DNQTĐ: Phạm Vấn và Lê Văn Linh

Phạm Vấn - 范 問; (? - 1436) là công thần khai quốc nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam, người thôn Nguyễn Xá (nay là Thiệu Hóa, Thanh Hoá)

Con đường

Phạm Vấn là người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ buổi ban đầu, giúp Lê Lợi trong thời gian khó khăn nhất của cuộc khởi nghĩa. Ngày 17 tháng 1 năm 1418, Phạm Vấn là một trong số ít các tướng vẫn kiên cường theo Lê Lợi ẩn vào trong núi Chí Linh, bị tuyệt lương 3 tháng, sau đó trở về Lam Sơn sau khi quân Minh rút đi

Năm 1420, Lê Lợi đóng quân ở Mường Thôi, thổ quan Quý Châu theo quân Minh là Cầm Lạn dẫn tướng Minh là Lý Bân và Phương Chính mang quân vào đánh quân Lam Sơn. Phạm Vấn cùng Nguyễn Lý, Lý Triện mang quan ra chặn địch, phối hợp với quân chủ lực của Lê Lợi phục binh ở Bồ Mộng, chiếm lấy chỗ đồi cao đánh bại quân Minh, chém 3000 tên. Năm 1422, quân Minh huy động thêm quân nước Ai Lao (Lào) hai đường đánh tới, Lê Lợi rút về Sách Khôi. Quân địch dồn đại binh kéo tới bao vây. Phạm Vấn cùng Lê Lĩnh, Lý Triện mang quân ra tử chiến, chém được tướng địch là Phùng Quý và hơn 1000 quân, bắt được hơn 100 ngựa, Mã Kỳ và Trần Trí thua chạy về Đông Quan (Hà Nội), quân Ai Lao cũng bỏ chạy. Quân Lam Sơn thu được hơn trăm con ngựa.

Năm 1423, Lê Lợi thu quân về núi Chí Linh, bị địch vây tuyệt lương trong 2 tháng. Phạm Vấn ở bên cạnh Lê Lợi, ra sức động viên vỗ về quân sĩ không ngã lòng, được Lê Lợi phong làm thượng tướng quân. Sau thời kỳ giảng hoà với quân Minh để củng cố thực lực, năm 1424, quân Lam Sơn và quân Minh khai chiến trở lại. Lê Lợi mang quân vào Nghệ An. Trên đường đi, quân Lam Sơn đánh thành Trà Lân. Khi đến Bồ Đằng, tướng Minh là Sư Hựu và Phương Chính mang quân ra chặn trước sau. Phạm Vấn cùng các tướng ra quân cố sức đánh lui được Hựu và Chính. Sau đó, quân Lam Sơn đánh chiếm châu Trà Lân, bức hàng tù trưởng Cầm Bành và tiến vào Nghệ An. Khi quân Lam Sơn sắp đánh thành Nghệ An thì các tướng Minh mang quân đánh dữ dội vào cửa Khả Lưu. Phạm Vấn cùng Lê Sát xông lên phá trận, phá tan quân Minh, chém Hoàng Thành, bắt sống Chu Kiệt, quân Minh chết rất nhiều dưới sông. Phương Chính bỏ chạy vào thành Nghệ An. Quân Lam Sơn kéo tới bổ vây thành, thanh thế rất mạnh, các huyện Nghệ An đều quy phục. Phạm Vấn được phong làm thiếu uý

Năm 1427, sau nhiều chiến thắng ở Bắc Bộ, quân Lam Sơn vây chặt Đông Quan và phá tan đạo viện binh của Liễu Thăng, chém Thăng ở Chi Lăng. Các tướng dưới quyền Thăng là Thôi Tụ, Hoàng Phúc cố cầm cự, kéo tới Xương Giang và tìm cách liên lạc với Vương Thông ở Đông Quan. Lê Lợi sai Phạm Vấn cùng Lê Khôi mang quân tiếp ứng cho Lê Sát đang vây Thôi Tụ ở Xương Giang. Các cánh quân Lam Sơn tổng tấn công giết 5 vạn quân Minh, bắt hàng số còn lại và các tướng Minh. Viện binh bị phá, Vương Thông xin giảng hoà rút về nước. Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi.

Tháng 2 năm 1428, Phạm Vấn được trao chức Vinh lộc đại phu, Tả kim ngô vệ đại tướng quân, tước Thượng trí tự, phong là Suy trung tán trị hiệp mưu bảo chính công thần. Ít lâu sau, ông lại được thăng làm Nhập nội kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự và làm tể phụ đứng đầu. Ngày mồng 3, tháng 5, năm 1429 Lê Thái Tổ ban biển ngạch công thần cho 93 viên, gồm có 9 bậc thì Phạm Vấn trong số 3 người công thần hạng cao nhất là Huyện thượng hầu cùng Lê Sát, Phạm Văn Xảo. Năm 1429, vua Lê Thái Tổ phong con trưởng Lê Tư Tề làm Quốc vương và con thứ Nguyên Long làm Hoàng Thái tử. Phạm Vấn là một trong 7 vị đại thần mang kim sách phong Quốc vương và Hoàng Thái tử Năm 1431, ông được phong làm Nhập nội kiểm hiệu Đô đốc quận hầu. Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, ông cùng Lê Sát nhận di chiếu làm phụ chính cho vua nhỏ Lê Thái Tông.

Năm 1436, ông mất, được truy tặng làm Thái phó, đặt tên thuỵ là Tuyên Vũ. Năm 1484, Lê Thánh Tông tặng ông tước Thái phó, Trấn quận công.

Con đường 

Tại Đà Nẵng: nối đường Trương Định với Trần Đức Thông - Q. Sơn Trà

Tại Saigon: nối đường Lê Thúc Hoạch với Nguyễn Sơn – quận Tân Phú



Lê Văn Linh - 黎文靈 (1376 - 1448) là công thần khai quốc nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam, làm quan trải ba triều vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông người huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân), Thanh Hoá, Việt Nam.

Cuộc đời

Lê Văn Linh sinh ra cuối thời nhà Trần. Ông nổi tiếng về văn học từ nhỏ. Trang ấp của ông, hổ dữ làm hại, ông viết thư trách mắng, hổ bỏ đi, người ta ví ông với Hàn Dũ đuổi cá sấu. Lúc Lê Lợi thời ký bí mật ở núi Lam Sơn, Lê Văn Linh hăng hái theo về. Năm 1418, Lê Lợi phát động khởi binh chống nhà Minh tại Lam Sơn, Lê Văn Linh là văn thần phò giúp. Ông là quan văn cùng với Lê Thận, Lê Văn An là những tướng võ luôn đi sát bảo vệ Lê Lợi.

Năm 1426, tướng nhà Minh là Lý An, Phương Chính bỏ thành Nghệ An lúc ấy đang bị Lê Lợi cho quân bao vây, chỉ để Thái Phúc giữ thành, vượt biển chạy ra Đông Quan. Lê Lợi cho rằng thời cơ không thể bỏ mất, cho Lê Ngân, Lê Văn An, Lê Bôi, Lê Điền, Lê Lĩnh, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng ở lại vây thành Nghệ An, còn nhà vua cất quân đuổi theo Lý An, Phương Chính. Ngày mồng 3, tháng 5, năm 1429, vua ban biển ngạch công thần cho 93 viên, Lê Văn Linh được ban tước Hương Thượng Hầu cùng với Lê Lý, Lê Quốc Hưng. Ngày 7 tháng 1 năm 1429, với chức Nhập nội Thiếu phó, Lê Văn Linh là một trong 7 vị đại thần mang kim sách lập Quốc vương Lê Tư Tề và Hoàng Thái Tử Nguyên Long. Năm 1429, Lê Văn Linh được phong làm Nhập nội Thiếu phó rồi đổi sang làm Hữu bật.

Năm 1434 vua Lê Thái Tông ra lệnh cho Nhập nội thiếu bảo Lê Quốc Hưng; Nhập nội hữu bật Lê Văn Linh làm lễ tấu cáo ở Thái miếu, rước thần chủ mới của Thái Tổ và Quốc thái mẫu vào thờ ở Thái miếu. Ngày mồng 6, tháng 3, năm 1435, sau khi đúc xong ấn báu, nhà vua sai Lê Văn Linh lúc ấy giữ chức Hữu Bật làm lễ tế cáo. Ngày 21, tháng 11, Lê Văn Linh được cử làm Tham đốc, cùng với Tư mã tây đạo Lê Bôi làm Tổng quản cầm vệ quân 5 đạo và hai vạn trấn quân Nghệ An đánh dẹp tù trưởng châu Ngọc Ma là Cầm Quý, bắt được Cầm Quý.

Năm 1437, Tư đồ Lê Sát chuyên quyền, bị vua Lê Thái Tông xử án phải bãi chức. Lê Văn Linh và Lê Ngân cùng tâu xin giảm tội cho Lê Sát nhưng Thái Tông không nghe. Lê Sát hận Lê Ngân được Thái Tông cho thay chức, ngầm nuôi võ sĩ định giết Ngân. Việc bị lộ, Thái Tông kết án xử tử Lê Sát, rồi ra chiếu kết tội Lê Sát và những người cùng cánh. Lê Văn Linh bị liên lụy vì vụ án Lê Sát, bị giáng xuống làm Tả bộc xạ. Ít lâu sau, ông lại được thăng làm Tri từ tụng sự.

Sang thời Lê Nhân Tông, ông được thăng làm Thái phó. Năm 1448, Lê Văn Linh qua đời, thọ 72 tuổi, truy tặng Khai phủ, tên thụy là Trung Hiến. Ông theo Phật gia, trước khi mất ông dặn lại con mời các bậc cao tăng tụng kinh ba tuần chay, bảy tuần giới, đừng làm đám linh đình.

Con đường

Tại Saigon: nối đường Đoàn Văn Bơ với Nguyễn Tất Thành – quận 4

Tại Hà Nội: nối đường Lý Nam Đế với Phùng Hưng – quận Hoàn Kiếm

Tại Đà Nẵng: nối đường An Hoà 4 với Đặng Văn Ngữ - quận Cẩm Lệ


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.