DNQTĐ: Lưu Nhân Chú

Lưu Nhân Chú - 劉仁澍 (?-1433), hay Lê Nhân Chú, là công thần khai quốc nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam, người xã An Thuận Thượng (nay là huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Lưu Nhân Chú tham gia hội thề Lũng Nhai (1416), tham dự khởi nghĩa Lam Sơn từ buổi ban đầu. Ông tham gia các trận đánh ở ải Khả Lưu, trận thành Tây Đô, chiến dịch Chi Lăng Xương Giang, lập nhiều công lao. Sau khi chiến thắng quân Minh, ông được vua Lê Thái Tổ phong chức Tể tướng, đứng đầu hàng võ, kiêm coi chính sự nhà nước. Năm 1433, ông bị Đại tư đồ Lê Sát đầu độc chết.

Cuộc đời 

Lưu Nhân Chú thời trẻ nhà nghèo, làm nghề buôn bán. Trong một đêm ông nằm ngủ trọ ở đền thờ thần, nằm mộng được điềm tốt. Sau đó ông vào Lam Sơn, theo Lê Lợi, được làm Thứ thủ ở vệ kỵ binh trong quân Thiết đột. Năm 1416, ông ở trong số 18 người cùng dự Hội thề Lũng Nhai với Lê Lợi, thề cùng nhau đánh đuổi quân Minh xâm lược. Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn, ông theo Lê Lợi chiến đấu vùng núi Chí Linh, xông pha tên đạn, ra vào trận mạc trải qua nhiều gian khổ.

Năm 1424, trong trận đánh ở ải Khả Lưu, ông dũng cảm xông lên trước hãm trận, thu được toàn thắng, nổi tiếng một thời. Năm 1425, ông cùng các tướng Đinh Lễ, Lê Sát, Lê Triện đánh úp phá quân Minh ở thành Tây Đô, được phong chức Thông hầu. Mùa thu năm 1426, Lê Lợi đang vây thành Nghệ An, sai Lưu Nhân Chú cùng các tướng Bùi Bị, Lê Sát, Lê Khuyển, Lê Nanh mang 2000 quân ra lộ Trường Yên, Thiên Trường, Tân Hưng, Kiến Xương để chặn đường về của quân Minh do Phương Chính, Lý An chỉ huy, khi cánh quân định bỏ Nghệ An đưa quân về cứu Đông Đô. Khi chiếm được các đất Trường Yên, Thiên Trường, Tân Hưng, Kiến Xương ông cùng hội quân với Bùi Bị, Lê Bồi, Lê Vị Tẩu tiến sang địa giới các lộ Khoái Châu, Lạng Giang, Bắc Giang lược định các châu huyện để chặn viện binh của quân Minh từ Khâu Ôn tiến sang.

Tháng 3 năm 1427, ông được phong chức Hành quân đô đốc tổng quản, Nhập nội đại tư mã, lĩnh 4 vệ Tiền, Hậu, Tả, Hữu, kiêm coi việc quân Tân vệ. Tới tháng 6 năm đó ông được phong chức Tư không.  Mùa thu năm 1427, tướng nhà Minh là Liễu Thăng mang 10 vạn quân kéo sang giải vây cho Vương Thông. Lưu Nhân Chú được lệnh cùng Lê Sát mang 1 vạn quân, 5 thớt voi đực lên trước ải Chi Lăng để đợi. Ông cùng hợp mưu với Lê Sát, sai Trần Lựu giả thua để nhử Liễu Thăng ở Chi Lăng rồi tung quân mai phục ra đánh úp. Kết quả quân Lam Sơn chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên, sau đó lại chém Bảo định bá Lương Minh tại trận. Hai tướng Minh còn lại là Hoàng Phúc và Thôi Tụ cố tiến, Lưu Nhân Chú và Lê Sát chặn đánh, giết được 2 vạn người. Sau đó, khi Hoàng Phúc và Thôi Tụ kéo tới Xương Giang mới biết thành này đã bị quân Lam Sơn hạ, phải đóng quân giữa đồng không. Lê Lợi sai Lê Lý cùng Lê Văn An, Lê Khôi mang quân tới tiếp ứng cho Lưu Nhân Chú tổng tiến công quân Minh ở Xương Giang, giết và bắt sống toàn bộ quân địch. Tướng Hoàng Phúc cũng bị bắt. Ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi, tức 10 tháng 12 năm 1427, Lưu Nhân Chú theo Lê Lợi và 13 tướng lĩnh tham gia Hội thề Đông Quan với tướng Vương Thông nhà Minh. Quân Minh cam kết rút về nước. Sau hội thề Đông Quan, quân Minh rút về nước. Lê Lợi lên ngôi vua, tức là Lê Thái Tổ, Lưu Nhân Chú được họ vua thành Lê Nhân Chú và được phong làm Suy trung Tán trị Hiệp mưu Dương vũ công thần, nhập nội kiểm hiệu, Bình chương quân quốc trọng sự, đứng đầu hàng võ trong triều đình, kiêm coi chính sự nhà nước.

Tháng 5 năm 1429, Lê Thái Tổ sai khắc biển công thần, Lưu Nhân Chú được phong làm Á thượng hầu, tên đứng hàng thứ 5. Vua Lê Thái Tổ phong con trưởng Lê Tư Tề làm Quốc vương và con thứ Nguyên Long làm Hoàng Thái tử. Lưu Nhân Chú là một trong 7 vị đại thần mang kim sách phong cho 2 người. Năm 1431, ông được chuyển làm nhập nội tư khấu. 

Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông lên thay còn nhỏ, Tư đồ Lê Sát làm phụ chính. Lê Sát ghen ghét ông, ngầm sai người đánh thuốc độc giết hại ông. Năm 1437, Lê Thái Tông khôn lớn, tự mình cầm quyền, biết được nỗi oan của ông, đã trị tội giết chết Lê Sát. Năm 1484, Lê Thánh Tông truy tặng ông làm Thái phó Vinh quốc công.

Con đường

Tại Saigon: nối hẻm 766/92/3 đường Cách mạng tháng 8 với Phạm Văn Hai – quận Tân Bình

Tại Hà Nội: nối quốc lộ 3 với Phù Đổng – Sóc Sơn

Tại Thái Nguyên: nối cầu Sông Điền với đường 3/2 - TP. Thái Nguyên

Tại Đà Nẵng: nối đường Trần Văn Đang với Nguyễn Nho Tuý – quận Cẩm Lệ



Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.