DNQTĐ: Lê Thái Tông và Lê Hiến Tông
Lê Thái Tông - 黎太宗 (22/12/1423 – 7/9/1442), tên húy Lê Nguyên Long (黎元龍), là vị hoàng đế thứ hai của hoàng triều Lê nước Đại Việt. Thái Tông trị vì từ ngày 20 tháng 10 năm 1433 cho tới khi mất năm 1442, tổng cộng 9 năm
Cuộc đời
Lê Thái Tông có tên thật Lê Nguyên Long (黎元龍), là con thứ hai của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Mẹ là Phạm Thị Ngọc Trần, người xã Quần Lai (tức Thọ Xuân – Thanh Hoá), sau được truy tôn là Cung Từ Cao Hoàng hậu. Lê Nguyên Long sinh ngày 20 tháng 11 âm lịch (ngày 22 tháng 12 dương lịch) năm 1423, tại Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa trong thời kỳ Đại Việt bị Trung Quốc đô hộ. Lúc này, Lê Lợi là Bình Định vương, đang chống nhau với quân Minh-Trung Quốc, phải di chuyển luôn luôn, không yên một chỗ nào
Tháng 3/1428, Lê Lợi phong Nguyên Long làm Lương quận công. Sau khi huynh trưởng Tư Tề mắc bệnh điên cuồng, giết bừa tì thiếp, Lê Lợi nghe theo lời cháu họ là Lê Khôi lập Nguyên Long làm thái tử nối ngôi, sai Phạm Vấn, Lê Sát và Lê Ngân làm phụ chính đại thần. 20/10/1433, Nguyên Long lên ngôi hoàng đế, hiệu Thái Tông, tự quyết định triều chính
Năm 1434, hoàng đế tổ chức thi học trò (nho sĩ) trong nước. Khoa thi này có 1000 người đỗ đạt, được chia làm 3 bậc: bậc 1, bậc 2 được học ở Quốc tử giám, bậc 3 được đưa về học ở trường các lộ. Nhà vua cũng bổ dụng các Ngự tiền học sinh làm quan. Tháng 4, khi vua Lê Thái Tổ vừa chết, vua nước Chiêm là Bố Đề ngờ Đại Việt có biến loạn, tự mình cầm quân áp sát biên giới, chưa rõ thực hư, mới đem quân vào Cửa Việt bắt 6 người. Dân Thuận Hóa đánh trả, bắt 2 người đem dâng. Ngày 12 tháng 5 âm lịch năm 1434, Lê Thái Tông sai quân dẫn 2 tù binh Chiêm tới xem, sau đó tha về. Tháng 6, Bùi Ư Đài đề nghị vua chọn các hoàng huynh, quốc cữu, kỳ lão am hiểu điển chế cũ vào làm cố vấn cho vua, bên ngoài đặt chức sư phó chỉ huy trăm quan. Lê Sát tức giận vì người khác nghĩ ông chuyên quyền muốn giới hạn quyền lực. Sau nhiều tờ sớ dâng tấu, vua phải lưu đày Ư Đài, nhưng cũng vua cũng ghét Lê Sát từ đó. 11/7, hoàng đế đặt quy định rằng, trừ những vụ kiện lớn, quân, dân nếu có kiện cáo thì phải kiện ở xã mình, xã không giải quyết được thì mới lần lượt lên lộ, phủ, và triều đình. Trong năm, Thái Tông ra lệnh cho quân ngự tiền và các vệ quân năm đạo chuẩn bị lương ăn trong 2 tháng, hạn đến ngày 20 tháng này phải tới địa phận Đông Kinh để điểm danh và luyện tập võ nghệ. Còn quân trấn giữ ở các trấn Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa thì tới địa phận phủ, trấn mình để kiểm duyệt. Ai vi phạm sẽ bị trị tội.
Tháng 1 âm lịch năm 1435, nhà vua cho thao diễn quân đội 5 đạo đánh bộ, lại diễn tập thủy chiến ở sông Hồng. Phan Thiên Tước thấy Thái Tông không chăm học, hằng ngày nô đùa với các hầu cận trong cung, bèn dâng sớ vạch ra 6 sai lầm của nhà vua. Thái Tông rất tức giận, sai người trách mắng, hôm sau, Thái Tông nguôi giận cho Phan Thiên Tước giữ chức cũ. Ngày 18 tháng 9 âm lịch năm 1435, triều đình bàn định riêng về ngạch thuế. 21/11, vua ra lệnh cho Lê Bôi và Lê Văn Linh đem quân đánh Cầm Quỹ, quan quân đi đánh thắng trận, bắt được Cầm Quỹ giải về triều. Tháng 12, hoàng đế sai vệ quân các đạo và quân Thiết đột vét sông Đông Ngàn để khai thông đường vận chuyển binh lương.
Tháng 1 âm lịch năm 1437, vua Lê Thái Tông sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng soạn thảo lễ nhạc và quy chế lễ nghi cho triều đại, Nguyễn Trãi dâng lên bản vẽ khánh đá và biểu tâu. Tháng 2 âm lịch năm 1437, Thái Tông khảo xét võ nghệ của các tướng hiệu. Phép khảo xét: bắn cung là một môn, ném tên là một môn, đánh mộc là một môn. Tháng 5, Lương Đăng dâng sớ cho Lê Thái Tông, có phác thảo quy chế mũ áo, nhạc khí, xa giá và số người theo hầu. Sau đó 6 tháng, vua Thái Tông chính thức ban bố các quy chế do Lương Đăng soạn ra. Tháng 7, nhà vua giao cho Hình quan hạch tội Lê Sát chuyên quyền. Lê Ngân và Lê Văn Linh cố giải tội cho Lê Sát nhưng nhà vua không nghe theo. Không lâu sau Thái Tông bãi chức Lê Sát, sau đó Lê Sát tự tử. Tháng 8 âm lịch năm 1437, quân Ai Lao kéo sang quấy nhiễu châu Mã Giang và châu Mộc. Quân Đại Việt chống đánh, chém được tù trưởng Man Nữu cùng 20 người, bắt hơn 20 người khác dâng vua. Ai Lao phải cử sứ sang xin chuộc lại tù binh. Lê Thái Tông cho phép tù binh về nước. Tháng 12, Lê Ngân bị xử tử vì tội trù ếm
Năm 1439, Thái Tông tăng cường quân đội và tổ chức duyệt quân binh lớn cả nước. Cùng năm họ Cầm ở châu Phục Lễ nổi dậy, tướng Ai Lao là Nữu Hoa đem 3 vạn người sang giúp họ Cầm chống lại Đại Việt, nhà vua tự mang 6 quân đi đánh. Tháng 3, hoàng đế thống nhất cách thức đo lường và tiêu dùng tiền tệ, lụa vải, giấy tờ trong nước
Mùa xuân năm 1440, ông lại đi đánh quân Hà Tông Lai ở huyện Thu Vật, thuộc huyện Tuyên Quang. Ngày 19 tháng 1 âm lịch, đại quân bắt được con Tông Lai là Tông Mậu, sang hôm sau chém được Tông Lai. Trên đường về nhà vua cùng quân sĩ nghỉ chân tại Động La (Thẳm báo ké), Lê Thái Tông thấy nơi đây cảnh đẹp, địa lý thuận lợi, nhà vua đã để lại bài thơ và lời tựa gồm 14 dòng, mỗi dòng 10 chữ với 140 chữ Hán khắc trên vách núi, sử gọi là Văn bia Quế Lâm ngự chế. Đến tháng 3, Thái Tông thân chinh đánh thổ quan Nghiễm nổi dậy ở châu Thuận Mỗi (trấn Gia Hưng). Nghiễm dâng trâu và voi tạ tội; lại gặp lúc trời đang nắng gắt nên nhà vua thu quân về. Thái Tông đi đánh Nghiễm lần hai. Ông đã bắt được viên tướng Ai Lao là Đạo Mông cùng vợ con ở động La, rồi bắt luôn hai con của Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng. Nghiễm thất thế, phải chịu quy phục triều đình. Nhà vua về kinh sư làm lễ cáo thắng trận ở Thái Miếu. Cùng năm nhà vua định khoa thi chọn học trò và đặt ra thể lệ thi cử như sau: bắt đầu từ năm Thiệu Bình thứ 5 1438 thi Hương ở các đạo, năm thứ 6 thi Hội ở sảnh đường tại kinh đô. Từ đấy về sau, cứ 3 năm một lần thi lớn, coi đó làm quy định lâu dài, người nào thi đỗ, đều được ban danh hiệu Tiến sĩ xuất thân. Những người đỗ hạng nhất được bổ vào Quốc tử giám, hạng nhì bổ làm Sinh đồ và thuộc lại bên văn.
Tháng 3 âm lịch năm 1442, Lê Thái Tông mở khoa thi Hội đầu tiên của Đại Việt thời Lê. Khoa này có 450 sĩ tử tham dự, trong đó 33 người thi đỗ. Số người này sang tháng sau được dự thi Đình. Nguyễn Trực đỗ Trạng Nguyên. Ngày 27/7 âm lịch năm 1442, Lê Thái Tông đi tuần về miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi mời nhà vua ngự chùa Côn Sơn, ở hương của Nguyễn Trãi. Đến ngày 4 tháng 8 âm lịch, Lê Thái Tông đi chơi ở vườn Vải, xã Đại Lại ven sông Thiên Đức. Tại đây hoàng đế thức suốt đêm với vợ Nguyễn Trãi là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ rồi qua đời. Các quan bí mật đưa thi hài về kinh sư rồi mới phát tang. Trong kinh, mọi người đều cho là Thị Lộ giết hoàng đế.
Ngày 12 tháng 8 âm lịch năm 1442, các đại thần là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ, Đinh Liệt, Lê Bôi nhận di mệnh tôn Hoàng thái tử Bang Cơ (2 tuổi) lên ngôi Hoàng đế, sử gọi là Lê Nhân Tông. Ngày 16 tháng 8, triều đình hành quyết Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ (tru di tam tộc). Ngày 16 tháng 9 âm lịch năm 1442, triều đình an táng Lê Thái Tông ở Hựu Lăng, bên tả Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ. Hàn Lâm viện thị độc học sĩ kiêm Tri ngự tiền học sinh Cục Cận thị chi hậu Nguyễn Thiên Tích phụng mệnh soạn văn bia Hựu Lăng ca ngợi công đức của tiên đế. Các quan dâng miếu hiệu Thái Tông, thụy hiệu Kế Thiên Thể Đạo Hiển Đức Thánh Công Khâm Minh Văn Tư Anh Duệ Triết Chiêu Hiến Kiến Trung Văn Hoàng Đế
Con đường
Tại Huế: nối đường Hồ Văn Tứ với Lê Hoàn – TX. Hương Trà
Tại Thanh Hoá: nối đường Lê Nhân Tông với Trịnh Cương - TP. Thanh Hoá
Lê Hiến Tông - 黎憲宗 (06/09/1461 – 24/06/1504) là vị hoàng đế thứ sáu của Hoàng triều Lê nước Đại Việt. Ông cai trị từ ngày 9 tháng 3 năm 1497 đến khi qua đời, tổng cộng 7 năm. Các bộ sử biên niên Đại Việt như Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả ông là người kế nghiệp xứng đáng của cha mình, vị vua lớn Lê Thánh Tông. Trong vòng 7 năm trị vì, ông đã thành công trong việc duy trì nền pháp chế do Thánh Tông đặt ra cũng như sự hưng thịnh của Đại Việt. Lê Hiến Tông mến chuộng văn học, tiết kiệm tiêu dùng, thận trọng hình phạt và luôn gần gũi bề tôi. Ông cũng chăm lo nông nghiệp, thủy lợi, cải thiện đời sống nhân dân và củng cố sức mạnh quân đội. Ông chết sớm khi mới ngoài 40 tuổi. Việc này cùng với cái chết của người nối ngôi ông là Lê Túc Tông chỉ 6 tháng sau đã đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn hùng mạnh của Đại Việt thời Lê.
Cuộc đời
Lê Hiến Tông có tên khai sinh là Lê Tranh (黎鏳), sinh ngày 10 tháng 8 âm lịch (6 tháng 9 dương lịch) năm 1461, tại đế đô Đông Kinh. Ông là con trưởng của Lê Thánh Tông, mẹ là Huy Gia Thuần Hoàng hậu Nguyễn Hằng, con gái thứ hai của Trình quốc công Nguyễn Đức Trung. Tháng 3/1462, ông được Thánh Tông sách lập làm Hoàng thái tử. Mẹ ông lúc đó đang rất được sủng ái, nên hoàng đế dành cho ông rất nhiều yêu mến. Ông được miêu tả là dáng vẻ thiên tử, mũi cao, mặt rồng, thần thái trang nghiêm, tươi đẹp khác thường, Thánh Tông yêu quý lắm.
Năm 1497, tháng giêng, Lê Thánh Tông qua đời, Thái tử Lê Tranh lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu, đại xá, lấy ngày sinh làm Thiên Thọ thánh tiết, tự xưng là Thượng Dương động chủ. Lúc lên ngôi Lê Hiến Tông đã 37 tuổi. Lê Hiến Tông là một vị hoàng đế thông minh, nhân từ và ôn hòa. Thường sau khi bãi triều, Hiến Tông ra ngồi nói chuyện với các quan. Ai có điều gì phải trái, ông nhẹ nhàng khuyên bảo, chứ không gắt mắng bao giờ. Ông là người chú trọng chăm sóc bảo vệ đê điều, đào sông, khai ngòi, đắp đường, trông coi việc nông trang làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm v.v... Ông chú ý đến giáo dục quan lại chống thói quan liêu và tham nhũng. Những việc chính trị đều theo như đời Hồng Đức chứ không thay đổi gì cả.
Ông còn đích thân xem sổ tiền thóc của Hộ tào dâng lên và hỏi các quan tả hữu, biết được tình trạng dự trữ của nhà nước và tư nhân. Từ đấy lại càng để ý đến việc nông tang, tự tay viết sắc lệnh sai các quan thừa hiến, phủ, huyện đi tuần hành khuyên bảo nhân dân đắp đê điều, đào ngòi lạch, khơi bờ ruộng, để phòng hạn, lụt. Ngày 16/03/1498, Hiến Tông có chiếu quy định rằng các quan trong ngoài, người nào không có con mà nuôi con nuôi, đều chiếu theo chức phẩm, cho được tập ấm bổ quan như con đẻ.
Ngày 24 /05/1504 (24/06 dương lịch), Hiến Tông lâm bệnh nặng và băng hà tại điện Đồ Trị, thọ 44 tuổi. Con trai của ông là Thái tử Lê Thuần lên nối ngôi, tức Lê Túc Tông. Ông được dâng miếu hiệu là Hiến Tông
Con đường
Tại Thanh Hoá: nối đường Âu Cơ với Quang Trung - TP. Thanh Hoá
Thiên Linh
Không có nhận xét nào: