DNQTĐ: Đàm Thận Huy và Dương Trạch Nguyên

Đàm Thận Huy - 譚愼徽 (1463 - 1526), hiệu Mặc Trai (默齋), là quan nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông làm quan trải các đời: Lê Thánh Tông (8 năm), Lê Hiến Tông (6 năm), Lê Túc Tông, Lê Uy Mục (5 năm), Lê Tương Dực (7 năm), Lê Chiêu Tông (5 năm). Thời gian cuối, ông giúp Lê Chiêu Tông tập hợp nghĩa binh chống lại Mạc Đăng Dung, sau tuẫn tiết mà mất. Ông còn là thành viên của Hội Tao Đàn do Lê Thánh Tông là Nguyên súy, nổi tiếng một thời.

Cuộc đời

Đàm Thận Huy sinh năm Nhâm Ngọ (1463), người làng Ông Mặc (còn gọi là Hương Mặc hay làng Me), (nay là TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Năm 28 tuổi, ông thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ suất thân năm 1490 đời Lê Thánh Tông, tên ông xếp thứ 17 trong danh sách. Khi vào thi Điện, Lê Thánh Tông thân ra đề văn sách, Binh bộ Thượng thư Trịnh Công Đán và Hình bộ thượng thư Lê Năng Nhượng làm đề điệu, Ngự sử đài Phó đô Ngự sử Quách Hữu Nghiêm làm giám thí, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung và Lại bộ Thượng thư Nguyễn Bá Ký làm độc quyển. Những người đỗ khoa này, sau tham gia Hội Tao Đàn gồm có: Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn, Dương Trực Nguyên, Lưu Dịch, Phạm Đạo Phú. Năm Hồng Đức thứ 25 (1494), Đàm Thận Huy được tham gia Hội Tao Đàn, xếp thứ 26 trong số 28 hội viên. 

Từ khoảng thời Cảnh Thống (Lê Hiến Tông) đến đời Đoan Khánh (Lê Uy Mục), Đàm Thận Huy có một thời gian làm quan ở dưới huyện. Tháng 12/1509, nội bộ triều đình nhà Lê lục đục: Lê Tương Dực khởi nghĩa giết Lê Uy Mục, rồi tự lên làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận. Tháng 1/1510, Lê Tương Dực ban công những người ứng nghĩa, phong tước công cho bảy người, tước hầu cho hai người. Đàm Thận Huy vì có công ứng nghĩa trong nên được thăng Hình bộ thượng thư kiêm Hàn lâm viện thị độc, Chưởng Hàn lâm viện sự. Tháng hai năm ấy, Đàm Thận Huy được cử làm chánh sứ sang nhà Minh trình bày sự việc Tương Dực phế truất Uy Mục và cầu phong. Cùng đi có Đông các hiệu thư Nguyễn Thái, Đô cấp sự trung Lê Thừa Hưu, Thông sự Nguyễn Phong,... Sau khi đi sứ trở về, tháng 5 năm Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), Đàm Thận Huy được thăng Lại bộ thượng thư, kiêm coi Chiêu văn quán, Tú lâm cục. Kỳ thi Đình tháng 2/1514, Đàm Thận Huy được cử trông coi việc thi.

Tháng 4/1516, triều đình nhà Lê lại lộn xộn: Ở ngoài, bọn Trần Cảo nổi lên, tiến sát kinh thành Thăng Long. Bên trong, Trịnh Duy sản giết Lê Tương Dực, lập Lê Chiêu Tông lên làm vua, lấy niên hiệu Quang Thiệu. Quang Thiệu vẫn tin dùng Đàm Thận Huy và cử giữ chức Lễ bộ thượng thư.  Tháng 10/1518, Lê Chiêu Tông chính thức lấy Đàm Thận Huy làm Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư nhập thị kinh diên, tước Lâm Xuyên Bá. Lúc này Đàm Thận huy đã 56 tuổi. Nhà Lê ngày càng suy vi, sắp đến ngày sụp đổ. Các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi. Trong triều, Mạc Đăng Dung ngày càng lấn quyền vua. 

Cuối tháng 7/1522, Lê Chiêu Tông bỏ kinh thành Thăng Long chạy ra Sơn Tây, Mạc Đăng Dung lập Lê Cung Hoàng lên làm vua, dùng chiêu bài này đánh Lê Chiêu Tông. Ngày 16 tháng 8 năm ấy, Đàm Thận Huy nhận huyết chiếu lui về Bắc Giang mộ binh khởi nghĩa (cùng đi có học trò là Thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm và một số văn thần, võ tướng khác), đóng quân ở bờ sông Ninh Kiều. Sau bị Mạc Đăng Dung phá, phải rút về đóng ở Thọ Thành huyện Yên Thế.  Song tình thế không thể cứu vãn, Lê Chiêu Tông bị bắt, quân ứng nghĩa bị Mạc Đăng Dung đánh cho tan tác. Hà Phi Chuẩn bị bắt đưa về kinh, thắt cổ chết. Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xí đi trốn, rồi chết ở châu Văn Uyên, trấn Lạng Sơn. 

Ngày 3/8/1526, ban đêm, ông cùng với những người ứng nghĩa, nhìn về Lam Sơn xa xăm, vừa lạy vừa khóc, rồi uống thuốc độc tự vẫn. Phu nhân Nghiêm Thị Hiệu (em gái bạn đồng khoa là Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm, người làng Quan Độ, ngay cạnh làng Me) và hai người con gái út của ông cũng tuẫn tiết ở vùng Yên Thế Thượng, Bắc Giang.

Năm 1527, Mạc Đặng Dung đoạt hẳn ngôi nhà Lê, xem ông là người trọng nghĩa nên đã cho rước hài cốt ông về chôn ở làng và ban sắc, phong tước hầu cho ông. Tương truyền khi sắc ấy rước về đến chợ Dầu thì bỗng bùng cháy mất. Mọi người kinh sợ cho là hồn ông linh thiêng, không thèm nhận sắc phong của Nguỵ Mạc. Năm Bính Ngọ (1666), triều vua Lê Huyền Tông đời Lê Trung Hưng, theo lời tâu của Tham tụng Phạm Công Trứ, triều đình tuyên dương 13 công thần tiết nghĩa đời Chiêu Tông, trong đó đã nêu rõ khí tiết và công của ông, phong ông là Tiết nghĩa Đại Vương, ban thuỵ là Trung Hiến. Triều đình còn xếp ông vào hàng kiệt tiết, dực vận tán trị công thần, đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tước phong Thiếu bảo, Lâm xuyên hầu, được gia tặng: "Tráng tiết đôn nghĩa minh di trợ hoá quang ý trắc vĩ dực bảo trung hưng thượng đẳng thần" và cho dân lập đền thờ ở làng Hương Mạc, đặt tên là "Tiết nghĩa từ", lệnh cho quan huyện hàng năm, mùa xuân, mùa thu phải đến tế. Từ đó, trải các triều đều có sắc phong tặng.

Tác phẩm tiêu biểu của ông còn để lại cho đời là Mặc Trai thi tập (默齋詩集); bao gồm: Phụng hoạ Ngự chế Quỳnh uyển cửu ca: hoạ đủ 9 bài. Chùm thơ ba bài: Phụng hoạ Ngự chế: Tư gia tướng sĩ. Phụng hoạ Ngự chế: Lục vân động. Phụng hoạ Ngự chế: Anh tài tử. Sĩ hoạn châm quy.

Con đường

Tại tph. HCM: nối đường Lê Thúc Hoạch với Vườn Lài – quận Tân Phú

Tại Bắc Giang: nối cầu sông Thương với cầu Chui – tph. Bắc Giang 



Dương Trực Nguyên (1468 - 1509) là danh thần nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông là thành viên hội Tao đàn Nhị thập bát Tú

Cuộc đời

Dương Trực Nguyên người làng Thượng Phúc, trấn Sơn Nam (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội). Năm 1490 đời Lê Thánh Tông, ông đỗ Nhị giáp tiến sĩ khi 23 tuổi. Năm 1492, ông được phong làm Hiệu lý Viện hàn lâm rồi đổi sang làm Hiến sát Hải Dương. Được ít lâu, vì ông làm trái ý vua Thánh Tông nên phải xuống chức cũ. Do có tài văn thơ, ông trở thành một trong 28 vị trong hội thơ Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông là "nguyên súy".

Thời Lê Hiến Tông, ông được thăng làm Cấp sự trung Lại khoa. Do liêm khiết, ông được tăng lương. Ít lâu sau, ông được thăng làm Phủ doãn phủ Phụng Thiên (Hà Nội), rồi Hữu thị lang Bộ Hình. Năm 1502, ông đổi sang làm Tả thị lang Bộ Binh coi việc thi ở điện. Cuối năm 1502, ông được thăng làm Thị lang Bộ Lễ, kiêm coi việc ở Viện Hàn lâm. Đầu năm 1505 thời Lê Uy Mục, ông đổi sang Bộ Hộ, kiêm việc ở Chiêu văn quán.

Cuối năm 1509, Giản Tu công Lê Oanh cùng tướng Nguyễn Văn Lang khởi binh ở Thanh Hoa chống lại vua Uy Mục. Khi quân nổi dậy tiến đến gần kinh thành Thăng Long, ông được lệnh cùng tướng Lê Vũ mang quân ra chống lại. Khi đối trận với quân Nguyễn Văn Lang, quân triều đình bị thua. Lê Vũ tử trận, ông cùng các tướng Phạm Thịnh, Trần Năng tiếp tục chiến đấu, nhưng cuối cùng cả ba người đều bị tử trận tại Châu Cầu. Năm đó ông 42 tuổi. Lê Oanh tiến vào kinh thành giết Lê Uy Mục và lên ngôi, trở thành vua Lê Tương Dực. 

Năm 1512, triều đình Lê Tương Dực truy tặng ông làm Ngự sử đài trung đô ngự sử, được phong làm phúc thần, nhân dân địa phương thờ cúng

Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.