DNQTĐ: Lý Lăng và Lê Thạch

Lý Lăng - 李凌 hay Lê Lăng -  黎凌 (? - 1462) là tướng nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam, người huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá)

Cuộc đời

Lê Lăng vốn có tên là Lý Lăng, vì cha ông là Lý Triện là công thần khai quốc nhà Hậu Lê, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn nên được cải sang họ Lê của vua.

Tháng 2/1427, Lý Triện cầm quân Lam Sơn vây phía nam thành Đông Quan, tướng Minh là Phương Chính kéo ra ngoài đánh úp động Quả ở Từ Liêm. Lý Triện bị tử trận. Thương Lý Triện nhiều lần phá được giặc mạnh, Lê Lợi cho cha là Lý Ba Lao làm chức sát sứ, cấp 400 mẫu ruộng, còn Lý Lăng được phong làm Phòng ngự sứ, tước Phục hầu. Thời Lê Nhân Tông còn nhỏ, Nguyễn thái hậu nhiếp chính, Lê Lăng giữ chức Nhập nội thái uý, tham gia triều chính. Khi Nhân Tông khôn lớn, tự ra coi việc triều đình, ông được phong là Nhập nội thiếu uý Bình chương quốc trọng sự, tước Á thượng hầu.

Tháng 10/1459, anh vua Nhân Tông là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân giết vua Nhân Tông lên ngôi, đặt niên hiệu Thiên Hưng. Tháng 5/1460, các đại thần Đỗ Bí, Lê Thụ, Lê Ngang mưu lật đổ vua Thiên Hưng bị bại lộ đều bị giết. Lê Lăng bàn mưu với Thái bảo Nguyễn Xí và Xa kỵ tổng tri Lê Niệm (cháu nội Lê Lai), Á hầu Lê Nhân Thuận, Quan phục hầu Trịnh Văn Sái, Điện tiền ty đô chỉ huy Nguyễn Đức Trung lật đổ Nghi Dân lần nữa. Ngày 6/6/1460, ông cùng Nguyễn Xí phát động binh biến, chém bầy tôi thân cận của Nghi Dân là Phạm Đồn, Phan Ban ở nghị sự đường, nắm lấy cấm binh, đóng chặt cửa thành, sai Lê Ninh Thuận bắt vây cánh của vua Thiên Hưng hơn 100 người. Sau đó các đại thần giáng Nghi Dân làm Lệ Đức hầu. Lê Lăng cầm giải lụa đến chỗ Lệ Đức hầu bắt phải tự thắt cổ chết. Các đại thần bàn việc lập vua mới. Lúc đó trong các con vua Lê Thái Tông còn lại 2 người là hoàng tử thứ hai - Cung vương Lê Khắc Xương và hoàng tử thứ tư - Gia vương Tư Thành. Lê Lăng bàn rằng nên lập Khắc Xương, trong khi Nguyễn Xí bàn nên lập Tư Thành. Tuy nhiên khi mọi người đến rước, Cung vương Khắc Xương một mực từ chối không nhận ngôi vua. Các đại thần quyết định lập Gia vương Tư Thành. Hoàng tử Tư Thành được lên ngôi, tức là vua Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông lên ngôi, xét công phò lập của các đại thần, Lê Lăng được phong làm Thái úy và được ban 300 mẫu ruộng thế nghiệp.

Tháng 12/1460, ông cùng Đinh Liệt mang quân đi đánh tù trưởng họ Cầm ở Bồn Man quấy phá biên giới. Sau đó có người nói với Thánh Tông việc chủ ý trước đây của Lê Lăng muốn lập Cung vương Khắc Xương. Vì vậy Thánh Tông có ý ghét ông và có ý muốn hại ông. Thái uý Lê Lăng nắm quyền phụ chính trong triều, tính tình cứng cỏi càng khiến Thánh Tông e ngại, nói với các cận thần: Ta thấy Thái uý trong lòng thường sợ sệt. Thánh Tông muốn nhân đó để lập thành tội trạng, kết án ông nhưng trong triều đình nhiều người không phục và không tán thành.

Tháng 8/1462, Thánh Tông bèn tự tay viết tờ chiếu, ra lệnh cho thái bảo Nguyễn Lỗi và một số người cùng cánh làm ra tờ tội trạng, tố cáo Lê Lăng với Đỗ Công Thích ngầm mưu làm phản, lại tố cáo cả một đại thần tham gia binh biến lật đổ Nghi Dân khác là Lê Nhân Thuận lập bè đảng che mắt vua. Thánh Tông căn cứ vào tờ tố cáo đó kết án xử tử Lê Lăng và những người bị tố cáo khác. Lê Lăng bị xử tử, gia sản bị tịch thu. Mọi người trong triều đều cho là ông bị oan nhưng không ai dám nói ra. 

Sau nhiều năm, Lê Lăng không được minh oan hay đại xá như các đại thần bị hại đời trước như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi, Lê Sát, Lê Ngân, Trịnh Khả. Cuộc đời ông chỉ là do chọn sai người kế nghiệp nên mới có cái kết bi thảm - chuyện này vốn dĩ là bình thường của mỗi triều đại, không có tội gì lớn cũng không bán nước, hại dân nên vẫn được ghi công, lưu truyền hậu thế.

Con đường

Tại Saigon: nối đường Lê Lư với Phạm Vấn – quận Tân Phú


Lê Thạch - 黎石 (? - 1421), là công thần khai quốc nhà Hậu Lê. Ông là con của anh trai cả của Lê Lợi, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ buổi ban đầu, được Lê Lợi phong làm Tướng quốc. Lê Thạch vì ham lập công giết địch, mà tử trận trong trận chiến với quân Ai Lao vào năm 1421.

Cuộc đời

Lê Thạch là người Lam Sơn, (nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa), con trai của Lê Học - anh cả của Lê Lợi, tức là cháu gọi Lê Lợi bằng chú, cháu đích tôn của Lê Khoáng. Khi Lê Lợi còn nhỏ được Lê Học nuôi dạy nên sau này lúc Lê Học mất, Lê Lợi nuôi Lê Thạch, thương yêu như con. Lê Thạch là người nhân ái, ham đọc sách, dũng lược hơn người, khéo nuôi sĩ tốt. Lê Thạch theo Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn từ buổi đầu, Lê Lợi phong làm Tướng quốc Lê Thạch theo nhà vua khởi binh ở Lam Sơn, thường được Lê Lợi sai làm tiên phong, đánh đâu thắng đấy.

Năm 1418, tướng Minh là Mã Kỳ mang quân vây đánh Lam Sơn, Lê Lợi rút về Lạc Thuỷ đặt phục binh để đợi. Khi quân Mã Kỳ tiến đến, Lê Thạch và Lê Ngân, Đinh Bồ, Nguyễn Lý xông lên trước đón đánh, chém được hơn 3000 quân địch, thu được nhiều chiến lợi phẩm. Sau đó, ông theo Lê Lợi về Mường Thú đánh trại Nga Lạc, rồi lại tiến đến trại A Đả, đánh nhau với quân Minh ở Mỹ Canh, bắt được tướng giặc là Nguyễn Sao và chém hơn 300 quân địch, đều công đứng đầu ba quân.

Năm 1421, tướng Minh là Trần Trí kéo quân đến đánh Ba Lẫm ải Kình Lộng. Trần Trí mở đường núi tiến lên, Lê Lợi đặt phục binh, sai Lê Thạch đi đầu đánh tan quân Minh ở Úng Ải. Lê Thạch thương làm tiên phong, công lao nhiều nhất. Do lập được công, Lê Thạch được phong làm Thứ thủ quân thiết đột, tước Lương Nghĩa hầu. Sau đó, Ai Lao đem 3 vạn quân giả vờ đến giúp, rồi bất ngờ đánh úp trại nghĩa quân. Lê Lợi đích thân đốc chiến, chém 1 vạn người, đuổi đến 4 ngày đến tận sào huyệt. Tù trưởng Ai Lao là Man Sát xin hòa, Lê Lợi biết Ai Lao trá hàng, nên không chấp nhận hòa hoãn. Các tướng Lam Sơn cho rằng quân sĩ đánh trận mấy ngày, đã mỏi mệt, nên cho nghỉ. Lê Thạch vì ham lập công giết địch, không nghe theo các tướng, tự mình dẫn quân xông lên trước, bất ngờ bị trúng tên bắn ngầm của địch và tử trận. Được tin ông tử trận, Lê Lợi rất thương xót. 

Năm 1428, sau khi khởi nghĩa thắng lợi, ghi chép các công thần, ông được truy tặng làm Nhập nội kiểm hiệu thái uý Bình chương quân quốc trọng sự, lại phong là Trung Vũ đại vương và thờ phối ở tẩm miếu. Năm 1440, Lê Thái Tông truy tặng ông làm Lương quận công Trung Vũ vương. Năm 1454, Lê Nhân Tông gia tặng ông làm Quận công Trung Dũng Anh Nghị Chân Hiến đại vương. Tới năm 1487, Lê Thánh Tông truy tặng ông làm Lương quốc công, thuỵ là Chân Hiến Túc vương

Con đường

Tại Đà Nẵng: nối đường Nam Trân với Phan Khoang – Q. Cẩm Lệ

Tại Hà Nội: nối đường Đinh Tiên Hoàng với Ngô Quyền – Q. Hoàn Kiếm

Tại TP. HCM: nối đường Hoàng Diệu với Lê Văn Linh – quận 4

 

Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.