DNQTĐ: Bùi Huy Bích và Bùi Bỉnh Uyên

Bùi Huy Bích - 裴輝璧 (03/10/1744 - 1818), tự là Hy Chương (熙章), hiệu là Tồn Am và Tồn Ông, là một danh nhân, danh sĩ người Hà Nội, từng giữ chức Tham tụng (tương đương chức thủ tướng) trong triều đình dưới thời vua Lê-chúa Trịnh.

Cuộc đời

Ông sinh ngày 28 tháng 8 năm Giáp Tý (1744), quê làng Định Công, Hà Nội. Ông là cháu 5 đời của Tiên Quận công Bùi Bỉnh Uyên, cháu 7 đời của Quảng Quận công Bùi Xương Trạch. Cha là Bùi Dụng Tân, hiệu Trúc Viên cư sĩ, dạy học ở nhà. Bùi Huy Bích có 1 chị và 1 em trai. Năm ông lên 5 tuổi, mẹ ông mất, cha ông mang 3 chị em lên Hải Dương, ở làng An Lâu, huyện Thanh Miện. Trúc Viên dạy học tại đó. Thuở nhỏ Tồn Am thể chất kém, thường đau ốm luôn, bề ngoài có vẻ "lỗ độn" nhưng trong lại có khiếu thông minh. Không những Bùi Huy Bích chóng học thuộc sách mà ngay cả với cuộc sống cũng tỏ ra am hiểu. Thuở nhỏ ông học ở nhà, 17 tuổi theo học Nguyễn Bá Trữ. 

Năm 19 tuổi (1762), đi thi đỗ ngay hương cống nhưng trượt thi hội vào năm sau (1763). Ông về học tiếp bảng nhãn Lê Quý Đôn mở tại kinh thành, nhưng bất mãn trước cảnh xã hội nên không theo tiếp con đường tiến sĩ. Để chiều lòng cha, mãi năm ông 25 tuổi (1770) ông đi thi và đỗ thi hội rồi đỗ thi đình, đỗ Hoàng giáp. Sau khi đỗ, ông được bổ dụng làm Hàn lâm viện hiệu lý, lên chức Thị Chế (năm 1771), rồi được thụ chức Thiêm sai phủ liêu Tri hộ phiên, kiêm chức Đông các Hiệu thư. Năm 1777, ông vào lĩnh chức Đốc đồng Nghệ An rồi lại phụng sai vào Thuận Hóa tuyên dụ. Trong thời gian này ông đã có công bình loạn giặc Mường Thai ở miền tây Nghệ An. Sau công trạng đó, năm 1780 ông được thăng lên Hiệp trấn Nghệ An kiêm thụ lĩnh chức tham chính. 

Đến năm Tân Sửu (1781), ông được chúa Trịnh Sâm triệu về triều, trao cho chức Nhập thị Bồi tụng, chức đứng hàng thứ 2 trong phủ chúa sau chức Bồi tụng, nhưng ông đệ khải văn xin từ chức, lấy cớ là ốm yếu, dù khi đó mới 38 tuổi và có quan hệ họ hàng với Trịnh Sâm, nhưng bản thân ông không muốn gần gũi với Trịnh Sâm. Ông là người đã đứng ra can gián Trịnh Sâm khi chúa định bỏ con trưởng Trịnh Tông để lập con nhỏ Trịnh Cán của Tuyên phi Đặng Thị Huệ được sủng ái, nhưng không thành. Chính vì Trịnh Sâm lập con nhỏ nên đã xảy ra loạn trong triều sau khi chúa qua đời. Trịnh Tông lật đổ Trịnh Cán lên ngôi, cách chức Tham tụng của Phan Lê Phiên (vì Phiên cùng phe với mẹ con Trịnh Cán) và mời Bùi Huy Bích ra làm Hành Tham tụng, hy vọng ông có thể cứu vãn tình thế do loạn kiêu binh gây ra. Sau xảy ra nhiều chuyện, lại do ngờ vực, ông từ quan về dưỡng bệnh tại phường Bích Câu, Hà Nội, gần đền Tú Uyên.

Năm 1786, quân Tây Sơn lấy danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh" kéo ra bắc, Trịnh Tông điều ông ra mặt trận làm chức đốc chiến. Ông định đến đò Thuý Ái để phối hợp với Hoàng Phùng Cơ chỉ huy thuỷ quân, nhưng chưa đến nơi thì quân Phùng Cơ đã tan vỡ, quân Tây Sơn thần tốc tiến vào Thăng Long. Tây Sơn diệt Trịnh không lâu thì Lê Hiển Tông mất, cháu là Lê Chiêu Thống lên thay, Nguyễn Huệ rút quân về nam. Chiêu Thống mời Bùi Huy Bích ra giúp nhưng ông xin từ về quê nhà.

Khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua và đánh tan quân Thanh (1789) có mời các danh thần nhà Hậu Lê ra giúp nước nhưng ông không hợp tác. Đến đời Nguyễn Ánh, ông được trọng đãi nhưng ông vẫn xin được sống an nhàn ở quê cho đến khi qua đời ngày 25 tháng 5 năm 1818, thọ 75 tuổi.

Tác phẩm

Bùi Huy Bích viết nhiều, trong đó thơ của ông để lại ba bộ, tổng cộng 681 bài thơ: Bích Câu thi tập, gồm 2 tập là tiền tập và hạ tập, Nghệ An thi tập gồm 2 tập, Thoái hiên thi tập gồm 3 tập. Về văn có: Tồn Am văn cảo, Lữ trung tạp thuyết, Quốc triều chính biên điển lục

Các tập văn thơ ông sưu tập và hợp tuyển: ghi chép từ thời Lý Trần đến thời Lê Hiển Tông: Hoàng Việt thi tuyển: gồm 562 bài của 167 tác giả. Hoàng Việt văn tuyển: 112 bài, gồm 15 bài phú, 15 bài ký, 9 bài tế, 9 bài minh, 25 bài chiếu chế, 22 bài khải, 11 bài tản văn, 6 bài biểu tấu. 

Thơ văn của ông phần nhiều tự sự về nhân tình thế thái, tự phê phán bản thân bất lực không làm được gì nhiều giúp dân giúp nước; đồng thời công kích sư sa đoạ của kể sĩ và quan lại đương thời và phê phán quan điểm lệch lạc của các nhà Nho. Bùi Huy Bích không đồng nhất quan điểm cho rằng từ thời Sĩ Nhiếp Việt Nam mới có chữ viết mà ông cho rằng Việt Nam đã có chữ viết trước đó nhiều

Con đường

Tại Đà Nẵng: nối đường Hoa Lư với Bùi Dương Lịch – quận Sơn Trà

Tại Hà Nội: nối đường Vành đai 3 với đường Giải phóng – quận Hoàng Mai

Tại Khánh Hoà: nối đường Đệ với Ngô Văn Sở - TP. Nha Trang

Tại tph. HCM: nối đường Nguyễn Duy với Bến Bình Đông – quận 8



Bùi Bỉnh Uyên (1520 - 1614) là công thần giúp nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.

Cuộc đời

Bùi Bỉnh Uyên tự là Chuyết Phu, người làng Định Công, huyện Thanh Đàm, nay thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ông là cháu tiến sĩ Bùi Xương Trạch thời Lê sơ và con bảng nhãn Bùi Vịnh thời Mạc. Lớn lên, ông lấy con gái đại thần Lê Bá Ly nhà Mạc. Từ nhỏ, Bùi Bỉnh Uyên có học vấn rộng rãi, văn chương hoa mỹ. Ông lớn lên khi chiến tranh Lê-Mạc đến thời kỳ ác liệt. Khi đi thi Hương với nhà Mạc, ông đỗ Tam trường, khi đi thi Hội thì nhà có tang nên ông bỏ thi.

Năm 1551, thời Mạc Tuyên Tông - Lê Trung Tông, vì phe Lê Bá Ly có mâu thuẫn với vua Mạc, ông cùng bác là Bùi Trụ mang cả họ theo cha vợ là Lê Bá Ly vào Thanh Hóa theo nhà Lê. Sang thời Lê Anh Tông, Bùi Bỉnh Uyên trở thành người phục vụ đắc lực cho triều đình, được phong là Tuyên lực công thần. Năm 1591 thời Lê Thế Tông, ông theo chiến dịch đánh chiếm Thăng Long, được phong làm Thuấn tín công thần. Nhà Lê trở lại Thăng Long, ông lĩnh chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Thị lang bộ Hình, bộ Hộ. Năm 1593, lực lượng họ Mạc còn mạnh, vua Lê đi đánh Mạc Kính Chỉ, giao cho Bùi Bỉnh Uyên ở lại trấn thủ Tây Kinh. Sau đó ông được thăng làm Thượng thư bộ Lễ, rồi kiêm làm Thượng thư bộ Binh, tước Văn Phong hầu.

Năm 1597, nhà Lê trung hưng muốn thông hiếu với nhà Minh để cầu phong. Con cháu nhà Mạc sang Trung Quốc nói với nhà Minh rằng chính quyền nhà Lê trung hưng là của họ Trịnh chứ không phải nhà Lê, vì vậy nhà Minh yêu cầu triều đình nhà Lê đến biên giới hội khám để đối chất là thực hay dối. Bùi Bỉnh Uyên nhận trách nhiệm lên Ải Nam Quan đối đáp với các quan lại nhà Minh chất vấn. Do Bùi Bỉnh Uyên đối đáp cứng cỏi lưu loát, khiến nhà Minh công nhận Lê Thế Tông là con cháu nhà Lê. Xong việc trở về, ông được gia phong làm công thần. Năm 1604, ông đã 85 tuổi, xin về hưu. Ít lâu sau triều đình lại mời ông ra làm quốc lão hầu cận.

Năm 1614, ông mất, thọ 95 tuổi, được truy tặng chức Thiếu bảo, thụy là Cung Ý. Đến thời Lê Thuần Tông, ông được truy phong làm Thái bảo, Tiên quận công.

Con đường

Tại Đà Nẵng: nối đường Hoàng Bình Chính với Nguyễn Nghiễm – quận Ngũ Hành Sơn


Thiên Linh

Không có nhận xét nào:

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.