DNQTĐ: Ngô Chi Lan

Ngô Chi Lan - 吳芝蘭 (1434 - 1497), biểu tự là Quỳnh Hương (瓊香), thường được gọi là Kim Hoa nữ học sĩ (金華女學士) hoặc Phù Gia nữ học sĩ (苻家女學士), là một nữ sĩ dưới triều Lê Thánh Tông trong lịch sử Việt Nam. Bà là chị em họ với Lê Thánh Tông, cháu gái của Quang Thục hoàng thái hậu, thân phận rất cao quý. Thuở ban đầu của nền văn học Việt Nam, Ngô Chi Lan là một nữ sĩ tài năng và là một trong những nữ nhà thơ đầu tiên, có vai trò quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam.

Cuộc đời

Ngô Chi Lan, người làng Phù Lỗ (tục gọi làng Sọ), (nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội). Tương truyền, Ngô Chi Lan là cháu gái của Ngô Thị Ngọc Dao, là Tiệp dư của Lê Thái Tông. Khi người cô này được tuyển vào cung, lúc ấy Ngô Chi Lan tuổi hãy còn nhỏ nhưng cũng được đi theo hầu. Đến khi Ngô Tiệp dư mang thai, trong nội cung xảy ra lắm chuyện lục đục, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ phải đưa Ngô Tiệp dư đi trốn, thì Ngô Chi Lan cũng được vợ chồng này đem về cho ở trong nhà, nhận làm con nuôi, cải thành họ Nguyễn và đổi tên là Hạ Huệ (夏慧).

Năm 1442, bị vu tội trong Vụ án Lệ Chi Viên, cha mẹ nuôi phải nhận án tử hình. Ngô Chi Lan liền cải dạng, đổi lại tên thật, trốn đi ở nhiều nơi, cho đến khi Lê Thánh Tông lên ngôi, bà mới dám trở về. Bà nổi tiếng đẹp người, đẹp nết, giỏi thi ca, thông hiểu âm nhạc và viết chữ đẹp. Chính vì vậy, mà bà đã được Lê Thánh Tông ban hiệu là Kim Hoa nữ học sĩ; cho dự nhiều cuộc xướng họa thơ văn, và cho bà đảm đương việc dạy lễ nghi và văn chương cho các cung nhân.

Chồng của bà là Phù Thúc Hoành (苻儵閎), người làng Phù Xá, tuy không đỗ đạt, nhưng nhờ tài văn chương, ông được cử làm Giáo thụ chuyên giảng Kinh Dịch ở trường Quốc Tử Giám, sau chuyển sang Viện Hàn lâm, thụ chức Đông các Đại học sĩ. Hiện ông còn hai bài thơ chữ Hán được chép trong Trích diễm thi tập của danh sĩ Hoàng Đức Lương. Buổi ấy, vợ chồng bà kết giao với nhiều bạn thơ ở chốn kinh kỳ và thường tổ chức những buổi gặp gỡ bình luận văn chương.

Nữ sĩ Ngô Chi Lan mất năm 1497. Để tỏ lòng tiếc thương và ngưỡng mộ bà, nhân dân Phù Lỗ đã dựng đền thờ với tên đề "Kim Hoa nữ học sĩ". Ngôi đền đó hiện nay được đặt ngay trên nền nhà ở ngày xưa của gia đình nữ sĩ.

Tác phẩm

Ngô Chi Lan chỉ có một tập thơ duy nhất là Mai trang tập (Tập thơ vườn mai). Ở thời Hoàng Đức Lương, Mai trang tập hãy còn lưu hành, sau đã thất truyền cho đến nay. Hiện thơ bà chỉ còn lại trên dưới mười bài in rải rác trong các sách Truyền kỳ mạn lục, Lĩnh Nam chích quái, Kiến văn tiểu lục và Trích diễm thi tập. Tạm liệt kê ra như sau: Chùm thơ vịnh bốn mùa: gồm 4 bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán. Chùm thơ vịnh bốn mùa: gồm 4 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Nôm (dịch Nôm 4 đoạn đầu của 4 bài thơ chữ Hán trên, tuy nhiên không biết do tác giả tự dịch hay do người đời sau). Vịnh núi Vệ Linh (tức núi Sóc): viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Thái liên khúc: gồm 2 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán. Thơ vịnh truyện Tô Vũ: viết bằng chữ Nôm, chưa có thông tin chi tiết. Thơ điếu vua Lê Thánh Tông: viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú, được chép trong Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa trong Truyền kỳ mạn lục.

Con đường

Tại Hà Nội: nối đường vào trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1 với ngã tư Núi Đôi - Sóc Sơn

Tại Đà Nẵng: chạy một vòng quanh công viên Đầm Rong II – quận Hải Châu

Tại Bình Định: nối đường Đặng Tiến Đông với Lý Văn Bưu – tph. Quy Nhơn



Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.