DNQTĐ: Đàm Văn Lễ và Nguyễn Sư Hồi
Cuộc đời
Đàm Văn Lễ tự là Hoằng Kính, người xã Lam Sơn, (nay là huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Từ nhỏ ông đã nổi tiếng là thần đồng, thi Hương đỗ giải nguyên.
Năm 1469 đời Lê Thánh Tông, ông đi thi lần đầu đã đỗ Đồng tiến sĩ lúc 18 tuổi, được vào triều ban chức Hiệu lý Viện hàn lâm. Năm 1483 ông được thăng lên làm Thị thư Viện Hàn lâm, cùng Thân Nhân Trung tham gia soạn bộ Thiên Nam dư hạ tập. Năm 1488, ông làm chánh sứ sang Trung Quốc mừng vua Minh Hiến Tông mới lên ngôi. Khi trở về ông được thăng làm Phó ngự sử, làm giám khảo khoa thi Điện năm 1493. Sau đó ít lâu ông được thăng làm Thượng thư bộ Lễ kiêm đại học sĩ Đông các. Ông vâng mệnh soạn bài văn bia Chiêu lăng thần đạo.
Năm 1499, sứ nhà Minh sang sách phong cho vua Lê Hiến Tông mới lên ngôi, ông ra đón tiếp và cùng bàn việc lễ nghi. Ông được Hiến Tông phong kiêm chức Tả xuân phường hữu dụ đức. Năm 1504, Lê Hiến Tông bệnh nặng. Nguyễn Kính phi là mẹ hoàng tử Lê Tuấn muốn con mình thay thái tử Thuần, nên mang vàng hối hộ ông. Đàm Văn Lễ không nhận rồi cùng Ngự sử Nguyễn Công Bật lập thái tử Thuần làm vua, tức là vua Lê Túc Tông. Lê Túc Tông yểu mệnh chỉ làm vua nửa năm thì qua đời cuối năm 1504. Lê Tuấn được lập lên ngôi, tức là vua Lê Uy Mục. Uy Mục thù Đàm Văn Lễ không ủng hộ mình làm vua, bèn giáng ông ra làm quan ở thừa tuyên Quảng Nam. Khi Đàm Văn Lễ đi đến sông Chân Phúc, vua Uy Mục sai người đuổi theo ép ông tự sát. Ông gieo mình xuống sông chết, năm đó 54 tuổi. Sau này Lê Tương Dực khởi binh lật đổ Uy Mục đã truy phong và tế ông để nêu gương tiết nghĩa.
Con đường
Tại tph. HCM: nối đường Nguyễn Khoa Đăng với Trương Gia Mô – quận 2
Tại Đà Nẵng: nối đường Lê Thạch với Nguyễn Huy Tưởng – quận Cẩm Lệ
Tại Nghệ An: nối đường Nguyễn Xí với Trần Quang Diệu – tph. Vinh
Nguyễn Sư Hồi - 阮師回 (12/06/1444 - 1506) là một đại thần thời Lê, con trai của công thần Nguyễn Xí. Ông từng giữ chức vụ chỉ huy lực lượng thủy quân Đại Việt ở phía Nam, có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, giữ vững biên cương, được tôn làm Thành hoàng làng Vạn Lộc (nay là phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An). Ông bị cho là tội đồ trong vụ án thơ năm Quang Thuận thứ 3 (1462), vu cáo 4 đại thần bấy giờ là Lê Niệm, Nguyễn Lỗi, Lê Thọ Vực, Trịnh Văn Sái, làm chấn động triều đình lúc bấy giờ
Cuộc đời
Theo tài liệu, Nguyễn Sư Hồi nguyên tên là Đình Khôi, do thân phụ được ban quốc tính nên sử có lúc chép tên là Lê Sư Hồi, sinh ngày 26 tháng 5 năm 1444 âm lịch, triều vua Lê Nhân Tông, nguyên quán làng Thượng Xá, (nay là xã Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An). Thân phụ ông là công thần khai quốc Nguyễn Xí, lão thần qua mấy triều vua. Tương truyền, từ nhỏ ông đã biểu lộ tư chất thông minh nhanh nhẹn, khi trưởng thành giỏi cả văn lẫn võ.
Trong cuộc binh biến năm 1460, ông được cho là đã phụ tá đắc lực cho cha trong việc chỉ huy cấm binh lật đổ Lê Nghi Dân, phò tá Gia vương Lê Tư Thành lên ngôi. Chính sử không ghi chép rõ về quan lộ của Sư Hồi. Lê Thánh Tông luận công ban thưởng, ban ruộng thế nghiệp cho một số công thần. Nguyễn Sư Hồi và Lê Nhân Khoái mỗi người 130 mẫu; từ Trịnh Văn Sái trở xuống 22 người đều được cấp ruộng nhiều ít khác nhau. Ông tuy được phong chức Tả đô đốc, nhưng chưa được ban cho quốc tính
Vào khoảng tháng 3, 1462, một bài thơ tứ tuyệt nặc danh rơi trên phố được tìm thấy với nội dung như sau:
Nhân hữu nhị tâm vưu khả nghi,
Tự lai chung cánh hiếu vi phi.
Thổ biên hữu hoặc chân dung bạo,
Thủy tại tây bàng xã tắc nguy.
Tạm dịch
Người có hai lòng rất đáng nghi,
Giống chữ "lai" đó thích vi phi.
Bên "thổ" có "hoặc" thực hung bạo,
"Thủy" sát bên "tây" xã tắc nguy.
Triều đều định tội cho Sư Hồi là tác giả bài thơ và định cho ông tội chết. Tuy nhiên vua Lê Thánh Tông xét công cha con ông nên đã tha ông tội chết và phủ dụ các đại thần, cho rằng không đủ bằng chứng để kết tội ông là tác giả bài thơ trên, cũng như nội dung bài thơ không có ý phản nghịch. Chính sử đều ghi chép ông vì xung đột với các đại thần trên nên mới làm bài thơ vứt ra đường nhưng chưa kịp lưu truyền thì bị phát giác. Tháng Chạp âm lịch, năm 1463, vua ra dụ trách cha con ông về tội ăn của đút lót.
Năm 1469, ông được giao chỉ huy lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển phía Nam Đại Việt, gồm 12 cửa lạch (Thập nhị hải môn) kéo dài từ cửa biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào đến Cửa Tùng (Quảng Trị). Khi vào trấn nhậm, ông đã chọn vùng cửa Xá cạnh làng Thượng Xá quê hương làm đại bản doanh. Ông cũng cho xây dựng một tuyến phòng thủ ven biển dài từ mũi Gươm đến đồn tiền tiêu nhằm phóng giữ các cuộc tấn công của quân Chiêm Thành. Ông cũng quan tâm phát triển kinh tế, chiêu tập dân cư, dùng các tù binh để khai phát đất đai, đắp đê ngăn mặn, khai hoang lập ấp, lập nên làng Vạn Lộc.
Theo thần phả, ông qua đời ngày 21/05/1506 âm lịch, triều vua Lê Túc Tông, tại vùng Cửa Xá. Theo Thần phả đền Vạn Lộc, ông được truy phong tước "Thái bảo phò mã đô úy tham dự triều chính". Sau khi ông qua đời, nhân dân trong vùng ghi nhớ công ơn mà lập đền thờ và tôn ông làm Thành hoàng. Trải qua thăng trầm, đền thờ ông được dời đến vùng đất cạnh sông Cấm như ngày nay.
Con đường
Tại Nghệ An: nối đường Nguyễn Chí Thanh với Đặng Thai Mai – tph. Vinh
Thiên Linh
Không có nhận xét nào: