DNQTĐ: Cảnh quốc công Lê Sát
Lê Sát - 黎察 (? – 1437) là chính khách, nhà quân sự, tể tướng Đại Việt thời Lê sơ. Ông đến từ làng Bỉ Ngũ (nay thuộc Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa), là một trong những công thần khai quốc của hoàng triều Lê.
Cuộc đời
Lê Sát sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông "trí dũng hơn người". Năm 1418, Lê Lợi xưng Bình Định vương khởi binh ở Lam Sơn, Lê Sát tham gia khởi nghĩa từ đầu, theo Lê Lợi trải bao gian hiểm.
Năm 1425, nghĩa quân vây thành Nghệ An. Quân Minh tập trung cứu thành Nghệ An. Bình Định vương Lê Lợi cho rằng các thành Tây Đô (nay ở vào khoảng giữa hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã suy yếu, liền sai chọn 2000 quân tinh nhuệ, 2 thớt voi, giao cho các tướng Lê Lễ, Lê Sát, Lê Nhân Chú và Lê Triện, Lê Bị đi gấp theo đường đất đánh úp thành Tây Đô, chém được hơn 500 thủ cấp, bắt sống được rất nhiều. Bấy giờ người Thanh Hóa tranh nhau đến cửa quân xin liều chết đánh giặc. Lê Lợi sai quân vây thành Tây Đô. Tháng 8 âm lịch năm 1426, Lê Lợi sai 3 cánh quân tiến ra Bắc, cánh quân do Lý Triện, Đỗ Bí và Đinh Lễ, Nguyễn Xí chỉ huy đánh bại 10 vạn quân của tổng binh Thành Sơn hầu Vương Thông ở trận Tốt Động, Chúc Động. Lê Lợi bèn sai các tướng chia quân đi đánh các thành: Lê Quốc Hưng đánh hai thành Điêu Diêu, và Thị Cầu; Lê Khả và Lê Khuyển đánh thành Tam Giang; Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lý, Lê Lãnh và Lê Triện đánh thành Xương Giang; Lê Lựu và Lê Bôi đánh thành Khâu Ôn.
Năm 1427, nghĩa quân bao vây Vương Thông ở thành Đông Quan. Quân Minh ở Nghệ An, Điêu Diêu đầu hàng, quân Minh bị đánh gấp bỏ thành Khâu Ôn, thành Xương Giang chưa bị phá. Hai tướng vây cửa Nam thành Đông Quan là Đinh Lễ và Lý Triện bị tử trận khi Vương Thông đánh úp ra, Lê Sát, Nguyễn Lý, Trịnh Lỗi, Nguyễn Chích được điều về vây mặt nam Đông Quan. Tháng 6 âm lịch năm 1427, Lê Sát được thăng làm Tư mã, Lê Lợi sai ông cùng Thái úy Trần Nguyên Hãn đánh gấp thành Xương Giang. Trần Nguyên Hãn cùng Lê Sát sai đào địa đạo đi ngầm vào thành, lại huy động quân dùng câu liêm, giáo dài, nỏ cứng, tên lửa, súng lửa từ 4 mặt ập vào thành. Tháng 9 âm lịch, thành Xương Giang thất thủ, các tướng Minh Kim Dận và Lý Nhậm đều tự sát, Vương Thông phải viết 2 bài văn tế. Lê Sát, Trần Nguyên Hãn đem đàn bà con gái và ngọc lụa thu được trong thành chia hết cho quân sĩ. Ngày 25 tháng 9 âm lịch, Lê Lợi sai Lê Văn An và Lê Lý mang quân lên tiếp viện cho Lê Sát, Lê Nhân Chú ở núi Mã Yên. Lê Sát cùng các tướng lại xung trận, đánh thắng quân Minh, giết được Bảo Định bá Lương Minh. Hôm sau, Lý Khánh cũng chết. Thôi Tụ và Hoàng Phúc lên nắm quyền chỉ huy. Quân Minh tuy thua nhưng còn đông và mạnh, Lê Sát chủ trương vây đánh, chặn giữ các đồn ải quanh vùng Chi Lăng và chặn đường về, chỉ để ngỏ đường đến Xương Giang. Thôi Tụ dự tính vào thành Xương Giang làm nơi trú quân để phối hợp với Vương Thông, nhưng khi tiến đến Xương Giang mới biết là thành đã bị quân Lam Sơn hạ. Thôi Tụ phải đóng quân ngoài cánh đồng Xương Giang. Tháng 10 âm lịch năm 1427, quân Lam Sơn tổng tấn công, thắng quân Minh một trận lớn, tiêu diệt 5 vạn quân Minh, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng hơn 3 vạn quân. Lê Sát được tính có công đầu trong trận này.
Năm 1428, đất nước thái bình, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, tức Lê Thái Tổ, lấy niên hiệu Thuận Thiên, định đô ở Đông Kinh, khôi phục nước Đại Việt. Lê Sát được ban hiệu Suy trung Tán trị Hiệp trung mưu quốc công thần. Nhập nội Kiểm hiệu Tư khấu Bình chương quân quốc trọng sự (tể tướng). Ngày 3 tháng 5 âm lịch năm 1429, Lê Thái Tổ ban biển ngạch công thần cho 93 viên, Lê Sát được phong Huyện thượng hầu, công hàng thứ nhất. Năm 1429, Lê Thái Tổ sai Lê Sát cùng 6 vị đại thần mang kim sách lập con trưởng là Lê Tư Tề làm Quốc vương, giúp trông coi việc nước, và Lê Nguyên Long là Hoàng thái tử. Lê Sát được sự tín nhiệm của Lê Thái Tổ trong việc ủy thác phò trợ con nhỏ là thái tử Lê Nguyên Long mới lên 10 tuổi. Năm 1433, ông được Lê Thái Tổ gia phong làm Dương Vũ tĩnh nạn công thần, thăng làm Đại tư đồ.
Tháng 8 nhuận âm lịch năm 1433, Lê Thái Tổ mất, hoàng thái tử Lê Nguyên Long kế vị, tức vua Lê Thái Tông, ông chịu cố mệnh phụ chính. Năm 1434, do là bậc có công đầu, ông làm thủ tướng. Lê Sát ghét Tư khấu Lê Nhân Chú nên đã vu cáo để giết đi, lại ngờ em của Nhân Chú là Lê Khắc Phục oán mình, nên xin đoạt quyền hành của Khắc Phục. Lê Khắc Phục bị bãi chức Nam đạo Hành khiển, cho làm Phán đại tông chính, cho coi việc hành ngục. Do đó các công thần đều sợ, lại thêm ông dùng hình phạt quá nghiêm khắc tàn bạo. Tháng 4 âm lịch năm 1434, giám sinh Nguyễn Đức Minh theo gia đình đến trường giám, thấy có lá thư nặc danh dán ở trên tường ngôi chùa bên đường, lá thư viết rằng Đại tư đồ Lê Sát và Đô đốc Lê Vấn cùng lập mưu giết Lê Nhân Chú. Giám sinh Nguyễn Đức Minh nói bô bô gọi mọi người đến xem rồi xé bỏ, vứt xuống nước. Có người tốt cáo chuyện đó, Lê Sát ngờ rằng giám sinh họ Nguyễn viết, đem tra khảo, Đức Minh không chịu nhận. Hình quan cho rằng tội trạng không rõ ràng nên Đức Minh chỉ bị đi đày và tịch biên tài sản. Quan đồng tri Bắc đạo Bùi Ư Đài xin chọn những bậc kỳ lão vào hầu để khuyên răn nhắc bảo vua, bên ngoài đặt chức sư phó để chỉ huy trăm quan. Lê Sát giận lắm. xin giao Ư Đài cho ngục quan xét hỏi, ghép vào tội ly gián vua tôi. Vua Lê Thái Tông không nghe, Lê Sát tâu 4 lần, Thái Tông đều không nghe. Các đại thần Nguyễn Thiên Hựu, hữu bật Lê Văn Linh đều nghe lời Lê Sát, nhà vua bất đắc dĩ phải đày Bùi Ư Đài, trong lòng vua bắt đầu ghét Lê Sát.
Lúc Lê Thái Tông mới lên ngôi, vua Chiêm Thành đem quân dòm ngó biên giới Đại Việt, không lâu sau lại rút về. Đến tháng 9 âm lịch năm 1434, Chiêm Thành mang thư và lễ vật sang cống để cầu hòa thân. Tháng 6 âm lịch năm 1434, Lê Sát làm xong chùa Thanh Đàm và Chiêu Độ gồm hơn 90 gian, vô cùng tráng lệ. Nhà vua thấy Lê Sát là người có công lớn, truy phong hai đời (cha và ông nội) của Lê Sát.
Tháng 6 năm 1435, Lê Sát cùng các đại thần thấy vua mới 13 tuổi, hàng ngày cùng với bọn hầu cận chơi trong cung, muốn chọn những kẻ túc nho vào để khuyên bảo vua. Họ cử Hành khiển thừa chỉ Nguyễn Trãi, Trung thư thị lang Trình Thuấn Du và văn thần năm, sáu người cùng với vài ba đại thần chia phiên nhau vào hầu Kinh diên. Vua Lê Thái Tông trả lại tờ tâu không nhận. Năm 1435, Lê Sát lại tâu Lê Thái Tông phải giết hoạn quan Nguyễn Cung mà Thái Tông ưa dùng. Thái Tông không nghe theo. Lê Thái Tông lên 14 tuổi, sai người cưỡi voi đấu với sơn dương, sơn dương bị cùng quẫn, lấy sừng húc bừa vào voi, voi sợ chạy, ngã xuống giếng chết. Lê Sát, Lê Ngân, Phan Thiên tước tới can, vua lặng im.
Năm 1437, Thái Tông đã lớn và biết xử lý công việc. Tháng 6 năm đó, vua bàn với các cận thần muốn triệu Trịnh Khả là người từng bị Lê Sát đuổi ra làm quan ở ngoài về kinh giữ chức Đồng tổng quản, cầm cấm binh để kiềm chế bớt quyền hành của ông. Tháng 7 năm 1437, Lê Thái Tông ra lệnh phế truất con gái ông là Nguyên phi Lê Ngọc Dao làm dân thường, rồi ra chiếu kết tội Lê Sát và những người cùng cánh.
Tháng 7 năm 1437, Lê Sát tự vẫn chết tại nhà. Vợ con và điền sản của ông bị tịch thu. Những người cùng phe hoặc từng nói đỡ tội cho ông cũng bị phạt: Tham đốc Lê Văn Linh bị giáng xuống làm Tả bộc xạ, Điện tiền đô kiểm điểm Lê Ê bị giáng xuống làm Đồng tổng quản lộ Quy Hóa. Hai người cùng bị truy đoạt tấm biển "công thần" được ban cho từ thời Lê Thái Tổ. Năm 1453, Lê Nhân Tông đại xá, cấp cho con cháu ông 100 mẫu ruộng quan điền. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông truy tặng ông chức Thái bảo, Cảnh quốc công.
Con đường
Tại Saigon: nối đường Gò Dầu với Tân Hương – quận Tân Phú
Tại Đà Nẵng: nối đường Núi Thành với Xô viết Nghệ Tĩnh – quận Hải Châu
Tại Long Xuyên - An Giang: nối đường Nguyễn Thái Học với Nguyễn Xí – phường Mỹ Bình
Thiên Linh
Không có nhận xét nào: