DNQTĐ: Nguyễn Mộng Tuân và Lý Tử Tấn
Nguyễn Mộng Tuân - 阮夢荀 (1380 - ?) là một Khai quốc công thần, đồng thời cũng là một danh sĩ đã có nhiều đóng góp vào phát triển của Nho giáo thời Lê sơ.
Cuộc đời
Cuộc đời
Nguyễn Mộng Tuân, tự Văn Nhược, hiệu Cúc Pha, sinh năm 1380, không rõ năm mất, quê ở xóm Chằm, làng Viên Khê, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông đỗ Thái Học Sinh, kỳ thi năm Canh Thìn (1400), tháng 8 mùa thu, đời nhà Hồ, với đầu đề bài thi là "Linh Kim Tàng Phú" hỏi về chuyện Hán Cao Tổ có cái kho chứa gươm. Khi khởi nghĩa Lam Sơn, ông tìm đến Lê Lợi và được Lê Lợi tin dùng. Sau đại thắng quân Minh ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế. Nguyễn Mộng Tuân được phong tước Á Hầu giữ chức Khu Mật Mật Đại Sử.
Đến thời Lê Thái Tông (1434-1442), ông giữ chức Trung thư lệnh và Đô úy. Sang đời Lê Nhân Tông (1442-1459), ông giữ chức Tả nạp ngôn, Thượng Khinh Xa Đô Úy, Tri quân dân Bắc đạo; Nguyễn Mộng Tuân cùng với Lê Thụ đi đánh Chiêm Thành, thắng lợi trở về được ban tước Vinh Lộc đại phu.
Nguyễn Mộng Tuân tham gia giám khảo các kỳ thi Tiến sĩ khoa Nhâm Tuấn (1442) với vai trò là Trung Thử sảnh, Trung Thư Thị Lang; và kỳ thi năm Mậu Thìn (1448) - Môn hạ sảnh Tả ty Tả nạp ngôn Tri Bắc đạo quân dân bạ tịch. Nguyễn Mộng Tuân từng tiếp các đoàn sứ bộ của các nước, đặc biệt ông còn được mời vào dạy vua học ở tòa Kinh Diên, và từng giữ chức Tế tửu (hiệu trưởng) Quốc Tử Giám, được vua trọng ban cho lễ ưu đãi tuổi già. Nhưng cuối đời Nguyễn Mộng Tuân vẫn không tránh được hậu họa. Hậu duệ của Nguyễn Mộng Tuân đã chuyển đến làng Phủ Lý Nam xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa sinh sống kể từ cuối thế kỷ XV và đổi tên lót từ Nguyễn Mộng sang Nguyễn Xuân kể từ đó.
Tác phẩm
Nguyễn Mộng Tuân là tác giả của Cúc Pha tập (143 bài), là tác gia để lại số lượng phú lớn nhất (41 bài) trong văn học cổ Việt Nam. Tuy nhiên hiện Cúc Pha tập đã bị thất truyền. Thơ chữ Hán của Nguyễn Mộng Tuân được chép rải rác trong nhiều sách khác nhau, số bài được tuyển cũng khác nhau, sách chép nhiều nhất là 140 bài, ít nhất là 6 bài. Cụ thể như sau: Sách Hoàng Việt thi tuyển có 6 bài. Sách Hoàng Việt tùng vịnh: thơ của Nguyễn Mộng Tuân được tuyển 6 bài. Sách Tinh tuyển chư gia luật thi chép 99 bài thơ của Nguyễn Mộng Tuân. Đặc biệt là Toàn Việt thi lục chép số lượng thơ của ông nhiều nhất, gồm 140 bài thơ. Có thể kể đến như: Hạ Thừa chỉ Ức Trai tân cư, Tặng Gián nghị đại phu Nguyễn công, Tặng Tế tửu Vũ công trí sĩ,...
Ngoài thơ, Nguyễn Mộng Tuân cũng là một tác gia có số lượng đáng kể về thể loại phú chữ Hán. Sách Quần hiền phú tập chép được 41 bài của Nguyễn Mộng Tuân, đó là con số ít thấy ở các tác gia Hán Nôm. Trong đó có nhiều bài thể hiện chan chứa tình cảm yêu thương đất nước, không khí chiến thắng vang dội một thời như: Lam Sơn giai khí phú, Kỳ nghĩa phú...
Về văn, ông soạn Thái úy từ đường chi bi - bia viết về Thái úy Trịnh Khả (hiện nay tấm bia đặt ở từ đường Trịnh Khả thuộc xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, tình trạng bia khá mờ), và có một bài trong sách Thanh Trì, Quang Liệt Chu thị di thư.
Con đường
Tại Đà Nẵng: nối đường Tống Duy Tân với Nam Trân – quận Liên Chiểu
Tại tph. HCM: nối đường Trương Văn Bang với Đồng Văn Cống – TP. Thủ Đức
Lý Tử Tấn (1378 – 1457), thường gọi bằng tên tự là Tử Tấn, người làng Triều Đông, huyện Thượng Phúc (Hà Đông), là nhà thơ, làm quan thời Lê sơ, đỗ Thái học sinh khoa Canh Thìn (1400), năm Thánh Nguyên đời Hồ Quý Ly. Lý Tử Tấn làm quan đến Học sĩ viện Hàn lâm các, trải 3 đời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông.
Cuộc đời
Lý Tử Tấn là người ở làng Triều Đông (sau đổi là Triều Liệt) (nay thuộc xã Tân Minh, Thường Tín, Hà Nội). Năm 1400, ông thi đỗ Thái học sinh lúc 32 tuổi, cùng khoa với Nguyễn Trãi, thời Hồ Quý Ly, nhưng không làm quan cho nhà Hồ. Vào khoảng cuối cuộc kháng chiến chống Minh của nghĩa quân Lam Sơn, ông đến yết kiến nơi hành tại, được Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi), khen là người học nhiều, sai giữ chức Văn cáo tức là làm nhiệm vụ thảo công văn, giấy tờ, thư tín.
Sau đó, ông tiếp tục làm quan dưới triều nhà Lê, trải qua ba đời vua: Lê Thái Tổ (1428- 1433), Lê Thái Tông (1434-1442), Lê Nhân Tông (1443-1459), trải các chức: Thông phụng đại phu, Hành khiển Bắc đạo, Thừa chỉ viện Hàn lâm, vào hầu giảng ở tòa Kinh Diên. Theo Từ điển Văn học (bộ mới), dưới triều Lê Thái Tổ, ông có đi sứ Chiêm Thành. Khi Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn ông đã thay Nguyễn Trãi thảo nhiều chiếu lệnh, chế cáo và thư từ. Ông mất năm 1457, thọ 79 tuổi.
Tác phẩm
Lý Tử Tấn có Chuyết Am thi tập (chữ Hán), nhưng hiện chỉ còn 5 bài phú chép trong Quần hiền phú tập do Hoàng Tụy Phu (1414-?) sưu tập, và 73 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (1726-1784). Ngoài ra, ông cũng có làm lời thông luận cho bộ Dư địa chí của Nguyễn Trãi; hiệu chính và phê điểm trong bộ Việt âm thi tập.
Sáng tác của ông gồm 2 phần: Phần đầu mang tử lạc quan, tích cực của thời kỳ kháng chiến chống Minh và những năm rực rỡ của nhà Lê sơ; gồm các bài như: Hạ tiệp (Mừng thắng trận), Hạ đăng cực (Mừng vua lên ngôi), Quan duyệt võ (Xem duyệt võ), Tứ hải nhất gia (Bốn bể một nhà); và nhất là 2 bài phú: Chí Linh sơn phú (Phú núi Chí Linh) & Xương Giang phú. Phần thứ hai, ông nói đến lý tưởng sống thanh cao, thường phác họa mình là một con người sống đạm bạc, thường tự nhủ mình hãy sống theo "đạo trời", vì "đạo trời" sẽ chi phối tất cả. Ở đây còn có cái cô đơn vì nhà thơ cảm thấy chán nản trước mọi chuyện phức tạp của trường danh lợi; cho nên thơ ông có đôi chút băn khoăn, nhưng không đến mức bi phẫn. Tiêu biểu ở mảng thơ này có bài như: Hạ nhật (Ngày hạ), Sơ thu (Đầu thu), Lý Tử Tấn đề Ức trai bích (Lý Tử Tấn đề vách nhà Ức trai), Tạp hứng (2 bài)...
Con đường
Tại Đà Nẵng: nối đường Trần Nguyên Hãn với Lê Đức Thọ - quận Sơn Trà
Tại Quảng Bình: nối đường Bạch Đằng với Phạm Văn Đồng - TP. Đồng Hới
Tại Bình Định: nối đường Hồ Sĩ Tạo với Hoàng Quốc Việt – tph. Quy Nhơn
Thiên Linh
Không có nhận xét nào: