn Lâm Viện, giữ chức Tả Lang Bộ Lễ. Ông được cử làm đề điệu (Chánh chủ khảo) các khoa thi đình năm Canh Tuất (1490), Quý Sửu (1493), Bính Thìn (1496). Năm 1484, ông đã tâu với vua Lê Thánh Tông và được Vua chấp thuận về việc cải cách chế độ học bổng với học sinh Quốc Tử Giám. Không dừng lại ở lĩnh vực giáo dục khoa cử, với chức trách làm việc ở Ngự sử đài, trung thực nói thẳng, giám sát và xét thật công bằng việc của trăm quan trước mặt Nhà vua. Cùng năm 1484, ông được phong phó Đô ngự sử Ngự sử đài.  

Thời vua Hiến Tông năm 1499 khi cụ Nghiêm nghiên cứu về pháp luật trước bối cảnh xã hội lúc đó, tệ quan liêu, cường hào đã làm cho dân chúng khổ sở. Cụ Nghiêm tấu trình và được Vua chấp thuận, khiến kẻ gian ác biết được sợ hãi mà không dám buông tuồng hung bạo. Năm Canh Thân (1500), ông được thăng Thái thường tự khanh. 

Năm Nhâm Tuất 1502, Quách Hữu Nghiêm giữ chức Chánh sứ sang nhà Minh với duyên cớ tạ ơn mũ áo, nhằm tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao mềm dẻo với họ. Với trách nhiệm nặng nề là cầm đầu đoàn sứ bộ, song với tài thông minh, lanh lẹ ứng đối, xử lý các công việc như thần, Quách Hữu Nghiêm đã tỏ ra là một nhà ngoại giao xuất sắc mà có lẽ công việc này cũng là đắc trí nhất trong đời làm quan của Cụ. 

Tháng 3/1503, khi sắp về nước sứ ta vào bệ kiến vua Minh để tạ từ, nhân nhìn thấy trên sân rồng ánh nắng chiếu qua cái lọng bị thủng lỗ (có lẽ là mái nhà thủng), vua Minh đã ra câu đối rằng: "Ốc lậu nhật xuyên hình như kê noãn tam tam tứ tứ". - Nhà thủng mặt trời xuyên qua, hình như trứng gà ba ba bốn bốn. Sứ ta đối lại: "Giang trường phong lộng thế tự long lân điệp điệp trùng trùng". - Sông lớn gió thổi giống như vẩy rồng trùng trùng điệp điệp. Vua Minh thấy ông đối chỉnh ý, chỉnh chữ mà hùng khí lẫm liệt, ngợi khen hết lời. Qua tài thông minh, ứng đối mau lẹ qua các bài biểu, bài tâu đối trí, những lần được mời lên trên điện, vua Minh ban cho áo đại hồng có thêu con dê thần và đám mây bằng kim tuyến xen chỉ tơ sống, chỉ gai. Giao cho thượng thư bộ binh cấp cho đoàn sứ bộ ta một thuyền lớn để trở về nước. Vua Minh ban cho Quách Hữu Nghiêm bốn chữ "Tam Đại Di Tài", xếp ông là nhân tài thời tam đại. Lần đi sứ này đoàn sứ bộ Việt Nam được Bắc Kinh đón tiếp rất trọng thể, đưa lại kết quả rất tốt đẹp và có thể nói rằng chưa có trong lịch sử ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trước đó.

Tháng 7 năm Quý Hợi (1503), sứ bộ về đến Thăng Long. Vua Lê Hiến Tông khen ông: "Toàn quân mệnh, tráng quốc uy", nghĩa là làm vẻ vang quốc thể, rạng rỡ quân vương và thăng lên chức thượng thư Bộ Lại. Vua lưu giữ cụ Nghiêm tại kinh thành hai tháng, rồi cho phép về thăm quê. Về tới bến Côn Giang, ông sai quân mở chiếc hòm quý ra, thấy có bốn chữ bằng bạch kim "Côn Giang lão nhân". 

Tương truyền tự nhiên ông không ốm mà mất. Sau đó trời nổi phong ba và thuyền quan bị đắm. Trên thuyền khi đó còn có 92 quan quân tùy tùng cũng mất theo. Hôm ấy là ngày 9/9 năm Quý Hợi (1503). Ông hưởng thọ 62 tuổi. Vua Lê Hiến Tông vô cùng thương xót, ban tặng thụy hiệu là "Táp Trai", cấp cho quan tài đồng, cử qụan Bộ Lễ về tế. Nhà Vua còn phong sắc là "Thượng Đẳng Thần".

Con đường

Tại Thái Bình: từ đường Bùi Quang Dũng đi đến hết đường - TP. Thái Bình

Tại tph. HCM: từ đường Thoại Ngọc Hầu đi đến hết đường – quận Tân Phú


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.