DNQTĐ: Mai An Tiêm và Lang Liêu

Mai An Tiêm (? - ?) hay Mai Yển, là một người con nuôi của Hùng Vương thứ 17 (hoặc 18). Ông gắn liền với sự tích "quả dưa hấu" và được hậu thế suy tôn là ông tổ của nghề trồng dưa hấu tại Việt Nam

Truyền thuyết

Xưa, đời Hùng Vương có viên quan tên là Mai An Tiêm, vốn là người ngoại quốc. Vua mua từ thương thuyền về làm nô bộc từ khi lên 7, 8 tuổi. Khi lớn lên, diện mạo đoan chính, nhớ thuộc sự vật, vua ban cho tên là Mai Yển, hiệu An Tiêm, lại ban cho một người thiếp. Tiêm sinh hạ được một trai một gái. Vua rất tin yêu, giao cho công việc, dần dần trở nên giàu có, ai nấy đều khiếp sợ, kẻ quyền cao chức trọng đều muốn đến làm thân, của cải rất nhiều.

Sau Tiêm đâm ra kiêu căng ngạo mạn, thường nói rằng: “Đó đều do kiếp trước ta tu mà có, không có phải do ơn chủ đâu”. Vua nghe nói cả giận, phán: “Làm bề tôi mà kiêu căng ngạo mạn, không biết ơn chủ!. Nay ta đưa nhà ngươi ra một nơi không có người ở giữa bể, xem nhà ngươi có còn của cải kiếp trước nữa hay không?”. Bèn đày Mai Yển ra ngoài cửa bể huyện Thán Sơn, bốn bề toàn cát và nước không có vết chân người qua lại, ban cho một số lương thực đủ ăn bốn năm tháng để cho ăn hết thì chết. Vợ Tiêm than khóc “Tôi chết ở đây rồi, không thể sống được”. Tiêm cười mà bảo: “Trời sinh ta tất sẽ nuôi ta, sống chết bởi trời, ta đâu lo lắng”.

Bỗng thấy một con chim màu trắng từ hướng Tây bay lại, đậu ở đầu núi, kêu lên 3, 4 tiếng, nhả xuống 6 - 7 hạt dưa rơi xuống cát, hạt nở thành dây, mọc lên um tùm rồi kết thành trái rất nhiều. An Tiêm mừng rỡ nói rằng: “Đây không phải là vật dị thường mà là trời cho để nuôi ta đó”. Bèn bổ ra mà ăn, thấy mùi vị thơm ngon, tinh thần sảng khoái, mới đem ra trồng, ăn không hết, đem đổi lấy gạo nuôi vợ con. Tiêm không biết gọi là trái cây gì, nhưng vì chim ngậm hạt từ hướng Tây bay tới nên gọi là trái dưa hấu (Tây Qua). Bọn phường chài, phường buôn ăn đều cho là ngon, đều đến mua bán đổi chác. Những người ở thôn xóm xa gần đều mua hạt về làm giống, theo mùa trồng trọt khắp nơi.

Sau vua nghĩ tới Tiêm, cho người đến xem còn sống hay đã chết. Người đó về tâu lại với vua, vua thở dài mà than rằng: “Hắn nói là do ở kiếp trước, điều đó quả thực không ngoa”. Bèn xuống chiếu gọi về , cho giữ chức cũ, lại cấp cho nô tỳ. Bãi cát Tiêm ở gọi là bãi An Tiêm, chỗ An Tiêm ở gọi là làng Mai, nay thuộc huyện Nga Sơn. Xưa, người ta tôn An Tiêm là cha mẹ của dưa hấu, nay còn tôn làm ông tổ nghề trồng dưa hấu. [Theo sách Lĩnh Nam trích quái]

Ngày nay, tại xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, có một dãy núi mang tên Mai An Tiêm, tương truyền chính là hòn đảo xưa kia vợ chồng An Tiêm đi đày. Dưới chân núi này có đền thờ ông và được nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 12 đến 15 tháng Ba âm lịch hàng năm

Con đường

Tại Huế: nối đường Lê Ngã với Nguyễn Quang Bích - tph Huế

Tại Đà Nẵng: nối đường Phan Văn Đáng với Trần Tử Bình - Hoà Vang

Tại Khánh Hoà: nối đường Phương Mai với QL. 1C - tph. Nha Trang



Lang Liêu - 郎僚 (? - ?), cũng gọi Lang Lèo hay Tiết Liệu (節料), là vị vua thứ 7 của nhà nước Văn Lang trong lịch sử Việt Nam với tên hiệu là Hùng Chiêu Vương (theo Việt Nam sử lược)

Truyền thuyết

Bấy giờ trên núi Tam Ðảo có một người con gái ít tuổi, khỏe mạnh, che thân bằng vỏ cây, làm lều ở trên cây, đi lại truyền nhảy nhanh như con sóc, nhẹ như vượn, nhặt đá ném thú rừng và chim muông mà sống. Giặc Ân sang cướp nước ta, thế giặc rất mạnh. Vua Hùng thứ 6 cho sứ đi các trang động trong nước cầu người ra dẹp giặc. Người con gái xuống núi về chầu vua, xin được đi đánh giặc. Ra trận chỉ lấy đá mà ném, giết được nhiều giặc, đánh với giặc nhiều trận ở ngay cửa ngõ thành Phong Châu, ngã ba Bạch Hạc (nay thuộc là địa phận huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Khi tan giặc, người con gái lại trở về núi.

Vua Hùng thứ 6 đã già, muốn tìm người tài trong số các con mình để truyền ngôi. Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày cho vua với ý nghĩa "các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình trời đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ" Hùng Vương bèn truyền ngôi cho Liêu, anh em 21 người đều được chia giữ các nơi phiên trấn, tụ tập bộ đảng mà thành phiên quốc. Về sau, các tướng tranh giành nhau thường dựng mộc sách (hàng rào bằng gỗ) để phòng ngự; cho nên, từ đó mới có sách, thôn, trang,..

Lang Liêu lên ngôi, nghe dân gian đồn rằng núi Tam Ðảo có tiên nữ rất xinh đẹp, bèn lên núi cầu mong gặp tiên. Chờ mãi chưa thấy bóng tiên, vua đã nản lòng hạ lệnh cho quan quân sớm hôm sau phò giá về triều. Ðêm đó, vua thấy thần báo mộng sáng mai sẽ được gặp tiên và vua sẽ lấy tiên làm vợ. Vua tỉnh giấc thấy bồn chồn. Trăng sao sáng ngời nhưng Vua vẫn truyền thắp đèn đốt đuốc, chờ đón và cho quan quân lui xuống chân núi để khỏi kinh động.

Mãi tới khi mặt trời đứng bóng, chợt thấy một người con gái từ xa đi đến, mình mặc vỏ cây, vai vác một con thú rừng máu rỏ đỏ tươi. Người con gái đặt con thú xuống chân và cất lời chúc mừng nhà vua. Vua nhìn ngắm thấy người con gái ấy mắt sáng long lanh, gương mặt tươi tắn đỏ hồng, vóc dáng xinh đẹp, khỏe mạnh, đúng là cô gái trước đã theo cha đánh giặc Ân. Vua rất đẹp lòng, đón về kinh đô cưới làm vợ. Cô gái núi Tam Ðảo ấy thường được gọi tên là Ngọc Tiêu, hiện vẫn có đền thờ tại Tam Ðảo, bà được tôn phong làm Tam Ðảo Sơn trụ quốc mẫu Ðại vương Thái phu nhân". [Tham khảo: baodaknong.org.vn và Lĩnh Nam trích quái]

Con đường 

Tại Khánh Hoà: từ đường 2/4 đến hết đường - tph. Nha Trang



Thiên Linh

3 nhận xét:

  1. Nặc danh5/3/21 15:22

    Có lẽ tác giả hoặc nguồn tài liệu tác giả dẫn chưa chính xác: chi tiết mô tả vợ Lang Liêu "môi nàng hồng đỏ như hồ xanh" thật khó hiểu!?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã góp ý, admin đã chỉnh sửa lại nội dung theo sách Lĩnh Nam trích quái. Trân trọng

      Xóa

©2015 - 2018 by Thiên Linh. Khi trích dẫn, vui lòng ghi rõ: "©JimmyKyo" hoặc "©ThiênLinh". Được tạo bởi Blogger.